10 tòa nhà cao nhất Việt Nam hiện nay phần lớn được thiết kế dành cho dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn như Lotte Center Hanoi, Bitexco Financial Tower, Vietcombank Tower, Saigon Center 2. Trong số 5 tòa nhà mở bán căn hộ, chỉ có Landmark 81 và Keangnam là đắt nhất. Nhiều sản phẩm penthouse, sân vườn trên cao giá lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Chi hàng triệu USD sở hữu căn hộ trên cao
Từng là dự án giữ kỷ lục cao nhất Việt Nam trong 8 năm, căn hộ tại Keangnam Hanoi Landmark Tower (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) khi mở bán (2008-2010), chủ đầu tư nhờ gắn mác “tòa nhà cao nhất Việt Nam” đưa ra giá thuộc hàng đắt đỏ so với giá chung của thị trường Hà Nội. Thời điểm đó, tại 2 tòa tháp 48 tầng được bố trí gần 1.000 căn hộ để bán, giá nhà chủ đầu tư Keangnam đưa ra ở mức 45-60 triệu đồng/m2.
|
400 căn hộ tại Landmark 81 đã có chủ từ khi mở bán dù toà nhà đến 2019 mới vận hành. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thị trường căn hộ tại Hà Nội khi đó có giá trung bình 20-25 triệu đồng/m2. Keangnam mở bán tạo ra một trào lưu sở hữu căn hộ của giới nhà giàu Hà Nội. Với căn hộ diện tích 80-200 m2, khách hàng phải bỏ ra khoảng 4-12 tỷ đồng.
Tuy nhiên những năm gần đây, căn hộ Keangnam lại “mất giá” khá nhanh. Rất nhiều chủ căn hộ tại dự án này đang rao bán lại với giá chỉ 36-38 triệu đồng/m2. Nhiều chủ căn hộ cho biết không mặn mà sống tại đây nên cho người nước ngoài thuê lại.
Tại Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP.HCM), toàn bộ 400 căn hộ đã được bán sạch thời điểm mở bán năm 2017. Tòa nhà cao nhất Việt Nam dự kiến đầu năm 2019 mới vận hành.
Thiết kế tòa nhà cao 81 tầng, chủ đầu tư dành từ tầng 6 đến tầng 40 để bố trí chung cư tiêu chuẩn cao cấp với 400 căn hộ. Giá khi mở bán với căn hộ bình thường là từ 80 triệu đồng/m2. Như vậy, với những căn hộ diện tích 50-300 m2, người mua phải chi khoảng 4-25 tỷ đồng/căn.
Với những căn hộ có view sông Sài Gòn và tầng cao thì giá bán càng tăng lên.
Tại tòa nhà này cũng có một số căn hộ bố trí dạng căn hộ duplex (2 tầng thông nhau) có sân vườn phía trước. Chủ sở hữu căn hộ có riêng sân vườn trên cao này phải chi 140 triệu đồng để mua 1 m2. Như vậy, để sở hữu những căn hộ loại này có diện tích lớn 250-350 m2, số tiền phải trả là 35-50 tỷ đồng.
Nằm tại trung tâm quận Cầu Giấy (Hà Nội), tòa nhà cao thứ 7 Việt Nam hiện tại là Discovery Complex, cũng được chào bán với giá 35-40 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đây là mức giá không quá đắt đỏ so với thị trường hiện tại.
|
Keangnam Hanoi Landmark Tower từng có giá bán căn hộ đắt đỏ nhờ mác tòa nhà cao nhất Việt Nam, nhưng hiện nay mức giá nhiều chủ nhà rao bán lại đang giảm rất sâu. Ảnh: Anh Tuấn. |
Một tòa nhà cao tới 180 m khác tại Hà Nội là Hanoi Landmark 51 (quận Hà Đông) lại có giá khá bình dân, phổ biến 22-25 triệu đồng/m2, tương đồng so với các dự án khác khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm… Giá bình dân này được lý giải do Hanoi Landmark 51 có vị trí không gần trung tâm Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm tới 12 km.
Tại dự án Flower Tower cao thứ 10 Việt Nam, giá bán cũng chỉ vào khoảng 30-35 triệu đồng/m2.
Có gì bên trong những căn hộ ở tòa nhà chọc trời?
Ngoài vị trí nằm sát trung tâm TP.HCM, các căn hộ bên trong Landmark 81 được quảng cáo ứng dụng công nghệ smarthome, vật liệu sang trọng... Căn hộ ở đây cũng có dịch vụ khách hàng 24/24 với vệ sinh, giặt là, chăm sóc sân vườn, bảo trì kỹ thuật, ẩm thực tại gia...
