Từ một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, một nửa dân làng đã phải bỏ đi tìm nơi khác để sinh sống, giờ đây Bãi Sở đã trở thành mô hình điểm không những về sản xuất nông nghiệp, còn được kỳ vọng là điểm du lịch sinh thái trong tương lai nhờ sự cố gắng không biết mệt mỏi của người dân.
Về nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi tìm về làng Bãi Sở (xã Tam Quang, huyện Tương Dương), khi người dân nơi đây đang tất bật thu hoạch lứa thanh long cuối cùng trong năm. “Năm nay mưa nhiều quá, dẫn tới sâu bọ cũng nhiều, chúng tôi bắt không xuể nên quả nhìn bề ngoài không được đẹp. Nhưng dù sao cũng không đến nỗi nào, chất lượng thì vẫn thế”, ông Tống Văn Chiến (57 tuổi), cầm trên tay quả thanh long ruột đỏ nặng gần 1 kg hồ hởi nói.
|
Gia đình ông Chiến vừa thu hoạch lứa thanh long cuối cùng trong năm. Ảnh: Tiến Hùng |
Ông Chiến là người đầu tiên đưa mô hình trồng thanh long về với Bãi Sở nói riêng và xã Tam Quang nói chung. Ông cũng là người có công lớn nhất trong việc hồi sinh vùng đất khô cằn này, để người dân có thể an cư lạc nghiệp.
Bãi Sở là một bãi đất bằng phẳng, nằm ở tả ngạn sông Lam. Người dân trong làng chủ yếu là từ dưới xuôi lên, trong đó đông nhất là quê ở huyện Nam Đàn. Có người kéo cả gia đình lên làm kinh tế mới từ khoảng nửa thế kỷ trước. Có người là cán bộ, tăng cường lên đây làm việc rồi chọn luôn vùng đất này để gắn bó.
Thoắt nhìn, vùng đất ven sông này có vẻ trù phú, nhưng trên thực tế, đây lại là khu vực cực kỳ khắc nghiệt mà người dân trước đây vẫn gọi là “vùng đất chết”. “Đất ở đây chỉ có một lớp mỏng phía trên, còn phía dưới phần lớn là lèn đá. Trồng cây ngô, chỉ cần hạn hán một thời gian ngắn thôi cũng chết khô rồi. Vì không có nước”, ông Tống Văn Chiến nói.
|
Ông Chiến là người đầu tiên đưa mô hình thanh long ruột đỏ về xã Tam Quang. Ảnh: Tiến Hùng |
Cả thôn Bãi Sở hơn 20 năm trước chỉ có hơn 10 hộ có giếng nước. Đây đều là những hộ sống ven rừng, nơi có mạch nước ngầm nông hơn. Để đào được những giếng này không phải điều dễ dàng, bởi dưới đất là lèn đá dày hàng chục mét. Sau khi dò được điểm có mạch nước, họ phải thuê người đào cả tháng mới xong. Theo người dân, thời điểm đó, để đào được cái giếng, chi phí bằng với xây cất một ngôi nhà. Chính vì thế, trước đây từ nước sinh hoạt cho đến nước dùng để ăn uống, phần lớn người dân Bãi Sở đều phải ra sông Lam gánh về. Người dân ở đây nói rằng, cũng may ngày xưa sông Lam vẫn còn trong lành. Nếu ô nhiễm như bây giờ, cả làng Bãi Sở đang mang bệnh vì quanh năm dùng nguồn nước này.
Thiếu nước sinh hoạt, đất đai lại khô cằn, sỏi đá, sau hơn 20 năm chọn Bãi Sở làm kinh tế mới, người dân một lần nữa lại phải lũ lượt tha hương. Ông Chiến nói rằng, trong thập niên 90 của thế kỷ, khoảng một nửa dân làng ở đây đã phải bỏ đi. Phần lớn là vào Tây Nguyên lập nghiệp. Ông Chiến cũng không ngoại lệ. “Tôi cũng gom góp tiền, mua đất Gia Lai tính chuyển vào đó rồi. Nhưng lần lữa mãi không đi, để rồi gắn bó luôn ở đây”, ông nói.
Như các hộ dân khác ở đây, ông Chiến theo gia đình từ dưới xuôi lên Bãi Sở từ nhỏ. Lớn lên, ông đi bộ đội rồi xuất ngũ, về quê làm công nhân mỏ ở trong xã. Nhưng, đồng lương công nhân tằn tiện lắm cũng chỉ đủ sống qua ngày, ông Chiến quyết định phải làm giàu từ nông nghiệp với vốn đất sẵn có. Trong suốt thập niên 90, ông liên tục “đi Nam về Bắc” để tìm tòi cây giống phù hợp với mảnh đất khô cằn của mình. Tìm được cây giống, ông bắt đầu mang về thử nghiệm. Nhưng, trong suốt nhiều năm, ông nhận hết thất bại này đến thất bại khác, có lúc, tưởng chừng như khánh kiệt. Quãng thời gian đó, ông thôi làm công nhân mỏ, bươn chải thêm đủ nghề để kiếm sống.
