Vòng xoáy tranh giành quyền lực Eximbank, kinh doanh trồi sụt... cổ đông “ngao ngán“

Google News

(Kiến Thức) - Do mâu thuẫn nội bộ kéo dài nhiều năm, thay máu ghế nóng liên tục ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Sau nhiều lần hoãn rồi hủy đại hội cổ đông, cuộc chiến quyền lực tại Eximbank vẫn “ngổn ngang”, khiến nhiều cổ đông nhỏ "lao đao".

“Sóng ngầm” nội bộ
Ngày 30/6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, vẫn như mọi năm, đại hội thường niên trong buổi sáng bất thành vì không đủ túc số, chỉ có chưa đến 18% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội, đến buổi chiều ở đại hội bất thường cũng không thể tổ chức khi số cổ đông tham dự đạt tỷ lệ chưa đến 52%.
Trước đó, năm 2016, Eximbank hai lần tổ chức đại hội cổ đông nhưng ở cả hai lần đều kết thúc trong bế tắc khi nội dung đại hội không được thông qua và "cuộc chiến" quyền lực vẫn chưa được định đoạt rõ ràng.
Cuộc chiến nội bộ lặp lại tại đại hội cổ đông năm 2017 và 2018 khi tiếp tục nội dung bỏ phiếu bầu thêm thành viên HĐQT, tăng số thành viên HĐQT quản trị từ 9 lên 11 người. Nội dung này đã không được thông qua trong năm 2017 và tiếp tục được nhắc lại trong đại hội năm vào tháng 4/2018.
Như vậy, trong khoảng thời gian 5 năm vừa qua, Eximbank chỉ tổ chức được đại hội cổ đông một lần duy nhất thành công là vào năm 2018.
Vong xoay tranh gianh quyen luc Eximbank, kinh doanh troi sut... co dong
 Đại hội đồng cổ đông thường niên của Exinbank ngày 30/6/2020 đã không thể tiến hành vì không đủ số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội. Ảnh: NLĐ.
Mặc dù hết lần này tới lần khác hoãn tổ chức đại hội cổ đông nhưng Eximbank lại thay máu lãnh đạo với tần suất chóng mặt. Kể từ khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 4/2015, cuộc tranh giành giữa các nhóm cổ đông để đưa người vào Hội đồng quản trị Eximbank vẫn chưa dừng lại.
Cụ thể, tháng 4/2018, Hội đồng quản trị Eximbank ban hành nghị quyết bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên Hội đồng quản trị, làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngay sau đó, ông Lê Minh Quốc, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, đã khởi kiện và yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng nghị quyết 112 bầu bà Tú làm chủ tịch Hội đồng quản trị do trong quá trình triệu tập họp HĐQT để tiến hành công tác nhân sự đã vi phạm trình tự thủ tục triệu tập theo điều lệ của Eximbank.
Ngày 22/5/2019 Hội đồng quản trị Eximbank đã ban hành nghị quyết 238 bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên Hội đồng quản trị, giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Mới đây, ngay trước thềm ĐHCĐ, đại diện Ngân hàng Eximbank đã có thông cáo báo chí cho biết, HĐQT của ngân hàng này đã tổ chức phiên họp và chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Cao Xuân Ninh, Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông Ninh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. HĐQT đã thông qua và bầu ông Yasuhiro Saitoh, Phó Chủ tịch HĐQT đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Tuy nhiên, vào tháng 5/2019, SMBC đã có thông báo gửi đến Eximbank về việc chấm dứt tất cả các mối quan hệ pháp lý giữa SMBC và ông Yasuhiro Saitoh.
Khác với ở những ngân hàng thương mại cổ phần khác, hầu hết các đời Chủ tịch của Eximbank đều không phải là ông chủ thực sự của ngân hàng cũng không phải là cổ đông lớn hay người đại diện cho nhóm cổ đông… Ông Lê Minh Quốc từng là thành viên hội đồng quản trị độc lập không đại diện cho nhóm cổ đông nào, ông Cao Xuân Ninh từng là người của Vietcombank nhưng trước khi lên ghế chủ tịch cũng không còn đại diện vốn, và đến nay là ông Saitoh không phải là đại diện vốn của cổ đông Nhật khi Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã rút ông này từ tháng 5/2019.
Không chỉ bối rối trong việc chọn Chủ tịch HĐQT, Eximbank còn chưa có người đại diện theo pháp luật chính danh. Ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Cảnh Vinh vẫn chỉ là quyền Tổng giám đốc của Eximbank. HĐQT Eximbank cũng đã từng có Nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ được cho là không hợp lệ. Sau đó, Eximbank tiếp tục bổ sung hồ sơ để hoàn tất các thủ tục cho ông Nguyễn Cảnh Vinh lên làm Tổng giám đốc nhưng NHNN chưa trả lời.
Theo Điều lệ Eximbank, Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật duy nhất. Trong bối cảnh, Chủ tịch HĐQT thay liên tục, việc khuyết vị trí người đại diện theo pháp luật khiến hoạt động của ngân hàng này như “rắn mất đầu”.
