Ai đứng sau hai dự án "ma" đất ven biển Đà Nẵng?

Google News

Để làm rõ ai đứng sau hai dự án "ma" đất ven biển Đà Nẵng, cần điều tra các cá nhân, cơ quan liên quan như Sở Xây dựng, TN-MT, KH-ĐT, bên giao và cấp đất.

Thông đồng lợi ích
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, qua rà soát các dự án ven biển để điều chỉnh quy hoạch mở lối xuống biển cho dân, chính quyền thành phố phát hiện 2 dự án "ma" đã giao đất trước đây có vấn đề về pháp lý khi "giao cho những chủ dự án không có thật".
Sắp tới sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố cho ý kiến thu hồi lại đất từ 2 dự án này.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 16/5, KTS Phan Đức Hải - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết: "Đương nhiên những người làm được việc này phải là người có thẩm quyền, vì khi chuyển giao đất không cần chủ sở hữu có thật vì họ không cần công khai.
Hơn nữa, chuyện này thực ra chính quyền làm rồi giờ lại phát hiện ra, tự công khai ra. Còn người dân không giám sát được. Nếu không công khai thì người dân cũng không biết.
 Đà Nẵng giao hai dự án ven biển cho chủ đầu tư
Theo Luật, khi làm bất cứ việc gì thì phải công khai cho chính quyền địa phương để người dân giám sát, nhưng ở đây họ làm theo kiểu khác, nếu có khiếu kiện thì mới cung cấp thông tin.
Như bản thân tôi chuyển nhượng đất cho người khác, theo quy định của Luật thì phải công bố cho địa phương thời hạn bao nhiêu ngày, tất cả thông tin công khai chứ không chuyện mập mờ.
Tức trách nhiệm ở đây thuộc người lãnh đạo địa phương tại thời điểm đó, họ đã có ý đồ, thông đồng với nhau. Còn nếu muốn làm sáng tỏ thì cần sự vào cuộc của các cơ quan thanh tra, kiểm tra".
Bên cạnh đó, theo ông Hải, chỉ cần điều tra các bên liên quan như các Sở tham mưu: Sở TN-MT, Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, người ký quyết định giao đất thường là chủ tịch UBND địa phương, thậm chí UBND TP. Trước mắt, khi muốn cấp đất thì phải có chứng nhận đầu tư, làm gì trên đó nhà nước mới thỏa thuận giao đất để lập dự án, quy trình ai cũng biết.
Còn ở đây không phải đất chính chủ nhất định có sự thông đồng, các cơ quan thanh tra vào cuộc là sẽ biết rõ. Như vậy, chắc chắn có ý đồ tư lợi cho cá nhân, tư lợi cho nhóm lợi ích.
Về hướng xử lý được ông Huỳnh Đức Thơ đưa ra là "không chờ đợi kết quả điều tra, thanh tra mà thành phố có thể thu hồi sớm, do việc giao đất không đúng đối tượng", ông Hải hoàn toàn thấy hợp lý.
Theo ông Hải, với vai trò lãnh đạo cao nhất thành phố, phát hiện giấy tờ chuyển nhượng không đúng, trái pháp luật thì ông Thơ hoàn toàn có quyền thu hồi. Bởi vì, theo Luật đầu tư, Luật đất đai thì tổ chức đất đai phải có giấy tờ chính chủ, doanh nghiệp phải có người đại diện doanh nghiệp, cá nhân phải có chủ sở hữu.
Còn với hai dự án trên, các chủ sở hữu không rõ ràng, nếu đủ bằng chứng thì có nghĩa người quản lý cao nhất tại địa phương có quyền thu hồi.
Sau này nếu họ đứng ra đòi tiền bồi thường thì nhà nước có thể trả với giá đất khi mua nếu họ có giấy tờ hợp pháp, còn nếu sai phạm thì phải đưa ra tòa. Trước mắt, thành phố chỉ thấy có 2 khu đất về cơ sở pháp lý trái pháp luật, có quyền thu hồi, về quản lý họ có quyền làm việc khác, còn phát sinh sau này thì xử lý theo cách khác.
"Đây có được gọi là may mắn cho Đà Nẵng khi đang lo lắng cho việc làm các lối xuống biển cho người dân thì lại có thêm diện tích 2 khu đất để làm, tôi cho rằng đây là sự may mắn cho thành phố.
Tuy nhiên, tôi cũng lo ngại có còn thêm nhiều dự án ma nữa hay không, vì thời điểm trước quá dễ trong cơ chế giám sát các dự án đất đai, nên họ tự tung tự tác làm việc vụ lợi cho nhóm lợi ích, cá nhân, giờ chỉ có công khai ra mới phát hiện, xử lý", ông Hải nhận định.
Phải truy cứu trách nhiệm
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, KTS Hồ Duy Diệm - Nguyên Chủ tịch Hội quy hoạch Đà Nẵng cho rằng, việc chuyển nhượng được các dự án "ma" sẽ dễ dàng khi quyền ở trong tay họ, người làm được phải có chức có quyền.
Phải truy cứu trách nhiệm hình sự với người tham mưu cho Chủ tịch UBND TP ký quyết định này, vì không hoàn thành trách nhiệm, mấy chục nghìn ha đất cho dự án "ma".
Cụ thể, muốn cấp đất người lập dự án phải thông qua Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, Sở TN-MT, Văn phòng UBND TP, cơ quan quản lý đất, giao đất, Chủ tịch UBND TP ký quyết định.
"Bây giờ, tôi đề xuất phải công khai những cá nhân đó, thời điểm đó, hồ sơ đó ai ký, phải truy cứu trách nhiệm hình sự, làm rõ sai phạm làm thất thoát tài sản của nhân dân không đưa vào mục đích sử dụng chân chính.
Dự án "ma" là họ làm một dự án không tên tuổi, sau này có một người nào đó vào mua tăng giá lên và bán lại, khi đó mới đưa tên người thật sau khi bán được giá khác", ông Diệm chỉ rõ.
Về cách xử lý của ông Thơ, theo vị KTS trên, tất nhiên đất công sản thì phải lấy lại cho nhân dân, nhưng ý nói sau này tìm được người đó thì sẽ xem xét bồi thường tiền lại cho chủ sở hữu lại không đúng vì nếu như vậy thì không phải dự án ma. Phải thanh tra đưa ra công an điều tra hình sự, truy trách nhiệm cụ thể.
Theo Châu An/Đất Việt