Bùng nổ đơn hàng xuất khẩu
Những ngày cận kề Tết Quý Mão 2023, bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu - vẫn tất bật với các đơn hàng bưởi, sầu riêng xuất khẩu. Bà cho biết, từ chuyến đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc (tháng 9/2022) đến nay, xe container chở sầu riêng xuất khẩu vẫn nối đuôi nhau sang thị trường tiêu thụ sầu lớn nhất thế giới.
"Đơn khách đặt rất nhiều, song thời điểm này sầu ở các vùng trồng đang là nghịch vụ, sản lượng khiêm tốn", bà nói. Do đó, doanh nghiệp mới đáp ứng được 1/10 đơn hàng của nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Không chỉ sầu riêng, sau lô bưởi da xanh 40 tấn sang Mỹ cuối tháng 11/2022, đơn xuất khẩu bưởi cũng bùng nổ. Mỗi tuần, công ty có một chuyến hàng 20-30 tấn bưởi xuất vào Mỹ. Nhiều nhà cung cấp đặt hàng nhưng số lượt vượt quá khả năng cung ứng.
Nhờ “bẻ khoá” các thị trường lớn và khó tính, doanh nghiệp kỳ vọng năm 2023 sẽ là giai đoạn tăng tốc của hai sản phẩm này, doanh thu dự kiến cao gấp đôi khi doanh nghiệp tự tin có thể xuất khẩu sang bất cứ quốc gia nào nhờ sự chuẩn bị tốt từ vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm cho tới thông tin thị trường.
|
Xuất khẩu sầu riêng bùng nổ, giá trái cây này tại vườn tăng mạnh, nông dân lãi lớn (Ảnh: Tâm An) |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần RYB, cũng vui mừng thông báo, lô cam Cao Phong (Hòa Bình) đầu tiên của doanh nghiệp đã lên đường sang Anh đầu tháng 1/2023. Trước đó, chuyến bưởi đỏ Tân Lạc cũng được xuất khẩu sang thị trường này.
Nhu cầu trái cây từ các thị trường rất lớn, quan trọng là hàng của chúng ta có đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn hay không, bà Hương cho hay. Sau thời gian dài chuẩn bị, toàn bộ các mẫu thử nghiệm cam, bưởi đều không phát hiện bất kỳ hoạt chất nào trong danh sách gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật bắt buộc phải phân tích theo tiêu chuẩn châu Âu.
Những kiện hàng đầu tiên gửi sang Anh đã thông quan, chuẩn bị lên quầy kệ siêu thị. Bà Hương tin tưởng, năm 2023, các đơn hàng xuất khẩu trái cây sang thị trường EU sẽ nhiều hơn, khi được người tiêu dùng đón nhận.
Tại Long An, ông Trương Quang An - Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu, báo tin, giá thanh long không chỉ tăng mạnh mà các nhà nhập khẩu cũng ồ ạt đặt hàng. Hiện, thanh long ruột trắng lên trên 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ ở mức 30.000 đồng/kg. Ngoài thanh long của các xã viên HTX, ông An còn thu mua từ các nhà vườn liên kết, nhưng hàng để xuất khẩu vẫn thiếu.
Trung Quốc mở cửa trở lại, thanh long xuất khẩu sang thị trường này rất thuận lợi. Khách hàng Thái Lan, EU,... cũng muốn nhập khẩu lượng hàng lớn, ông cho hay.
Làm tử tế để đi đường dài
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), 2022 là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay của rau quả Việt Nam, với nhiều mặt hàng tiếp cận được các thị trường cao cấp, khó tính. Đơn cử, nhãn lồng mở cửa được thị trường Nhật Bản; chuối tươi, sầu riêng, khoai lang, canh leo được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; New Zealand mở cửa cho chanh, bưởi,...
Việc này giúp các loại rau quả của Việt Nam đường đường chính chính sải bước ra thế giới. Hình thức buôn chuyến, tiểu ngạch dần được xóa bỏ, kim ngạch xuất khẩu rau quả dần phục hồi và bắt đầu tăng trưởng ổn định.
Trước đó, suốt 6 tháng năm 2022, rau quả Việt Nam xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách “zero Covid” của Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu liên tiếp tăng trưởng âm, đến 7/2022 mới khởi sắc.
Tháng 8/2022, xuất khẩu rau quả lần đầu trong năm ghi nhận tăng trưởng dương 19,7% so với cùng kỳ 2021. Những tháng tiếp theo, xuất khẩu mặt hàng này liên tục tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm các loại chanh leo, sầu riêng, chuối,... được xuất chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Nhờ đó, tháng 10/2022, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bùng nổ, tăng tới 4.120% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp tự tin xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ tăng mạnh (Ảnh: Hoàng Hà)
Nhờ cú "lội ngược dòng" trong nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD, chỉ giảm 5,1% so với năm 2021.
Ông Nguyễn Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nhận định, việc mở cửa được thị trường Trung Quốc và các thị trường khác giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm. Chưa kể, chất lượng hàng Việt ngày càng được cải thiện nên năm 2022, xuất khẩu sang các thị trường lớn đều tăng mạnh, như Mỹ tăng 14,4% trong 11 tháng năm 2022, Hàn Quốc tăng 14,1%, Thái Lan tăng 19,7%, Nhật Bản tăng 7,3%, Hà Lan tăng 47,2%...
Từ ngày 8/1, Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng dịch Covid-19, kiểm soát dịch trên hàng hóa nhập khẩu. Theo ông Nguyên, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt sang quốc gia này.
Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nên xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2023. Ông Nguyên dự báo, cùng với thanh long, sầu riêng sẽ trở thành loại trái cây tỷ USD mới của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả sẽ chạm hoặc vượt mốc 4 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử.
Ông Hoàng Trung cũng nhận định, năm 2023 là cơ hội để xuất khẩu rau quả bứt phá. Mở cửa thị trường sớm ngày nào đồng nghĩa nông sản được xuất khẩu, mang về lợi nhuận cho người dân và doanh nghiệp, cũng như giá trị cho đất nước sớm ngày đó.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, muốn đi đường dài thì phải từ bỏ tư duy "buôn chuyến". Các bên cần bắt tay liên kết với nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chính là thay mặt cho nông dân, cho quốc gia nên phải đảm bảo được uy tín của cả ngành hàng, uy tín của doanh nghiệp, của quốc gia, ông lưu ý.
Thời điểm xuất lô bưởi đầu tiên đi Mỹ, bà Ngô Tường Vy cũng từng chia sẻ mục tiêu, phải nắm tay nhau đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống siêu thị lớn như Walmart, Costco Wholesale,... Mỹ là thị trường khó tính nhất thế giới, điểm duy nhất nông sản Việt có thể tồn tại và chiến thắng ở đây chỉ có thể là chất lượng. Chính vì thế, phải cùng nhau đi chặng đường dài hơi, bền vững.
Theo Tâm An/Infonet