|
Chỉ số VN-Index chính thức vượt mốc 1.171 điểm trong phiên giao dịch sáng 21.3 - Ảnh: Phan Diệu |
Theo đó, vào lúc 11 giờ, chỉ số VN-Index tăng hơn 12 điểm và vượt mốc 1.171 điểm, khi đạt mức 1.172,3 điểm. Trên thị trường, có 156 mã tăng, còn 115 mã giảm giá. Giá trị giao dịch cũng đạt hơn 3.000 tỉ đồng.
Trong phiên giao dịch chứng khoán sáng 21.3, thị trường nhận được các tín hiệu tích cực từ nhóm cổ phiếu dầu khí do giá dầu thế giới tăng. Các mã cổ phiếu như GAS, PVD, PVS đều đồng loạt tăng. Ngoài ra, chỉ số Dow Jones của Mỹ đã phục hồi 116 điểm cũng tạo đà tăng trưởng cho thị trường trong nước.
Trước đó, vào ngày 12.3.2007, chỉ số VN-Index lần đầu tiên đạt 1.170,67 điểm, thiết lập nên đỉnh lịch sử của thị trường chứng khoán. Thời điểm đó, giá trị giao dịch khớp lệnh mỗi phiên đạt khoảng 1.000 tỉ đồng, tương ứng gần 10 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khiến cho các chỉ số liên tục lao dốc. Chỉ số chứng khoán từ đỉnh 1.170 đã về đáy 235 điểm và mất hơn 10 năm để quay lại mốc cũ. Trong thời gian này, thị trường Việt Nam cũng chịu cảnh đìu hiu, mất thanh khoản khi lệnh bán nhiều mà lệnh mua vắng.
Đến nay, dù quay lại đỉnh cũ nhưng quy mô thị trường chứng khoán đã lớn mạnh hơn rất nhiều, khi mỗi phiên giao dịch khớp lệnh trên dưới 200 triệu cổ phiếu. Thanh khoản của thị trường cũng đạt khoảng 6.000 tỉ đồng, thậm chí có phiên lên tới 10.000 tỉ đồng.
Trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nói rằng, chỉ một năm về trước, rất nhiều người cho rằng con số trên là điều không tưởng, thế nhưng hôm nay mức đỉnh này đã là sự thật.
“Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đã được cải thiện đáng kể trong 2 năm qua. Một trong những nguyên nhân cơ bản có được kết quả hôm nay là nhờ chính sách Chính phủ không huy động và phân bổ nguồn lực để cho các thành phần kinh tế chủ động huy động nguồn lực. Chắc chắn năm nay thị trường chứng khoán sẽ là năm tốt nhất kể từ khi thành lập đến nay. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách này thì sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của đất nước trong những năm tiếp theo.
Với các doanh nghiệp có nền tảng bền vững, hoạt động minh bạch thì đây là cơ hội rất tốt để huy động vốn mở rộng quy mô phát triển, cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Nhà nước bán bớt tỷ lệ sở hữu nhà nước để tái cơ cấu hệ thống quản trị đưa doanh nghiệp lên tầng cao mới giống như VNM, REE, GMD, NSC... đã tận dụng được cơ hội trong quá khứ”, ông Hưng nhận định.
Tuy nhiên, Chủ tịch SSI cũng nói rằng, các doanh nghiệp cần tránh đi vào vết xe đổ của một số doanh nghiệp đình đám một thời, khi huy động vốn dễ dàng trong khi đội ngũ cũng như hệ thống quản lý không đáp ứng được sẽ dẫn tới rủi ro sụp đổ.
“Với nhà đầu tư, thực sự đây là lúc mà lòng tham sẽ dễ dàng được đẩy lên cao, nhiều cơ hội đầu tư kiếm lời trên thị trường chứng khoán chúng ta được nghe chào mời và tự nhìn thấy hàng ngày. Thế nhưng, hãy lưu ý thị trường chứng khoán vốn rất khắc nghiệt, mỗi người phải tự lựa chọn một nguyên lý quản lý rủi ro riêng cho mình. Kinh nghiệm của những năm qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã chỉ ra người thành công là người kiểm soát rủi ro tốt nhất chứ không phải là người kiếm được nhiều nhất khi thị trường tăng.
Tóm lại, năm nay là một năm có nhiều cơ hội cho tất cả các thành viên tham gia thị trường chứng khoán, nhưng cần có chiến lược rõ ràng để quản lý rủi ro, điều quan trọng nhất là biết hạn chế lòng tham”, ông Hưng khuyên nhà đầu tư.
Theo Phan Diệu/Một thế giới