Thời gian vừa qua, nhiều cư dân tại khu đô thị Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) liên tục căng băng rôn phản đối chủ đầu tư đã không quan tâm đến vấn đề nước sạch, khiến cư dân về ở 4-5 năm nhưng vẫn phải dùng nước bẩn, không đảm bảo chất lượng.
Gần 1.000 hộ dân phải dùng nước không đạt tiêu chuẩn
Nhiều cư dân còn treo băng rôn trước nhà phản đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát với các nội dung như: “yêu cầu Hải Phát cấp nước sạch”; “cư dân Tân Tây Đô cần nước sạch”; “Tân Tây Đô: 5 năm dùng nước độc Asen, Amoni”…
Ngày 1/8, cư dân tại đây cũng gửi đơn kêu cứu về tình trạng nước tới Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Trong đơn kêu cứu, người dân cho biết gần 1.000 hộ dân phải tốn nhiều tiền để mua máy lọc nước chống chọi với nước bẩn. Những hộ có điều kiện hơn phải bỏ hàng triệu đồng mỗi tháng để mua nước bình đóng chai về sinh hoạt.
|
Người dân Tân Tây Đô treo băng rôn tại ban công phản đối chủ đầu tư Hải Phát. Ảnh: Cư dân cung cấp. |
Người dân còn cho rằng trên địa bàn có Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội sẵn sàng bán nước sạch cho khu đô thị Tân Tây Đô, nhưng chủ đầu tư vẫn mua nước khoan bị cơ quan chức năng nhiều lần chỉ ra là không đạt chuẩn của một doanh nghiệp khác.
Người dân nói rằng đường ống nước của Công ty nước sạch Tây Hà Nội đi qua quốc lộ 32, dẫn nước sạch từ sông Đà về, cách Tân Tây Đô chỉ 500 m nhưng Hải Phát vẫn không mua cho dân.
Ngày 31/7, sau khi nhận được phản ánh từ người dân, UBND huyện Đan Phượng vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội báo cáo về việc cung cấp nước sạch tại khu đô thị Tân Tây Đô. Văn bản do ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, chỉ rõ việc cung cấp nước sinh hoạt cho cư dân khu đô thị Tân Tây Đô thời gian qua không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành của Nhà nước gây bức xúc cho cư dân nơi đây.
Yêu cầu xử lý trách nhiệm Hải Phát
Theo UBND huyện Đan Phượng, khi được xây dựng vào năm 2008, khu đô thị Tân Tây Đô được bố trí nguồn nước từ trạm cấp nước công suất 9.000 m3/ngày đêm đặt ở thôn Hạnh Đản, sau sẽ bổ sung từ nguồn nước sông Đà. Tuy nhiên, đến nay trạm cấp nước trên chưa được xây dựng.
Năm 2010, huyện Đan Phượng có công văn xác nhận trạm cấp nước công suất 9.000 m3/ngày đêm chưa được xây dựng gửi và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét cấp phép khai thác nước ngầm, xây dựng trạm xử lý nước sạch 1.200 m3/ngày đêm để phục vụ cho các hộ dân Tân Tây Đô và đã được chấp thuận.
|
Vị trí khu đô thị Tân Tây Đô. |
Tuy nhiên, trạm cấp nước 1.200 m3/ngày đêm bị các ngành chức kiểm tra và chỉ ra chất lượng nước không đảm bảo theo quy định của Nhà nước. Cơ quan chức năng đã tiến hành cải tạo, sửa chữa nhưng đến nay chất lượng nước vẫn chưa khắc phục được theo đúng quy định của Nhà nước.
Ngày 4/6, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan liên hệ với Công ty cổ phần nước sạch Tây Hà Nội để nghiên cứu, thực hiện đầu tư bổ sung đấu nối nguồn cung cấp nước sạch sông Đà đến Tân Tây Đô, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
Nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, đáp ứng nhu cầu nước sạch chính đáng của cư dân Tân Tây Đô, UBND huyện Đan Phượng đã đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét xử lý trách nhiệm Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát, Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ & Môi trường Việt Nam và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp nước sinh hoạt không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Đáp ứng nguyện vọng của cư dân Tân Tây Đô, UBND huyện Đan Phượng cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội bổ sung địa bàn khu đô thị này thuộc mạng lưới cấp nước sạch tập trung bằng nguồn nước sông Đà.
Hải Phát nói đã làm hết sức vì người dân
Ngay sau khi UBND huyện Đan Phượng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm của Hải Phát, doanh nghiệp này đã có thông báo giải trình. Hải Phát cho rằng cư dân yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp nước sạch là không có căn cứ, bởi khi bàn giao căn hộ, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam là đơn vị cung cấp nước duy nhất trên địa bàn.
Hải Phát cũng cho rằng chính công ty này đã không cung cấp nước đảm bảo chất lượng cho người dân, chứ chủ đầu tư không có khả năng cung cấp nước. Với vai trò của chủ đầu tư, Hải Phát đã làm hết sức mình đồng hành cùng cư dân để yêu cầu được cung cấp nước sạch.
|
Hải Phát mua nước của Công ty cổ phần đầu tư công nghệ môi trường Việt Nam cung cấp cho dân nhưng không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Báo Xây Dựng. |
Hải Phát cũng cho biết đang làm việc với đơn vị cung cấp nước từ sông Đà về để cung cấp cho Tân Tây Đô. Tuy nhiên doanh nghiệp này không thông báo chính xác thời gian nào hoàn thành và khi nào cấp được cho cư dân.
Chủ đầu tư cũng cho biết phản đối việc một số băng rôn có nội dung làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của đơn vị này, đặc biệt khi thời điểm căng băng rôn ngay sát việc Hải Phát vừa chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán.
Doanh nghiệp cũng tuyên bố sẽ có ý kiến với cơ quan chức năng, đề nghị điều tra làm rõ việc cá nhân, tổ chức nào đứng ra thực hiện việc treo băng rôn quy mô lớn tại tòa nhà HHB, CT2A-B của Tân Tây Đô với mục tiêu nhắm vào thương hiệu Hải Phát.
Theo Hiếu Công/Zing