“Cắt ngọn” tòa nhà Lê Trực, khách hàng khốn đốn, CĐT lao đao

Google News

(Kiến Thức) - Trước quyết định "cắt ngọn" tòa nhà 8B Lê Trực, nhiều khách hàng mua căn hộ theo diện trao tay nguy cơ mất trắng vài tỷ, còn chủ đầu tư thì lao đao.

Vụ tòa nhà 8B Lê Trực bị “cắt ngọn” đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận nhiều ngày nay. Nhiều người thắc mắc việc cắt ngọn sẽ được thực hiện như thế nào, chi phí ra sao, những người mua nhà ở các căn hộ tầng cao xây sai phép sẽ được bồi thường như thế nào, nhất là với trường hợp những người mua căn hộ theo diện mua đi bán lại với mức tiền chênh so với giá gốc có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV, giá bán căn hộ tại toà 8B Lê Trực được xác định để tính toán nộp tiền sử dụng đất là 26,5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trên các trang rao vặt mua bán nhà đất, giá căn hộ tại dự án 8B Lê Trực trước khi có chỉ đạo rà soát rồi “cắt ngọn” công trình này được rao bán quanh mức 60-80 triệu đồng/m2. Với diện tích 90-165m2, được trang bị nội thất hạng sang nên số tiền khách hàng phải trả để sở hữu nhà tại dự án nói trên dao động trong khoảng 7-13 tỷ đồng.
 
Như vậy, nếu so với mức giá ban đầu xây dựng thì giá bán căn hộ tại dự án 8B Lê Trực sau này đã cao gấp 2-3 lần giá gốc. Và những người mua căn hộ theo diện trao tay, hay mua đi bán lại, nếu rơi vào những căn hộ bị đập bỏ vì xây dựng sai phép, họ có lấy lại được số tiền chênh lệch so với giá gốc hay phải chịu mất trắng? Còn những trường hợp khác mua căn hộ trong diện bị đập bỏ, họ sẽ được bồi thường như thế nào?
Trước đó, trao đổi với Kiến Thức về vấn đề quyền lợi và mức bồi thường cho người mua nhà, Luật sư Nguyễn Văn Danh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Công ty Luật Lincon cho biết, Điều 58 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2015 thì Chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực khi cung cấp thông tin cho khách hàng mua căn hộ phải có nghĩa vụ "Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về nhà, công trình xây dựng và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp".
Việc Chủ đầu tư xây dựng sai phép nếu không cung cấp cho khách hàng biết là vi phạm quy định đã được trích dẫn nêu trên.
Khách hàng trong trường hợp này có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền tuyên Hợp đồng mua bán nhà vô hiệu theo Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
Như vậy, người mua căn hộ sẽ được chủ đầu tư hoàn trả lại 100% số tiền mà họ đã đặt cọc và thanh toán cho chủ đầu tư.
Còn với những người mua căn hộ theo diện trao tay, theo Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci trả lời PetroTimes mới đây, nếu người mua căn hộ là mua lại của một người khác thì sẽ chỉ nhận được phần giá trị đã thanh toán với chủ đầu tư.
Như vậy, những người này sẽ có nguy cơ mất trắng hàng tỷ đồng là số tiền chênh lệch khi mua lại căn hộ qua tay người khác.
Phân tích về những sai phạm của công trình số 8B Lê Trực, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu “cắt” hết phần sai phạm thì công trình sẽ tan tành.
Trao đổi với báo chí trước đó, TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay: “Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà”.
Theo ông Chủng, việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Ông Chủng ví von, tòa nhà cũng giống như con người, chặt ngọn không khác gì chặt chân, chặt tay.
“Các nước trên thế giới hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường họ chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên để xảy ra việc chủ công trình xây dựng sai phép sau đó lại bắt họ phải cắt ngọn”, TS Trần Chủng nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nhận xét: “Phá dỡ thế nào để không ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà là điều rất cần lưu ý. Khó phá dỡ nhất là phần giật cấp theo đúng giấy phép xây dựng được cấp mà chủ đầu tư đã làm sai.
Cắt ngọn hay cắt dọc tòa nhà thì dễ chứ cắt ngang chỗ giật cấp mà vẫn đảm bảo chất lượng kết cấu, không ảnh hưởng đến phần còn lại của tòa nhà mới là khó do khi phá rất dễ bị rung, nứt...”.
Ông Trương Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam thuộc Tập đoàn Phương Bắc, chuyên về phá dỡ công trình, nhận định để hoàn thành cắt ngọn, phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực sẽ cần khoảng 5 - 6 tháng.
Thời gian phá dỡ lâu do khối lượng vi phạm của tòa nhà lớn, xây quá phép đến 16 m, diện tích sàn xây dựng sai phép khoảng hơn 6.100 m2 (cho phép 29.874 m2 chủ đầu tư tự ý xây thành 36.000 m2).
Thêm vào đó, khoảng trước mặt của tòa nhà cũng phải cắt dọc đúng theo giật cấp ghi trong giấy phép xây dựng được cấp. Về kinh phí, ông Hải ước tính có thể sẽ hết đến cả chục tỉ đồng.
Minh Hiếu