Thông tin sắp lên Quận của huyện Đông Anh chính là cú thúc mạnh mẽ nhất khiến cho "cò" đất vin vào để "hét" giá đất Đông Anh tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, khảo sát của Kiến Thức cho thấy, không có quá nhiều người tìm mua đất Đông Anh và đất tại đây cũng không khan hiếm như tin đồn. Nhiều người được hỏi còn cho biết sẽ không mua thời điểm này vì đã được nghe đến quá nhiều bài học đau xót trước đó.
Thực tế cho thấy vào những năm 2010 ở Đông Anh cũng đã chứng kiến cơn sốt đất rần rần. Sau khi thông tin dự án xây cầu Nhật Tân, Đông Trù rộ lên, nhiều người đã đổ về Đông Anh để săn lùng mua đất khiến "cò. Đỉnh điểm trong cơn sốt lúc bấy giờ, có những mảnh đất có giá lên tới 100 triệu đồng/m2. Nhưng một thời gian ngắn sau giá đất chững lại khiến nhiều người vỡ mộng.
Anh Trần Văn H (54 tuổi, trú tại thôn Lễ Pháp, Tiên Dương, Đông Anh) kể lại, sau khi nắm được thông tin có dự án lớn sắp về huyện và thấy nhiều người đánh ô tô tới tìm mua đất, anh H đã tạm dừng công việc bán hàng với vợ và quay sang đi giới thiệu cho các khách tới hỏi mua đất. Thấy công việc thuận lợi và kiếm được nhiều tiền, anh quyết định bỏ việc kinh doanh của nhà, chuyển hẳn sang làm môi giới đất.
Từ một tay không chuyên, anh H đã trở thành một "cò" có tiếng trong vùng. Anh chia sẻ: “Mấy tháng đầu, anh chỉ đi giới thiệu khách qua nhà chủ, mỗi lần giao dịch thành công là có cả chục triệu”. Tin tưởng rằng việc kinh doanh bất động sản sẽ gặt hái được nhiều lợi nhuận, anh chuyển sang mua sẵn nhiều miếng đất khác trong khu vực. Phất nhanh như diều gặp gió, nhưng chỉ chưa đầy một năm sau, đất ở trong khu vực rơi vào thế “lửng lơ”, “Ôm đến cả gần chục lô đất, giá mỗi ngày lại một giảm, không bán tháo kịp, anh H gánh số nợ cả chục tỷ đồng trong ngân hàng. Anh nghẹn ngào chia sẻ: “Tiền lời lãi, tiền tích góp trong nhà anh đổ cả vào bất động sản, thiếu bao nhiêu lại bảo vợ con đi vay lãi ngân hàng. Giờ thì nhà cửa mang cầm cố cả”.
Đã gần 10 năm sau cái thời kỳ “hưng thịnh” của đất Đông Anh ngày ấy, nhưng đến giờ chị Trang (Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa nguôi nỗi dằn vặt: “Ngày đó, thấy ông bạn làm bên bất động sản rủ, chị cũng góp vốn mua đất dưới Đông Anh, mới đầu cũng nghi ngờ lắm nhưng sau nhiều lần nghe lời thuyết phục từ phía anh bạn rằng đã tỏ tường bước đi tương lai của huyện nên chị cũng bị lung lay, lấy tiền tích góp của hai vợ chồng đi đầu cơ. Chẳng bao lâu, giá đất Đông Anh "bốc hơi", chị thua lỗ nặng nề, đến giờ vẫn còng lưng trả nợ".
Không chỉ xảy ra ở huyện Đông Anh mà trong thời điểm đấy, Ba Vì cũng là nơi chứng kiến cơn sốt đất xình xịch. Thời điểm đó là cuối năm 2010, Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, theo đó Trung tâm Hành chính quốc gia sẽ được đặt tại chân núi Ba Vì. Thông tin vẫn chỉ trong giai đoạn chờ kiểm duyệt, thế nhưng đất nơi đây đã trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Nhiều người kỳ vọng việc đầu tư bất động sản theo kiểu “đi trước đón đầu” sẽ thu về lợi nhuận cao, khi quy hoạch được triển khai giá đất sẽ tăng chóng mặt.
Nhưng đề án vẫn chỉ là kế hoạch trên giấy, khách hàng thật sự lại chẳng thấy đâu, giá đất lao dốc với mức giảm tới 70%, bất động sản Ba Vì rơi vào "thảm cảnh".
Những câu chuyện đáng tiếc này chính là bài học đắt giá khiến nhiều người nhớ mãi. Do đó, khi đất Đông Anh thời điểm này đang được đồn là "sốt nóng" thì cũng không có quá nhiều người tìm mua, có chăng chỉ là lời đồn đại của giới "cò" nhà đất.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho biết, khách hàng phải tìm hiểu kỹ pháp lý, quy hoạch, lượng cung - cầu, kết nối hạ tầng... để phân biệt giá đất tăng thật hay tăng ảo. Về thông tin giao dịch trên thị trường, khách hàng có thể kiểm chứng tại các phòng tài nguyên - môi trường, cục thuế. Việc tăng giá là thật nếu tất cả các yếu tố trên được đáp ứng, còn ngược lại đó chỉ do tin đồn. Mặt khác, không có giao dịch mà chỉ có 1 chiều giá tăng thì chắc chắn là sốt ảo, giá trị đấy không phải là thật.
Nhung Dương