Nhiều Dự án bất động sản của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Đô thị (HUD) trên địa bàn huyện Mê Linh, TP. Hà Nội nằm trong tình trạng chậm tiến độ nhiều năm nay, thậm chí có Dự án đang đứng trước nguy cơ "chết yểu" khiến nhiều người nghi ngại về năng lực của chủ đầu tư.
Vừa qua, Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn thư của một số người dân tại xã Thanh Lâm (Mê Linh, TP. Hà Nội) phản ánh về việc gần chục năm nay họ không còn đất nông nghiệp để canh tác sản xuất, lý do là đất nông nghiệp của các hộ dân đã rơi vào "tay" một số doanh nghiệp để thực hiện các Dự án bất động sản, điều đáng nói là dù các Dự án đã được phê duyệt xây dựng từ nhiều năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn cho "án binh bất động".
|
Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 đã chậm tiến độ tới hơn 2 năm nhưng đến nay nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng. |
Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn huyện Mê Linh có hàng chục Dự án khu đô thị, nhà ở... Đáng chú ý nhất trong đó có 3 Dự án bất động sản của HUD với hàng chục héc ta đất, mức tiền đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các Dự án cho đến nay, hoặc nằm "đắp chiếu" hoặc đã được triển khai thì cũng "ăn dầm nằm dề".
Để làm rõ về những vấn đề trên, PV đã có buổi làm việc với đại diện của HUD. Theo đó, đại diện phía HUD cho biết Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 có quy mô 53,57 ha, hiện chưa thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) do phải tạm dừng theo thông báo kết luận của UBND TP. Hà Nội từ tháng 01/2009. Trên cơ sở phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị N1, tỷ lệ 1/2000 của UBND TP. Hà Nội, HUD tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500. Ngày 26/4/2011, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Cũng theo đại diện HUD, hiện nay Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 đã hoàn thành hồ sơ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định. Sau khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chúng tôi sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Trong khi đó, đối với Dự án Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh có quy mô 136,6 ha, hiện chưa thực hiện công tác đền bù, GPMB. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt điều chỉnh địa điểm lập quy hoạch từ tháng 9/2005. Đến năm 2008, khi huyện Mê Linh sáp nhập vào TP. Hà Nội, chủ đầu tư đã lập quy hoạch trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định và UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, UBND TP. Hà Nội có ý kiến tạm dừng đợi quy hoạch phân khu N1 phê duyệt.
|
Ban Quản lý Dự án số 12 của HUD |
Ngày 28/2/2013, UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch phân khu N1, tỷ lệ 1/2000. Sau khi quy hoạch phân khu N1 được phê duyệt, HUD tiếp tục triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500. Đến ngày 7/6/2016, UBND TP. Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Sau 9 tháng, đến ngày 7/3/2017, HUD mới phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu quy hoạch chi tiết (điều chỉnh). Mặc dù vậy, đến nay, Dự án vẫn chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt theo quy định.
Còn Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 có quy mô 55,3 ha với tổng mức đầu tư 1.873,021 tỷ đồng đã thực hiện công tác đền bù, GPMB từ năm 2005 theo các quyết định phê duyệt phương án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, kinh phí phê duyệt là hơn 15 tỷ đồng, với tổng diện tích 551.289,7m2/795 hộ dân bị thu hồi. Tại xã Thanh Lâm, HUD tiến hành chi trả cho 300/301 hộ bị thu hồi đất và xã Đại Thịnh đã chi trả cho 21 hộ.
Tuy nhiên, năm 2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào TP. Hà Nội nên nhiều chính sách về đơn giá bồi thường, hỗ trợ bị thay đổi. Vì vậy, chủ đầu tư không thể tiến hành thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ theo quyết định của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn tại nêu trên, HUD đã kiến nghị Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố báo cáo, đề xuất với UBND TP. Hà Nội chấp thuận việc chi trả tiền đền bù, GPMB bổ sung theo quy định của thành phố.
Đến cuối năm 2013, công tác GPMB của Dự án này mới cơ bản hoàn thành (hiện còn 2 hộ chưa GPMB). Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, thời gian hoàn thành toàn bộ Dự án là 4 năm (đến quý 2/2015). Tuy nhiên, ngày 03/4/2017, HUD có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đến năm 2022. Nhưng đến nay, UBND TP. Hà Nội chưa cho chấp thuận điều chỉnh.
Như vậy, có thể hiểu, do cả về nguyên nhân chủ quan và khách quan, Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 đã chậm tiến độ tới hơn 2 năm nhưng đến nay nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Tại buổi làm việc, khi PV đặt vấn đề về việc tại sao Dự án Thanh Lâm - Đại Thinh 2 đã thực hiện GPMB đầu tư xây dựng một số hạng mục, hạ tầng kĩ thuật nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai, ông Ngô Duy Đông - Chánh Văn phòng HUD cho biết: "Hiện nay, Tổng công ty đã bỏ số tiền hơn 500 tỷ đồng để thực hiện chi trả và triển khai công tác thi công. Tuy nhiên, hiện do một số nguyên nhân nên Dự án đang phải điều chỉnh quy hoạch từ nhà ở xã hội 9 tầng xuống 6 tầng để phù hợp với nhu cầu của thị trường".
"Do phải điều chỉnh lại Dự án và trình lên Sở Kế hoạch và Đầu tư nên tiến độ có phần chưa đáp ứng được. Cùng với đó, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2016 thị trường Bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản thấp. Còn trong công tác GPMB, do một số hộ dân chưa nhận tiền bồi thường nên Dự án chậm triển khai".
Như vậy, có thể thấy với việc hàng loạt Dự án Bất động sản trên địa bàn huyện Mê Linh, TP. Hà Nội nằm trong tình trạng chậm tiến độ, thậm chí có Dự án đang đứng trước nguy cơ "chết yểu" đang khiến dư luận nghi ngại về năng lực của HUD.
Theo Mạnh Hưng – Duy Tân – Quốc Huy/TN&MT