Đơn kiến nghị khẩn cấp này đã được người dân gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Theo đó, những người dân mua căn hộ dự án 8B Lê Trực mong muốn các cơ quan có thẩm quyền "sớm có biện pháp thấu tình đạt lý trong xử lý công trình để tạo điều kiện cho người mua sớm ổn định cuộc sống, cho người dân dọn vào ở".
|
Sáng 16/8 hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả nhà, không trả nhà phải trả lại tiền. Ảnh : Báo Xây dựng. |
Dự án 8B Lê Trực là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ chung cư cao cấp và biệt thự liền kề, có tổng diện tích 5.600 m2, do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển Kinh Đô (KinhDo TCI Group) làm chủ đầu tư. Dự án có tòa nhà cao 17 tầng và 4 tầng hầm, trong đó 5 tầng trung tâm thương mại, tầng trên cùng là bể bơi, tầng 6-17 là căn hộ, diện tích mỗi sàn 1.900 m2.
Quá trình xây dựng có nhiều ý kiến đã bày tỏ sự nghi ngại về vị trí nhạy cảm của cụm công trình này, bởi toà nhà được cho là cao nhất khu vực Ba Đình, cao hơn hẳn Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Hà Nội tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B phố Lê Trực và báo cáo Thủ tướng gấp trong tháng 9/2015.
Ngày 1/10/2015, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo lên Thủ tướng đồng thời có văn bản thông cáo báo chí. Theo văn bản này, UBND TP Hà Nội thừa nhận dự án cao ốc tại 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với Giấy phép xây dựng.
Chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng), trong khi, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m. Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.
Ngoài ra, từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.
Trước những sai phạm này, ngày 6/10/2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 6992 về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình) trong đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tự phá dỡ phần công trình xây dựng sai phép. Nếu chủ đầu tư không tự giác chấp hành thì Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận Ba Đình thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Đến tháng 10/2016 việc cưỡng chế giai đoạn 2 đã kết thúc và từ đó đến nay, tòa nhà vẫn im lìm nằm đấy.
|
Công nhân tháo dỡ tòa nhà 8B Lê Trực. Ảnh: Zing. |
Sau nhiều lần gửi đơn đến các ban ngành kiến nghị các cấp có thẩm quyền sớm. Đến sáng ngày 16/8, sau nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng nhưng không được phúc đáp, hàng chục hộ dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã xuống đường căng băng rôn, khẩu hiệu, đồng thời gửi đơn kêu cứu đến Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND Thành phố… xin sớm được xử lý dứt điểm vụ việc để các hộ dân sớm được nhận nhà và có nhà để ở.
Chủ đầu tư "dính" loạt dự án tai tiếng
Ngoài dự án 8B Lê Trực, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) còn "dính" liền với loạt tai tiếng tại nhiều dự án.
Mới đây nhất là vào đầu tháng 6, hàng loạt cư dân ở chung cư Capital Garden (102 Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội) đã tập trung tại tầng một của tòa nhà căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư Kinh Đô TCI Group phải giải trình về các sai phạm như: chậm bàn giao nhà đến một năm theo hợp đồng; biên bản giao nhà không có chữ ký chủ đầu tư khiến cư dân không thể thực hiện các thủ tục hành chính.
|
Cư dân tại dự án Capital Garden "xuống đường" vào chiều tối ngày 12/6. Ảnh: TL/vietnambiz.vn. |
Hơn nữa, tòa nhà còn không có không gian chung để sinh hoạt cộng đồng và tầng cây xanh như nội dung quảng cáo ban đầu; nghiêm trọng nhất là việc dự án chưa hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong khi tại đây từng xảy ra vụ cháy mà hệ thống báo cháy và họng nước cứu hỏa đều không hoạt động…
Trước đó, dự án Discovery Complex (số 302 Cầu Giấy, Hà Nội) của Kinh Đô TCI Group cũng bị khách hàng “tố” bàn giao nhà chậm tiến độ. Khách hàng bức xúc vì nhiều người phải vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để mua căn hộ, phải đi thuê nhà và phát sinh khoản chi phí sinh hoạt không nhỏ.
|
Dự án Discovery Complex "tố" chủ đầu tư chậm bàn giao nhà |
Khách hàng còn nhấn mạnh việc CĐT tự ý thay đổi thiết kế dự án, căn hộ mà không báo với người mua như: bỏ các tầng cây xanh; bỏ cầu nối hai tòa tháp A - B; ban công căn hộ vuông thành vát; diện tích căn hộ tăng quá nhiều, có căn tăng hơn 15 m2…
Ngoài ra, vào 4 năm trước, tại dự án Kinh Đô Tower 93 Lò Đúc, Kinh Đô TCI Group từng có những sai phạm khá giống với trường hợp Discovery Complex 302 Cầu khi cư dân tố CĐT tự ý biến tầng áp mái có khu vực để trồng cây xanh thành nhà ở thương mại; tự ý xây dựng phòng kỹ thuật trên diện tích chung của tòa nhà (việc này thậm chí dẫn đến xô xát giữa hai bên); CĐT còn tranh chấp sở hữu tầng hầm để xe với cư dân; dự án cũng từng xây dựng trái phép 30 tầng và bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu tháo dỡ…