Dài 90 m và chỉ vọn vẹn 20 số nhà, đường Nguyễn Thiệp (quận 1, TP.HCM) được biết đến là con đường ngắn thứ 5 của TP.HCM, chỉ đứng sau đường Đỗ Văn Sửu (45 m), Đinh Lễ (56 m), Phú Định (65 m) và đường Trần Doãn Khanh (70 m).
Là một trong những con đường có lịch sử lâu đời nhất thành phố, đường Nguyễn Thiệp có tên cũ là Carabelli, nối ngang giữa đường Catinat (từ năm 1954-1975 tên là Tự Do), nay là đường Đồng Khởi và đường Boulevard Charner, nay là đường Nguyễn Huệ.
Giá rao bán hơn 1 tỷ/m2, cho thuê 3 triệu/m2
Nằm giữa hai "con đường triệu đô" của thành phố, giá giao dịch bất động sản hiện tại trên đường Nguyễn Thiệp cũng đã ở mức hơn 1 tỷ đồng/m2.
Theo khảo sát của Công ty Gachvang, tính đến tháng 6/2019, giá giao dịch đất mặt tiền trên con đường này là 1,08 tỷ đồng/m2, giá cho thuê cửa hàng mặt tiền là khoảng 3 triệu đồng/m2.
Phóng viên thử liên hệ các số điện thoại được cung cấp trên các trang tin rao bán cho các căn nhà 2 lầu, 3 lầu, 4 lầu ở đường Nguyễn Thiệp, nhưng đều chỉ gặp nhân viên môi giới bất động sản.
Đơn cử, một căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Thiệp có diện tích 72 m2 đang được rao bán với giá 75 tỷ đồng, tương đương 1,04 tỷ đồng/m2. Trao đổi với Zing.vn, chị Phượng, nhân viên môi giới bất động sản phụ trách bán căn nhà này, cho biết đây là khu vực có vị trí trung tâm, dễ kinh doanh nhờ lượng khách du lịch đông đúc.
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh của mình, chị Mỹ Linh, 30 tuổi, quản lý một thương hiệu đồ thủ công trên đường này, cho biết: "Chủ yếu các sản phẩm đều bán cho khách nước ngoài, trong đó 90% là khách Nhật Bản. Mặt hàng cũng phù hợp với thị hiếu người nước ngoài hơn là khách Việt."
Chị kể thêm, chủ thương hiệu này bắt đầu bán hàng trên đường Nguyễn Thiệp từ 14 năm trước với xuất phát điểm chỉ là một quầy hàng vỉa hè, đến nay họ đã có 3 cơ sở trên cùng tuyến đường. Tuy nhiên, theo chị Linh, lượng khách hàng trên con đường này cũng không sầm uất như mọi người vẫn nghĩ.
Kinh doanh một thời vang bóng
Đường Nguyễn Thiệp trước đây vốn nổi tiếng với các cửa hàng bán nữ trang, kim hoàn, đồ thủ công tinh xảo... Ngoài ra, quán cà phê Brodard nằm giữa hai con đường Nguyễn Thiệp và Đồng Khởi từng là một trong những biểu tượng của giới trẻ Sài Gòn một thời.
|
Ngã ba giao giữa đường Nguyễn Thiệp với đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) với quán cà phê Brodard nổi tiếng được chụp vào khoảng năm 1967-1968. Ảnh: Flickr. |
Bà Hồng, 51 tuổi, kinh doanh tại cửa hàng số 20 Nguyễn Thiệp cho biết gia đình chị đã ở đây từ năm 1923, đến thế hệ của chị là đời thứ ba.
Vận hành một cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ của gia đình cùng với người em gái, bà Hồng nhìn nhận tình hình buôn bán trên con đường này đã không còn được như trước.
"Từ đời ông bà, ba mẹ chúng tôi đã bán các mặt hàng thủ công, sản phẩm thêu tay trên con đường này. Khoảng 15 năm trước chuyện kinh doanh rất tốt nhờ lượng khách lớn mà hàng hóa thì hiếm. Khách ngày nay chủ yếu là khách du lịch nhưng không quá sầm uất," bà Hồng nói.
Đồng thời, bà Hồng thể hiện sự ngạc nhiên khi giá đất và giá cho thuê mặt bằng ở đây bỗng trở nên cao như hiện nay. Trừ vị trí ở khu vực trung tâm, bà nghi ngờ về giá đất của con đường này đang được rao bán không đúng với giá trị kinh tế thật của nó.
Bà Hồng so sánh: "Buôn bán ở đây không giống như ngoài chợ, không có cảnh khách khứa ra vào đông đúc, nếu chiến lược kinh doanh không tốt thì cũng khó có thể tồn tại vì giá mặt bằng quá cao."
Giải thích về hoạt động kinh doanh ở đây, bà nói kinh doanh ở đây tốt là nhờ khách quen ổn định, những hợp đồng bán sỉ cho khách nước ngoài.
Trên thực tế cửa hàng của hai chị em bà Hồng đang được sử dụng như một cửa tiệm trưng bày để khách đến ghé thăm, bán một số sản phẩm nhỏ lẻ cho khách du lịch vãng lai.
"Mỗi ngày chúng tôi bán được khoảng 5-6 triệu đồng, song cũng có ngày không có khách vì sản phẩm dành cho đối tượng khách hàng đòi hỏi cao, đôi lúc họ chỉ ghé vào xem do hiếu kỳ. Rất nhiều người đến đây là khách từ thời của ba mẹ", bà chia sẻ.
Chị Mỹ Linh cũng cho biết chủ yếu là dựa vào các đơn hàng sỉ do lượng khách mua hàng trực tiếp không nhiều.
Theo Hà Bùi-Quỳnh Danh/Zing News