Đường cao tốc Việt Nam đắt gấp 2-4 lần các nước là vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra chất vấn lãnh đạo ngành kế hoạch đầu tư và giao thông tại phiên sang 15/6.
Đắt mà chất lượng không bằng
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) dẫn ra một loạt các con số so sánh về suất đầu tư đường cao tốc và băn khoăn làm thế nào để giảm, tiến tới ngang bằng các nước trong khi chất lượng tương đương.
|
Bộ trưởng Giao thông Vận tải giải trình về suất đầu tư với các dự án cao tốc. Ảnh: Duy Hiếu. |
Ông Nhường dẫn lại báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đến các đại biểu Quốc hội về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến đầu tư 1.372 km với tổng mức đầu tư là 312.435 tỷ đồng, tương đương với 14 tỷ USD và suất đầu tư đường cao tốc theo dự án khoảng 10,12 triệu USD/km.
Trong khi đó, theo các chuyên gia tại Việt Nam, suất đầu tư bình quân của đường cao tốc ở Việt Nam khoảng 12 triệu USD sau khi đã loại trừ các chi phí xây cầu dẫn và đền bù giải phóng mặt bằng.
So với Trung Quốc, nơi có những điểm tương đồng, chi phí làm đường cao tốc của họ chỉ là 5 triệu USD, của Mỹ và các nước châu Âu là 3 - 4 triệu USD/km.
“Cùng làm đường cao tốc 4 làn xe, chi phí làm đường cao tốc của nước ta cao gấp từ 2 - 4 lần so với các nước khác nhưng chất lượng hiện nay chưa tương đương”, ông Nhường trăn trở. “Trong điều kiện nguồn lực của ta có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm suất đầu tư cho 1 km đường bộ hay đường sắt cao tốc, để tiến tới ngang bằng với suất đầu tư của các nước khác mà có chất lượng tương đương?”
200 tỷ đồng cho một kilomet đường 6 làn xe
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết Chính phủ hết sức quan tâm tới suất đầu tư giao thông của Việt Nam.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cùng với Bộ Xây dựng đang tổng hợp báo cáo đánh giá suất đầu tư theo tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng soạn thảo thì suất đầu tư cho đường 6 làn xe khoảng 200 tỷ/km, chưa tính giải phóng mặt bằng.
Ông cũng nêu rõ, với đặc điểm ở Việt Nam, một số khu vực có mức giá rất khác nhau. Trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, đặc biệt nhất là địa chất và nguồn vật liệu.
Về suất đầu tư, ông Nghĩa dẫn lại đề án đã báo cáo Quốc hội tham khảo con số ở một loạt nước gồn Đức, Bồ Đào Nha, Hungary, Áo, Mỹ và Trung Quốc.
|
Suất đầu tư đường cao tốc 6 làn xe của Việt Nam trong tương quan các nước, theo báo cáo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải (đơn vị: triệu USD/km). |
Theo đó, dự kiến suất đầu tư của Việt Nam trong dự án Bộ Giao thông Vận tải trình vẫn thấp hơn, chỉ 9,5 triệu USD/km cho với đường cao tốc 6 làn xe.
Trong khi đó, suất đầu tư tại Đức khoảng 10,9 triệu USD/km, ở Bồ Đào Nha khoảng 12,1 triệu USD/km, Hungary khoảng 13,3 triệu USD/km; Áo là 16,7 triệu USD/km, ở Mỹ từ 12,8 đến 40,8 triệu USD/km còn Trung Quốc khoảng từ 10,5 đến 13,6 triệu USD/km.
Với dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, ông Nghĩa thông tin, tư vấn Nhật Bản đã dự kiến chi phí 50 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ khất báo cáo xin chủ trương với dự án này vào kỳ họp thứ 2 của năm 2018.
“Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng sẽ có số liệu chính xác và đảm bảo hơn để đại biểu Quốc hội biết”, ông Nghĩa nói.
Trước đó, khi bị chất vấn về dự án này cùng dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lúng túng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải đỡ lời giải thích cho chuyện chậm bố trí vốn. Theo đó, tất cả công trình trọng điểm quốc gia phải được trình ra Quốc hội cho phép đầu tư có chủ trương thì hiện nay chưa làm được vì chưa làm được thủ tục này. Dự án này Quốc hội phải dời lại kỳ họp thì mới có thể kịp hồ sơ để làm,
Trách nhiệm là các bộ, ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chậm làm hồ sơ để trình ra Quốc hội nên chưa phân bổ được.
Theo Hiếu Công/Zing