Ngoài ra còn có câu lạc bộ thượng lưu dành riêng cho cư dân và một lượng khách VIP hạn chế đến với các khu Sky lounge, Wine lounge riêng biệt. Hệ thống an ninh, thang máy riêng cho khu căn hộ, bể bơi và nhiều tiện ích khác...
Tại Keangnam, cư dân tòa nhà cũng sở hữu nhiều tiện ích được quảng cáo vượt bậc như trung tâm thể thao với phòng tập, sân tennis, sân cầu lông, bóng bàn, bể bơi cao cấp, tường tập leo núi trong nhà. Ngoài ra còn có khu vườn cảnh, vườn trên cao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại, mua sắm...
|
Không nhiều trong số các tòa nhà cao nhất hiện nay có thiết kế ưu tiên cho căn hộ để bán mà chủ yếu là dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn... Ảnh: Lê Quân. |
Còn lại 3 tòa là Discovery Complex, Hanoi Landmark 51 và Flower Tower, tiện ích bên trong khá tương đồng với các dự án cùng phân khúc khác, không có điểm gì quá nổi bật.
Các tiện ích phổ biến gồm trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán cà phê, khu vui chơi giải trí, bể bơi, khu thể thao, trường học, nhà trẻ...
Nhưng cư dân sống tại các tòa nhà chọc trời, giá cao cũng từng gặp không ít phiền toái.
Cư dân Hanoi Landmark 51 từng phản đối chủ đầu tư khi bàn giao nhà không đúng hợp đồng cam kết. Dự án này cũng gặp không ít khó khăn kể từ khi triển khai, mà phải "thay tên đổi họ" từ Tokyo Tower thành Hanoi Landmark 51. Chưa kể liên danh chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, chậm triển khai dự án.
Tại dự án Keangnam, cư dân tòa nhà cao nhất thủ đô từng phải rất vất vả để đòi lại quỹ bảo trì 60 tỷ đồng từ chủ đầu tư. Vụ việc phải có sự tham gia vào cuộc của rất nhiều ban ngành của TP. Hà Nội.
Cư dân Keangnam cũng than vãn không thấy không gian sống tiện nghi và sang trọng như quảng cáo, chất lượng căn hộ không cao cấp, thang máy hay bị tắt máy lạnh, nước ngập do hệ thống chữa cháy có vấn đề, việc kiểm tra an ninh quá khắt khe gây phiền hà cho khách đến… trong khi giá dịch vụ lại rất cao.
Cư dân Discovery Complex cũng từng tố chủ đầu tư bàn giao nhà chậm 2 năm, đưa dân vào ở khi chưa được nghiệm thu PCCC… Dự án này từng bị chính quyền cắt điện, nước, yêu cầu ngừng thi công vì chủ đầu tư sai phạm trong xây dựng, chây ì nộp tiền sử dụng đất…
|
Định giá căn hộ đúng nghĩa phụ thuộc vào vị trí, chất lượng xây dựng, thiết kế tiện ích chứ không phải phụ thuộc vào số tầng, chiều cao công trình. Ảnh: Lê Quân. |
Vì sao căn hộ trên cao lại bị đẩy giá cao?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, nhiều công trình cao tầng mang tính biểu tượng, nên chủ đầu tư thường thiết kế và xây dựng căn hộ theo xu hướng siêu cao cấp, để tương xứng với tầm cỡ công trình.
Ông Châu cũng cho rằng chi phí xây dựng các dự án càng cao thì càng đắt đỏ, đó là một phần nguyên nhân đẩy giá căn hộ tăng cao. Đó là chưa kể đến vị trí của dự án, tiện ích đi kèm, thương hiệu của chủ đầu tư...
Nhưng Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cũng nhấn mạnh có nhiều dự án cao tầng nhưng chủ đầu tư chỉ định vị thương hiệu là cao cấp chứ không phải siêu sang, nên giá bán ở mức vừa phải.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng chi phí xây dựng các tòa nhà cao nhất Việt Nam rất đắt, cao hơn hẳn các dự án khác, do đó chủ đầu tư bắt buộc phải đẩy giá nhà lên.
Vị này nhấn mạnh chuyện "tiền nào của đấy" ở các dự án được quảng cáo siêu sang, những tòa nhà cao tầng. Bản thân thương hiệu nhà cao nhất và định vị phân khúc siêu sang đã khiến các tòa nhà có giá đắt đỏ.
Ông Đính nói nhiều khách hàng chọn những dự án nhà chọc trời để thể hiện đẳng cấp của mình, hơn là giá trị thực tế.
“Số tiền lớn bỏ ra đó, người mua nhà còn rất nhiều sự lựa chọn tốt khác trên thị trường. Tuy nhiên, ở tại tòa nhà cao hàng đầu, nhiều người quan niệm thể hiện được đẳng cấp, vị thế của mình”, ông nói.
Theo Hiếu Công/Zing