|
Tình trạng mất nước, thiếu nước sinh hoạt, nước bẩn không đảm bảo… đã và đang diễn trong những ngày đầu mùa hè này tại chung cư TSQ Euroland ở phường Mộ Lao, Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Minh Thư |
Phản ánh với PV Infonet, bà Đỗ Thị Tâm, Phó ban quản trị chung cư TSQ Euroland ở phường Mộ Lao, Hà Đông (Hà Nội) cho biết, ngày 4/5, người dân nhận được thông báo từ Công ty nước sạch Hà Đông về lý do vỡ đường ống nước sông Đà nên lưu lượng nước cấp về chung cư sẽ giảm, kêu gọi cư dân dùng nước tiết kiệm.
Đến tối cùng ngày thì nước đã không đủ để cung cấp cho cư dân, hôm sau vẫn có nước chảy về bể nhưng rất ít nên đã phải mua xe téc nước để hỗ trợ người dân. Cứ đến đêm thì khu chung cư được cung cấp nước được khoảng 30% trong tổng lưu lượng nước mà cư dân sử dụng.
|
Nhà cửa, bát đũa để bẩn chờ... nước. Ảhh: Minh Thư |
Bà Tâm cho biết, theo thông báo, trong thời gian từ ngày 4 đến 7/5 sẽ có nước trở lại nhưng đến ngày 10/5 thì lượng nước chỉ đạt khoảng 35% nên vẫn chưa đủ nước cho cư dân sinh hoạt. Mực nước bể chứa luôn cách trõ bơm khoảng 50cm.
|
Ban quản lý tòa nhà đã phải cung cấp nước bằng xe téc để người dân dùng tạm. Ảnh: Người dân cung cấp |
Tuy nhiên, bà Tâm cho hay, nước về thì rất bẩn, không đảm bảo nên đã có nhiều trẻ em, người lớn bị mẩn ngứa sau khi tắm.
Cả khối lượng nước không đạt yêu cầu và chất lượng nước không đảm bảo khiến đời sống cư dân chung cư TSQ Euroland bị ảnh hưởng rất nhiều.
|
Cảnh tích nước tạm như thế này là cảnh thường thấy ở khu chung cư cao cấp TSQ Euroland trong những ngày mất nước. Ảnh: Minh Thư |
Cũng theo Phó Ban quản trị tòa nhà, tình trạng thiếu nước đã xảy ra với chung cư TSQ Euroland ở các năm trước nhưng chỉ ở mức thiếu ít; còn năm nay mới đầu hè đã có hiện tượng mất nước ban ngày, chỉ đến đêm mới có nước chảy về một chút, bể 700 khối nước thì cả đêm chỉ chảy về được khoảng 40 phân nước.
Chia sẻ thêm với PV, chủ căn hộ 808 – T1 cho hay, rất may gia đình bố mẹ ở gần nên nhà chị thường mang quần áo sang nhà bố mẹ giặt nhờ, khi có nước chỉ dùng cho những sinh hoạt nhất định chứ nước cặn bẩn nên gia đình cũng ít nấu ăn.
|
Người dân cho biết, tình trạng nước bẩn như thế này sẽ phải mất khoảng 15 phút mở vòi nước xả đi sau mới đỡ... Ảnh do người dân cung cấp |
“Có gia đình hàng xóm còn phải mua nước Lavie về để ăn uống trong những ngày mất nước, có nhà còn tiết kiệm nước sau khi tắm cho con thì bố mẹ tắm cùng hoặc dùng để rửa nhà vệ sinh… khá bất tiện và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày”, chủ căn hộ 808 – T1 phản ánh thực trạng.
|
Trẻ em bị mẩn ngứa sau khi tắm nước mấy ngày gần đây. Ảnh: người dân cung cấp |
PV Infonet đã đem những phản ánh thực trạng của người dân sống ở chung cư TSQ Euroland đến đặt câu hỏi với ông Lại Văn Thịnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông, vị này xác nhận, việc bà con phản ánh mấy hôm vừa rồi nước yếu là có thật.