Năm 2000, ông Chiến quyết định chọn vải thiều để làm mô hình kinh tế. Cất công ra tận Hưng Yên mua hơn 70 cây giống về trồng, quãng thời gian đầu, gần như cả ngày ông dành thời gian để chăm bón cây. Rút kinh nghiệm từ những lần trước, lần này ông Chiến đã giải được bài toán nguồn nước. Không chỉ để cho gia đình sinh hoạt mà còn để tưới tiêu cho vườn cây. “Đó là năm 2001, tôi quyết định mua đường ống để dẫn nước từ suối từ trên núi xuống. Tôi không nhớ chính xác số tiền phải bỏ ra bao nhiêu, chỉ nhớ thời điểm đó là rất lớn, phải vay mượn nhiều”, ông Chiến kể.
|
Thanh long ruột đỏ hiện rất được ưa chuộng. Ảnh: Tiến Hùng |
Đường ống nước dài hơn 1,5 km chạy từ vườn ông Chiến lên núi phải đi qua nhiều nhà khác. Cũng vì cảnh thiếu nước quá trầm trọng, người dân ở dọc đường ống chạy qua nhiều lần cắt ống, trộm nước cho gia đình mình. Ông Chiến sau đó phải kêu gọi nhiều hộ dân khác, cùng chung tiền để đầu tư đường ống lớn hơn, đủ cho nhiều hộ cùng sử dụng. Tất cả số tiền mua đường ống ban đầu đều do ông Chiến bỏ, người dân sau đó đóng dần cho ông.
Đầu tư lớn cho vườn vải thiều, đặt rất nhiều tâm huyết vào nó, ông Chiến không ngờ ông lại phải nhận thất bại một lần nữa. “Chỉ sau một thời gian ngắn, được chăm sóc tốt nên cây rất sum suê, nhìn thì rất đẹp. Nhưng không hiểu sao quả lại cực kỳ ít. 70 gốc vải, mình đổ không biết bao nhiêu là mồ hôi và cả máu vào đó, nhưng mỗi năm chỉ thu nhập được hơn 1 triệu đồng”, ông Chiến lắc đầu ngao ngán.
Làm giàu nhờ thanh long
Liên tiếp nhận thất bại, nhưng ông Chiến vẫn không nản chí. Hơn 10 năm trước, được một người quen cho 15 giống cây thanh long trắng từ Bình Thuận, ông đưa về vườn mình trồng thử nghiệm. Chỉ sau ít tháng, loại cây này bắt đầu cho quả. Nhận thấy thanh long thích hợp với vùng đất này, ông Chiến bắt đầu tìm tòi. Quãng thời gian đó, ông quyết định nuốt nước mắt để thuê người đào bỏ 70 gốc vải thiều đã 10 năm tuổi mà ông đã bỏ rất nhiều công sức chăm bón. Để nghiên cứu về thanh long, ông 2 lần vào Bình Thuận rồi ra Bắc học tập kinh nghiệm.
Cho rằng thanh long ruột đỏ mới là loại có giá trị kinh tế cao hơn, đến năm 2013, ông Chiến quyết định mua 30 giống cây này về trồng. Chỉ năm đầu tiên, gia đình ông bán được 3 triệu đồng, gấp đôi thu nhập của cả vườn vải 70 cây. Năm thứ 2, ông Chiến bán được 30 triệu tiền thanh long. Tiếp tục mở rộng đầu tư, năm thứ 3, gia đình thu nhập từ 90 triệu đồng. Từ đó đến nay, năm nào gia đình ông Chiến cũng có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng từ thanh long.
|
Xã Tam Quang đang mở rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ, không chỉ để làm cây ăn trái mà còn nhằm phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Tiến Hùng |
Với 10 sào, hiện nay ông Chiến là hộ có diện tích thanh long lớn nhất ở xã Tam Quang. Ông Chiến cho hay, 700 trụ thanh long của ông mỗi năm thu hoạch khoảng từ 7 đến 8 lứa, từ tháng 3 đến tháng 11. Có tháng, thu hoạch đến 2 lần. Trung bình mỗi năm, gia đình ông bán được khoảng 7 tấn thanh long ruột đỏ. “Cũng may là loại quả này nguồn ra cũng tốt. Mỗi lần thu hoạch, chỉ cần đăng lên mạng xã hội là có người hỏi, rồi xe vào tận nơi họ thu mua. Mỗi cân loại đẹp nhất bán 25.000 đồng, còn lại từ 15.000 - 20.000 đồng”, ông Chiến nói và cho hay, trồng thanh long cũng không phải vất vả gì lắm. Gia đình dù có đến 700 cây nhưng chẳng phải thuê người làm. Ông Chiến chỉ việc đến mùa hạn cung cấp đủ nước để tưới cho cây, rồi thường xuyên cắt tỉa cành.
“Khó khăn nhất vẫn là sâu bọ, đặc biệt là ốc sên. Có nhiều thời điểm, tôi phải thức trắng đêm ra vườn bật đèn pin lên soi để bắt ốc. Nhưng dù khó khăn chúng tôi vẫn quyết không dùng thuốc trừ sâu”, ông Chiến khẳng định.
|
Một góc ruộng thanh long ở Bãi Sở. Ảnh: Tiến Hùng |
Thấy gia đình ông Chiến “ăn nên làm ra” nhờ thanh long ruột đỏ, nhiều hộ khác trong làng cũng học tập. Theo bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang, đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ trồng thanh long ruột đỏ có quy mô lớn, với tổng diện tích khoảng 6 ha. Xã Tam Quang cũng chọn loại cây ăn quả này làm mô hình kinh tế trọng điểm, để phát triển với mục tiêu không chỉ sản xuất nông nghiệp, mà còn hướng tới du lịch sinh thái từ những vườn thanh long rộng lớn.
Hiện nay, mỗi năm xã Tam Quang bán được hơn 120 tấn thanh long ruột đỏ, trong đó chủ yếu từ Bãi Sở. Nơi từng được xem như là “vùng đất chết”. Tam Quang cũng trở thành vựa thanh long lớn nhất tỉnh Nghệ An hiện nay. Lãnh đạo xã Tam Quang mới đây cũng quyết định hỗ trợ 200 triệu đồng cho người dân để phát triển các vườn cây thanh long ruột đỏ, nhiều xã miền núi cũng đã đến Tam Quang để học tập, nhằm nhân rộng mô hình.
Theo Báo Nghệ An