Đơn vị này đã mở bán đất nền và khách hàng đã mua hơn một nữa dự án. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết tại huyện Bàu Bàng không có dự án khu dân cư nói trên.
Theo lời mời chào của nhân viên Công ty Địa ốc City Land, chúng tôi đến tại địa chỉ dự án Khu dân cư Green City 3 nằm trong khu trung tâm hành chính huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Tại đây, có rất nhiều khách hàng được nhân viên công ty bất động sản này cầm trên tay bản đồ để giới thiệu về dự án.
Đứng trên một bãi đất hoang, cỏ mọc đầy khách hàng được nhân viên công ty giới thiệu, rằng dự án Khu dân cư Green City 3 do Công ty Cổ phần TMDV Xây dựng – Đầu tư phát triển Địa ốc Bình Dương City Land làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án khu dân cư này lại không công bố chính xác diện tích tổng thể và chỉ cho biết mỗi lô 100m2 trở lên với giá từ 350 đến hơn 400 triệu đồng/nền.
|
Bãi đất trống cỏ hoang mọc đầy nhưng được City Land rao bán rầm rộ. |
Tại dự án, City Land khẳng định đủ thủ tục pháp lý, có sổ hồng từng nền và cho rằng đây là một dự án khu dân cư nằm trong “khu đất vàng” của huyện Bàu Bàng với đầy đủ các tiện ích như: Gần khu dân cư đông đúc, chợ, trường học, khu công nghiệp, cơ quan hành chính, nằm ngay cổng sau khu công nghiệp Bàu Bàng, đường thông thoáng, nằm trong tuyến đường Quốc Lộ 13...
|
Nhiều khách hàng đến xem đất khi công ty mở bán. |
Sau khi tìm hiểu tại dự án Khu dân cư Green City 3, PV báo Tiền Phong đã liên hệ cơ quan chức năng để kiểm chứng thông tin. Theo đó, đại diện Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết đơn vị này chưa hề nghe thấy tại huyện Bàu Bàng có dự án khu dân cư Green City 3 như PV cung cấp.
“Dự án Khu dân cư Green City 3 của Công ty Địa ốc City Land, qua rà soát hồ sơ dự án đầu tư tại đơn vị, không có tên dự án Green City 3 của Công ty Địa ốc City Land. Chúng tôi chưa hề nghe thấy tại huyện Bàu Bàng có sự xuất hiện của một dự án bất động sản nói trên”, đại diện Sở Tài nguyên môi trường Bình Dương nói.
|
Khách đến mua nền dù chỉ là bãi đất hoang. |
Liên quan đến việc mở bán dự án Khu dân cư nhưng phía cơ quan chức năng không hề hay biết, PV đã liên hệ đến Công ty Địa ốc City Land để tìm hiểu vấn đề. Tại đây, một cán bộ của công ty này “truy vấn” PV có thật là báo chí không và do ai cử đến. Khi PV nói tôi có tất cả mọi giấy tờ để chứng minh thì người này nói sẽ báo cáo ban lãnh đạo. Tuy nhiên, sau đó không trả lời những thông tin PV cần giải đáp.
Việc cơ quan chức năng cho rằng, dự án khu dân cư không có thật và phía Công ty Địa ốc City Land không dám trả lời về dự án khiến dư luận đặt ra nghi vấn về một dự án “vịt trời” xuất hiện tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương như cách mà Công ty Alibaba đã từng làm ở các tỉnh/thành phố khác.
|
Sơ đồ dự án thể hiện một nữa dự án đã được bán cho khách. |
Về mặt pháp lý các dự án bất động sản, giới luật sư nhận định, việc doanh nghiệp bán dự án “vịt trời” hiện đang khá phổ biến. Do không có năng lực tài chính, các chủ đầu tư thường tiến hành “bán chui” dự án nhằm mục đích huy động vốn từ khách hàng để có tiền đóng tiền sử dụng đất, tiền làm pháp lý, tiền xây dựng hạ tầng. Sau khi có pháp lý rồi, chủ đầu tư lại thu tiếp tiền của khách hàng để tiếp tục thực hiện dự án.
Tuy nhiên, nếu quá trình xin thủ tục pháp lý gặp trục trặc, hoặc chủ đầu tư lấy tiền của khách hàng đi đầu tư việc khác thì chính người mua là đối tượng chịu thiệt. Trong khi đó, doanh nghiệp mở bán rầm rộ các dự án chưa có hoặc chưa đủ pháp lý nhưng cơ quan chức năng lại không biết để ngăn chặn, cảnh báo kịp thời tới khách hàng, mà chỉ thanh tra, xử lý khi báo chí phản ánh thì chuyện đã quá muộn và không đủ răn đe vì mức phạt không đáng bao nhiêu.
Theo Hương Chi/Tiền Phong