UBND TP Hà Nội vừa phát đi thông báo về việc dừng triển khai dự án nhà hát Hoa Sen có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (Khu đô thị mới Cầu Giấy). Đề xuất dừng dự án của Sở Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến đại biểu đã được tập thể lãnh đạo thành phố thông qua trong cuộc họp ngày 18/5.
Trước đó, vào tháng 7/2017, Sở Quy hoạch- kiến trúc Hà Nội đã phê duyệt tổng mặt bằng và phương án kiến trúc nhà hát Hoa Sen. Theo đó nhà hát có kiến trúc hình bông sen, gắn với công viên hồ điều hòa CV1 thuộc Yên Hòa (quận Cầu Giấy) và Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).
|
Phối cảnh nhà hát Hoa Sen. Ảnh: Lao Động. |
Dừng xây nhà hát Hoa Sen "lớn nhất Thủ đô" - VTC9.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, nhà hát Hoa Sen được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hoá và sẽ là nhà hát lớn và hiện đại nhất Thủ đô. Nhà hát được thiết kế nổi trên mặt nước với tổng diện tích lên tới 4ha, cao 6 tầng, sức chứa 2.000 chỗ ngồi. Tổng diện tích toàn công trình gần 32ha, nằm tại khu vực giao cắt giữa đường Dương Đình Nghệ và đường Phạm Hùng.
Trong đó, 19ha là diện tích mặt nước, phần còn lại là công viên cây xanh cùng hàng loạt tiện ích chức năng công cộng. Ngoài phòng hát lớn, nhà hát có hệ thống khu vui chơi giải trí, sân trượt băng, khu văn phòng đi kèm.
Tuy nhiên, dự án sau đó vấp phải sự phản đối của dư luận do nhiều ý kiến lo ngại lãng phí và hình ảnh bông sen tả thực không phù hợp với kiến trúc hiện đại.
Chia sẻ trên báo Lao Động, KTS Nguyễn Quốc Thông – Phó Chủ tịch hội Kiến trúc sư Việt Nam bày tỏ: các công trình mang tính biểu tượng thường phải dựa trên những hình ảnh quen thuộc nhưng khi dùng phải khai thác nét tinh hoa, tinh thần của biểu tượng, những nét gợi lên hình ảnh bông sen, chứ chẳng ai lại làm một bông sen thật. “Mượn hình ảnh bông sen mà tả thực quá thì đó không phải là cách làm của kiến trúc hiện đại”, KTS Nguyễn Quốc Thông nhấn mạnh.
Những ý kiến khác thì cho rằng hiện nay, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhà hát có khá nhiều, thực tế là hiện nay một số nhà hát vẫn “không sáng đèn”. Vậy tại sao trong khi còn quá nhiều công trình chưa sử dụng hết công suất như thế mà lại đi xây dựng thêm một nhà hát Hoa Sen với công suất lớn như đề xuất?
Thêm nữa, vào nhà hát khá đắt. Xây dựng một nhà hát Hoa Sen mấy nghìn chỗ liệu có ai vào, ai có đủ tiền vào trong khi mặt bằng kinh tế của người dân còn chưa cao. Nếu xây dựng một công trình không dành cho đại đa số quần chúng nhân dân thì đó là quá lãng phí.
Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây cho rằng, việc đầu tư cơ sở văn hóa vật chất cho người dân là điều đáng hoan nghênh, nó góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Tuy nhiên, Hà Nội đã có rất nhiều nhà hát và thực sự là chúng hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy, cần phải rà soát lại các công trình văn hóa trên địa bàn Thủ đô, đánh giá lại hiệu quả của các công trình này, xem thực sự có đáp ứng được nhu cầu của người dân hay không hay việc xây dựng nó chỉ gây ra sự lãng phí, không cần thiết.
Hồng Liên (Tổng hợp)