Vong xoay tranh gianh quyen luc Eximbank, kinh doanh troi sut... co dong
Sóng ngầm quyền lực tại Eximbank vẫn khó lường. (Ảnh: Vietnamnet) 
Kinh doanh trồi sụt
Những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông khiến Eximbank tiếp tục "vùng vẫy" trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Năm 2010, Eximbank là gương mặt nổi bật trong "câu lạc bộ nghìn tỷ lợi nhuận" của hệ thống ngân hàng và đạt đỉnh 3.039 tỷ, sau hai năm, Eximbank "rớt đài" tụt xuống 828 tỷ đồng trong năm 2013. Năm 2018 lợi nhuận ròng của ngân hàng lại lùi về con số 660 tỷ đồng.
Cũng kể từ khi cựu chủ tịch Eximbank là ông Lê Đình Dũng rút lui vào năm 2015, những mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank tiếp tục "vùng vẫy" trong khó khăn, lợi nhuận trồi sụt. Đến năm 2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm này là âm 817 tỷ đồng. Đến năm 2019, lợi nhuận của Eximbank đạt 866 tỷ đồng. Nếu so với con số đạt được trong năm 2011 thì mức lợi nhuận này mới chỉ bằng 30%.
Bên cạnh đó, hàng loạt vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra tại ngân hàng này suốt thời gian dài. Điển hình như vụ đại gia Chu Thị Bình bị “bốc hơi” 245 tỷ đồng hay nhiều vụ mất tiền trong tài khoản, kiện cáo liên tiếp xảy ra trong thời gian qua.
Eximbank dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 1.918 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.318 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019. Kết thúc quý 1, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt gần 458 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. So với kế hoạch lãi trước thuế được điều chỉnh, Eximbank đã thực hiện được 35% mục tiêu sau quý đầu tiên.
Lối đi nào cho Eximbank?
Sự bất đồng nội bộ trong HĐQT Eximbank khiến các cổ đông nhỏ lẻ “lãnh đủ” mặc dù họ đã tin tưởng giao đồng tiền đầu tư nhưng hết lần này đến lần khác ĐHCĐ bị hủy. Một cổ đông của ngân hàng này cho biết, 5 năm trở lại đây, anh không nhận được một đồng cổ tức nào từ Eximbank nữa.
Cũng có những cổ đông thắc mắc rằng, tại sao tình hình của Eximbank “rối như tơ vò” mà vai trò của cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước ở đâu? Tại sao không can thiệp để các cổ đông có thể cùng ngồi lại, cùng bắt tay xây dựng ngân hàng vì sự ổn định, thịnh vượng của hệ thống ngân hàng Việt?
Ông P.C.H, một cổ đông của ngân hàng Eximbank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu giúp Eximbank kiểm soát hoạt động quản trị, sớm khắc phục tình trạng khủng hoảng bởi những mâu thuẫn nội bộ.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm cổ động của Eximbank, bao gồm việc chỉ đạo Ngân hàng sớm tổ chức cuộc họp với các cổ đông/ nhóm cổ đông chiến lược và quan trọng trước khi Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 được tiến hành theo quy định của pháp luật, để lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của họ, nhằm thu hẹp phạm vi tranh chấp giữa các cổ đông, hướng vào mục tiêu xây dựng và phát triển Eximbank lành mạnh và hiệu quả, góp phần ổn định hệ thống ngân hàng của đất nước, thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển”, ông H. kiến nghị.
Cổ đông này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế các rủi ro pháp lý và hệ quả có thể xảy ra từ những cổ phần EIB đang được nắm giữ bởi một số cổ đông của ngân hàng đang bị điều tra, xác minh về các hành vi trái pháp luật theo như tố cáo của ông Nguyễn Chấn, nhất là việc nghị quyết các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được ban hành từ những phiếu biểu quyết, phiếu bầu của những cổ đông Eximbank đang bị cáo buộc là không chân chính và có hành vi bất hợp pháp này.
Ông H. cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận sớm nhân sự dự kiến Tổng giám đốc - Người đại diện pháp luật của Eximbank để chính thức bổ nhiệm chức danh quan trọng. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu giúp Eximbank kiểm soát hoạt động của quản trị, sớm khắc phục tình trạng khủng hoảng bởi những việc làm sai trái của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), các cổ đông liên quan đến Ngân hàng Nam Á tại Eximbank.
Hiện Eximbank vẫn có cổ phần của Nhà nước do Vietcombank sở hữu dưới 5% vốn điều lệ, cùng với cổ đông chiến lược Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15%… và Nam A Bank được cho là nắm giữ trên 10%.

Ngọc Anh