Chảy máu, sốt, đau nhức, ớn lạnh
Trong thai kỳ, nếu bạn gặp tình trạng âm đạo chảy máu nhiều kèm theo sốt, đau nhức hay ớn lạnh, thì không nên chần chừ mà hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc tới bệnh viện vì đó là dấu hiệu nguy hiểm với thai nhi. Bạn có thể bị động thai, dọa xảy.
Với thai phụ bị sốt cao từ 37 - 39 độ C, trong thời gian đầu, có thể tăng nguy cơ sẩy thai. Ở thời kỳ cuối, tuy không ảnh hưởng lớn đến trẻ nhưng sốt cao cũng có thể là dấu hiệu của sự nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Tiết dịch âm đạo quá nhiều
Những mẹ bầu đang ở thời kỳ cuối của thai kỳ? Nếu thấy dịch tiết âm đạo quá nhiều có nghĩa bạn đang bị vỡ ối và cần được nhập viện ngay lập tức. Nhưng nếu bạn còn chưa tới tuần thứ 37 của thai kỳ thì bạn cần gọi ngay cho bác sĩ để báo tình trạng, vì đây có thể là dấu hiệu báo trước của việc sinh non sau đó.
Thai nhi không cử động trong 2 giờ liên tiếp
Một trong những dấu hiệu nguy hiểm rõ nhất khi mang thai là tần suất chuyển động của thai giảm - dấu hiệu có thể thai nhi không còn phát triển trong bụng mẹ.
|
Ảnh minh họa. |
Khoảng thời gian trước tuần 20, cảm nhận thai máy thường khá lẻ tẻ. Tuy nhiên, đến tuần 28, các chuyển động hàng ngày của thai nhi rất dễ dàng nhận thấy và người mẹ nên duy trì việc đếm thai chuyển động hàng ngày để đảm bảo không có gì bất thường. Nếu không cảm nhận được 10 chuyển động trong vòng 1 tiếng thì cần lưu ý vì bé yêu của bạn đang có vấn đề bất thường.
Chảy máu âm đạo
Nếu bạn chỉ ra một chút máu ở âm đạo trong khi mang thai, điều này không nhất thiết phải quá lo lắng. Tuy nhiên, để an toàn bạn vẫn nên nhờ đến sự giúp đỡ của các bác sĩ chuyên khoa để biết chính xác xem bạn đang gặp phải rắc rối gì.
Nếu chảy máu đi kèm với hiện tượng chuột rút hay ra nhiều máu như khi bạn đến kỳ kinh, đây là biểu hiện có nguy cơ bị sảy thai. Bạn cần đi khám ngay trước khi quá muộn.
Đối với phụ nữ từng sinh con, thường ít gặp phải những rắc rối như ra một ít máu ở âm đạo (máu thường có màu nâu), hay đau bụng dưới, đau lưng. Tuy nhiên, trong một số ít những trường hợp hi hữu đây là dấu hiệu của việc mang thai ngoài dạ con… Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên bị rỉ máu âm đạo, ra máu sau khi sinh hoạt vợ chồng, đau bụng dưới (thường đau chủ yếu về một bên), kéo theo đau khung xương chậu hay đau vai, rất cần thiết phải đi khám bác sĩ ngay.
Phù nặng
Phù nhẹ ở chân, mắt cá chân khi mang thai là điều khá bình thường nhưng bất kỳ sưng phù nặng nào đều có thể gây nguy hiểm. Phù nặng, đặc biệt ở mặt và các ngón tay có thể là dấu hiệu sớm của tăng huyết áp.
Đau bụng
Đau bụng nhẹ khi mang thai thường ít được quan tâm vì nó có thể do các dây chằng ở tử cung giãn mạnh. Tuy nhiên, đau bụng nặng, liên tục, không có dấu hiệu thuyên giảm thì có thể là nguy hiểm. Khi ấy, đau bụng có thể liên quan đến sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc rau thai bị đứt.
Các cơn co thắt sớm
Các cơn co thắt cận kề ngày sinh dự kiến là dấu hiệu vui, báo hiệu sắp sinh nở nhưng co thắt trước tuần 37 có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nếu các cơn co gây đau, xuất hiện thường xuyên và ngày càng gần nhau, kéo dài hơn thì có thể gây chuyển dạ sớm.
Chấn thương bụng
Bất kỳ chấn thương nào ở bụng khi mang thai, do ngã, tai nạn xe cộ… cần được đi khám ngay lập tức. Dù bảo thai được bảo vệ bởi nước ối và các mô ở bụng nhưng chấn thương bụng có thể ảnh hưởng đến tử cung và bào thai đang phát triển.
Ngứa
Ngứa toàn thân và đặc biệt là ngứa ở vùng bụng, lòng bàn tay hay ngón chân kết hợp với da bị vàng là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ứ mật trong gan. Hội chứng này có thể gây ra ngạt thai, sinh non, thai lưu, băng huyết sau sinh… Vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn không nên chủ quan xem thường cảm giác ngứa khi mang thai.
Tăng cân nhanh (ngoài kiểm soát)
Đột nhiên, bạn tăng cân vù vù dù không ăn, uống nhiều; đi kèm đó, bạn còn có dấu hiệu phù nề chân tay, đau đầu, rối loạn thị giác - đây có thể là dấu hiệu phù của tiền sản giật hoặc là 1 bệnh của thận thông thường. tuy nhiên bạn phải thật chú ý đến nó, đi khám thường xuyên và phải theo dõi thận trọng trong 3 tháng cuối, tính mạng của bạn và con bạn có thể nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Những cơn đau đầu kéo dài 2-3 giờ đồng hồ
Nếu bà bầu thường xuyên bị những cơn đau đầu kéo dài 2-3h đồng hồ, đi kèm với dấu hiệu rối loạn thị giác, phù nề vùng tay, mắt và mặt thì có thể huyết áp của bạn đang tăng rất cao.
Ngọc Nga (tổng hợp)