Giá đất ở Bình Dương sốt ảo, nguy cơ vỡ bong bóng

Google News

Thời gian gần đây, thị trường đất nền tại tỉnh Bình Dương tăng giá liên tục, có khu vực chỉ trong thời gian ngắn đã tăng đến 300-400%.

Thực tế cho thấy, phần lớn các giao dịch, mua bán đất hiện nay lại không theo nhu cầu mua để ở, mà chủ yếu kinh doanh kiếm lời. Điều này tạo nên cơn sốt giá đất tăng ảo, làm thổi phồng bong bóng bất động sản. Nguy cơ sẽ "vỡ bong bóng" hoặc giảm tốc bất ngờ, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
 Dù sốt giá nhưng tại Bình Dương nhiều khu đất có vị trí đẹp vẫn bị bỏ hoang trong nhiều năm.
Giá đất liên tục "nhảy múa"
Anh Hoàng Minh Quân từ miền Trung vào TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương làm việc đã gần 10 năm. Đầu năm nay, anh Quân dự định mua lô đất trị giá 1 tỷ đồng, đường đất rộng 5m tại phường Phú Mỹ, TP. Thủ Dầu Một. Chưa xoay đủ tiền thì 1 tháng sau, giá lô đất đã tăng lên đến 1,5 tỷ đồng. So với thu nhập của gia đình, giá đất tăng phi mã như vậy thì anh Quân khó mua được miếng đất cất nhà vừa ý. Anh Quân cho biết, trước đây khoảng một năm, giá lô đất thổ cư 50 - 70m2 tại TP. Thủ Dầu Một chỉ từ 500-700 triệu đồng.
Cơn sốt ảo đất nền ở Bình Dương bắt đầu từ khi thị trường bất động sản có dấu hiệu hồi phục và làn sóng dịch chuyển giao dịch đất nền từ vùng ven TPHCM và Đồng Nai sang Bình Dương vào đầu năm 2016. Kể từ đó, giá đất nền tại Bình Dương tăng nhanh từng tháng, đặc biệt giá đất nền khu vực thị xã Dĩ An, giáp ranh với Quận 9 và quận Thủ Đức, TP HCM có mức tăng giá "đỉnh" nhất. Đây cũng là nơi khởi phát cơn sốt ảo đất nền tại Bình Dương hiện nay.
Từ giữa năm 2017, đất nền ở khu vực này tăng giá mạnh. Đối với những dự án có vị trí giáp ranh quận Thủ Đức, Quận 9 như Khu dân cư phát triển đô thị Tân Bình, Khu dân cư Đông Hòa, Khu đô thị Bình Nguyên… giá đất tăng tới 30% trong vòng 6 - 12 tháng. Từ đây, giá đất nền ở thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An cũng tăng mạnh theo.
Không chỉ tại các địa phương phía nam của tỉnh, mà tại các huyện phía bắc như Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng giá đất cũng rất "sốt". Nếu như từ năm 2016 trở về trước, chỉ cần bỏ ra số tiền từ 300 - 500 triệu đồng người dân có thể dễ dàng tìm mua một lô đất rộng 100 - 120m2 có sẵn thổ cư tại TP. Thủ Dầu Một thì hiện tại, giá lô đất này đã tăng đến 300%. Tại các phường Phú Mỹ, Hiệp Thành, Phú Hòa… của TP. Thủ Dầu Một, giá đất liên tục "nhảy múa", từ 3 - 4 triệu đồng/m2 vào cuối năm 2016 lên đến 10 - 12 triệu đồng/m2 ở thời điểm hiện tại.
Nhiều rủi ro tiềm ẩn
Sôi động là vậy, nhưng thị trường bất động sản tại Bình Dương cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí đang có dấu hiệu hình thành bong bóng giá ảo do giới "cò đất" liên tục thổi giá để trục lợi. Tranh thủ sự sôi động phân khúc đất nền, nhiều "cò đất" lập các trung tâm môi giới nhà đất để giao dịch. Người dân thực sự có nhu cầu mua đất như lạc "mê hồn trận", nhất là khi giá đất liên tục bị các "cò đất" đưa lên cao mỗi ngày.
Anh Lê Văn Chơn, một người chuyên môi giới mua bán nhà đất ở Khu chợ Phú Chánh A, Thành phố Mới, Bình Dương cho biết, một tháng trở về trước, mỗi tháng anh Chơn cũng kiếm được 5 - 7 miếng đất. Nhưng một tháng trở lại đây, mỗi tháng anh Chơn chỉ làm được 1 - 2 miếng. Tăng giá là "cò" môi giới, đồn thổi...
Cơn sốt ảo giá đất nền tại Bình Dương hiện nay diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh, từ các vùng đô thị có hạ tầng tốt đến các vùng nông thôn của tỉnh. Trong "cơn sốt" đất ảo này, điều dễ nhận ra là phần lớn giao dịch chỉ diễn ra giữa giới đầu cơ hoặc "cò đất" với nhau khiến một mảnh đất bị thổi giá nhiều lần, dẫn đến "cơn sốt" ảo về giá lan rộng ra với quy mô lớn hơn.
Điều này không chỉ dẫn đến những hệ lụy khôn lường về sau do việc hình thành bong bóng bất động sản, mà còn làm gia tăng nguy cơ gây bất ổn về kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lưu ý: Việc thổi giá sốt ảo chỉ có lợi cho giới "cò đất", môi giới không lành mạnh. Còn bản thân nhà đầu tư nghiêm túc và người dân có nhu cầu chính đáng đều thiệt hại.
Để tránh các hệ lụy do tình trạng sốt giá ảo bất động sản đất nền, UBND tỉnh Bình Dương đã có sự chỉ đạo siết chặt việc phân lô, tách thửa bán nền tràn lan, trái phép trên địa bàn. Đồng thời các chuyên gia cũng khuyến cáo trước khi tiến hành giao dịch trong thời điểm nhạy cảm, người mua đất cần cân nhắc nhiều yếu tố vì nguy cơ mất tiền thậm chí thua lỗ là rất lớn.
Theo Tiến Dũng/VOV