Theo Sở Xây dựng Bình Thuận, tính đến đầu tháng 9/2019, trên địa bàn có 70 dự án kinh doanh bất động sản được chấp thuận đầu tư, trong đó có 32 dự án khu dân cư, khu đô thị và 38 dự án du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản.
Theo dõi hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn, Sở nhận thấy hiện đa số các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng có kết hợp kinh doanh bất động sản đều đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư, chưa xây dựng công trình.
Tuy nhiên, các chủ đầu tư, đơn vị phân phối đã huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện; chưa thực hiện bảo lãnh huy động vốn theo quy định; quảng cáo sản phẩm trong dự án chưa đúng với quy hoạch xây dựng; việc huy động vốn và sử dụng vốn huy động chưa công khai minh bạch, số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chính xác…
Qua thanh tra, chủ đầu tư các dự án đã có nhiều vi phạm. Đơn cử, dự án Khu liên hợp Hồ Điều hòa, chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Huy Hoàng làm chủ đầu tư, hiện dự án này chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư, chưa đền bù giải phóng mặt bằng, không có hồ sơ giao đất … Đến nay, dự án đã chậm tiến độ so với quy định.
Khu dân cư cầu Sông Luỹ (huyện Tuy Phong) do Công ty TNHH Xây lắp Hoàng Vũ làm chủ đầu tư, thời điểm kiểm tra dự án chưa xây dựng, chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng, chưa có hồ sơ giao đất… Tiến độ dự án bị chậm so với quyết định chủ trương đầu tư.
|
Một trong những dự án bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận “tuýt còi” |
Quá trình thanh tra dự án Khu dân cư kết hợp thương mại dịch vụ Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam), điều trớ trêu là đoàn thanh tra không liên lạc được với Công ty TNHH Đào tạo nghề đầu tư phát triển bất động sản đo đạc xây dựng Ngân Hà, chủ đầu tư dự án. Do đó, đoàn thanh tra chưa thể kiểm tra hồ sơ và thực tế dự án, trong năm 2020 sẽ tiếp tục thanh tra.
Tại dự án khu dân cư Tiến Lợi, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Toàn Thịnh làm chủ đầu tư, thời điểm thanh tra, chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục điều chỉnh hồ sơ giao đất, xin giấy phép xây dựng.
Dự án đã được xây dựng một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, đường giao thông và văn phòng làm việc trên phần diện tích đất đã đền bù (5,6 ha) nhưng chưa có giấy phép xây dựng.
Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long, thành phố Phan Thiết, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư, cũng tồn tại nhiều vấn đề.
Tại thực địa, dự án đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án 14/27ha và tuyến kè bảo vệ bờ biển. Hiện chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, chưa lập hồ sơ đề xuất chấp thuận đầu tư.
Trong quá trình thực hiện, dự án chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền. Đơn vị liên kết với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư Đất Biển Vàng là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản, môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản nhưng không thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo quy định.
Ngoài ra, hàng loạt dự án khác như: Dự án Khu dân cư Tiểu thủ công nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Hàm Thắng – Hàm Liêm giai đoạn 1 (huyện Hàm Thuận Bắc) của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư; dự án Sentosa Villa (TP. Phan Thiết) của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn; chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các quy định về xây dựng, kinh doanh bât động sản và phòng, chống rửa tiền…
Gia Lai