“Nguyên nhân là do sự cố đường ống nước sông Đà ngày 3/5 cộng với tình trạng nắng nóng nên bà con có thiếu mấy hôm nhưng đến ngày 9/5 thì bà con đã được cấp đủ. Sáng 10/5 tôi trực tiếp kiểm tra và có lập văn bản với ban quản lý tòa nhà và chủ đầu tư về vấn đề hiện nay nước đã cấp nước đảm bảo”, ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, tốc độ tăng dân số và tốc độ tăng nguồn nước không tương thích với nhau dẫn đến khó khăn, rất vất vả. Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, đơn vị đã lên kịch bản cấp nước trong các trường hợp nắng nóng mùa hè, vỡ đường ống nước… Chẳng hạn, nhu cầu dùng nước mùa hè tăng gấp đôi so với mùa đông thì buộc phải phân vùng, tách mạng và cấp theo giờ. Còn nếu vỡ đường ống nước sông Đà một mặt vẫn phải đẩy nước ra, một mặt vẫn phải cấp bằng xe téc….
Liên quan đến chất lượng nước ở chung cư TSQ Euroland có cặn bẩn, không đảm bảo, ông Thịnh “đổ lỗi” do Ban quản lý vận hành tòa nhà thiếu kinh nghiệm, đóng cấp nước theo tầng thì chỗ nào bị đóng ống sẽ rỗng, khi mở van để cấp trở lại thì dòng nước xuống xoáy vào dẫn đến lắng cặn, ôxi hóa trong đường ống….
Tuy nhiên, khi trao đổi về vấn đề nước có cặn bẩn với PV, ông Phạm Văn Song, Phó Ban quản lý tòa nhà TSQ Euroland phân tích có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính do nguồn nước đầu vào của nước sạch Hà Đông cấp sang, cặn đầu tiên xuất phát từ đường ống của nước sạch Hà Đông vào bể ngầm, từ bể ngầm hút lên bể mái.
Cùng với đó, theo thiết kế của chủ đầu tư dự án, nguồn nước đầu vào lại chảy xuống ngăn bể cuối cùng, trong bể chứa nước có nhiều ngăn, đồng thời ngăn bể ngầm cuối cùng cũng là đường cấp nước vào trõ bơm để bơm nước lên bể mái nên nếu nước có cặn thì khi bơm cặn cũng theo lên bể mái.
“Nếu không có tình trạng mất nước, bể sẽ có thời gian kịp lắng xuống thì sẽ đỡ hơn nhưng hiện chưa kịp lắng thì đường ống đầu vào xả được bao nhiêu nước là phải hút thẳng lên bể mái bấy nhiêu thì sẽ sinh ra nước đến các hộ dân có cặn”, ông Song nói
Ông Song cho biết, Ban quản lý đã có giải pháp sẽ chuyển đường ống cấp nước đầu vào về ngăn đầu tiên để lọc qua các ngăn, cuối cùng mới bơm nước lên bể mái từ ngăn bể ngầm cuối cùng.
Còn về vấn lưu lượng nước, ông Song cho hay, tính đến ngày 10/5, Ban quản lý đang phải tính cấp nước theo giờ vào các giờ cao điểm cho người dân sử dụng. Bởi lẽ, mặc dù lượng nước vào bể có cao hơn so với mấy ngày thiếu nước nhưng cho đến ngày 10/5 chưa được như bình thường.
“Nếu bể nước đầy thì nguồn vào như thế này tạm đảm bảo nhưng khi bể không còn giọt nước nào thì cấp nước như bình thường sẽ không đảm bảo được. Lượng cư dân 600-700 căn hộ mà cấp bình thường thì cấp được giọt nào bơm lên giọt đấy thì không đảm bảo ở chỗ đó, còn lưu lượng cấp nước hiện tại có hơn so với mấy ngày mất nước trước đó”, ông Song thông tin thêm.
Theo Minh Thư/Infonet