UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư xác định trách nhiệm của các cá nhân liên quan.
|
Khu liên cơ có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ gây lãng phí lớn. Ảnh: Trần Hoàng. |
Hàng loạt hạng mục xuống cấp
Hà Nội dự kiến chuyển 8 cơ quan, gồm các sở, ngành: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội về khu liên cơ Võ Chí Công (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay, dự án xây dựng khu liên cơ này vẫn đang công trường ngổn ngang, nhiều hạng mục còn dang dở. Ghi nhận của PV Tiền Phong những ngày giữa tháng 6/2018, dự án đã xây dựng xong 1 tòa nhà 18 tầng và một tòa nhà 14 tầng, tổng diện tích đất 4.000 m2. Tuy nhiên, công trình gần như không còn hoạt động xây dựng, thậm chí không có cả bảo vệ công trường. Nhiều loại vật liệu xây dựng tập kết dưới chân công trình.
Lý do chậm tiến độ bởi các hạng mục đang được vừa thi công chờ hồ sơ thẩm định sửa chữa. Theo Thông báo số 368/CGĐ-CGĐ2 ngày 2/6/2016 của Cục Giám định nhà nước về công trình xây dựng – Bộ Xây dựng thì tại một số sàn (của cả phần ngầm, khối đế và khối cao tầng; ram dốc lên xuống tầng hầm) có hiện tượng nứt kết cấu dầm sàn. Các vết nứt tập trung chủ yếu vào các nút liên kết các dầm sàn.
Các vết nứt xuất hiện đáy dầm và thường có dạng cắt ngang dầm tại các nút liên kết, hoặc có dạng nối các góc chéo của nút liên kết. Nhiều vết nứt kéo dài đến hết bề rộng đáy dầm và lan hết chiều cao của dầm. Ngoài ra, Cục Giám định còn chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến hệ vách kính không đảm bảo tiêu chuẩn, khối tường không có giằng trụ…
Cục Giám định yêu cầu chủ đầu tư tổ chức khảo sát, lập hồ sơ theo dõi các vết nứt, quan trắc diễn biến các vết nứt, đánh giá chất lượng các kết cấu bê tông bị nứt và có giải pháp xử lý triệt để, đảm bảo khả năng chịu lực của kết cấu. Trường hợp các vết nứt qua theo dõi thấy có sự phát triển thì cần thuê tổ chức tư vấn kiểm định đánh giá và xử lý triệt để. Đối với các dầm, sàn chưa thi công, yêu cầu thiết kế cần có tính toán kiểm tra cấu tạo lại, rồi mới thi công để tránh tiếp tục bị nứt.
Ngày 1/12/2017, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố Hà Nội (BQL DA) về việc bổ sung hồ sơ thẩm định thiết kế bản vẽ thi công. Sở Xây dựng khẳng định chưa đủ điều kiện để thẩm định bản vẽ thi công dự toán các hạng mục ảnh hưởng đến công năng sử dụng, phương án thiết kế kiến trúc của công trình. Đề nghị BQL DA bổ sung ý kiến của Sở QH-KT về phương án thiết kế kiến trúc điều chỉnh; Bổ sung hồ sơ thẩm duyệt thiết kế PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC theo phương án thiết kế điều chỉnh…
Dự án tiếp tục chậm
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lương Thanh Phong, Phó Giám đốc BQL DA thẳng thắn thừa nhận những sai sót của dự án cũng như việc chưa định lượng được hết khối lượng công việc khi tiếp nhận dự án từ Sở Khoa học & Công nghệ thời điểm tháng 2/2017. Ông Phong cho biết, khi thành phố có chủ trương chuyển đổi công năng dự án thành khu làm việc của 8 sở ngành thì BQL DA mới bắt đầu bổ sung giấy tờ, thỏa thuận về nguồn vốn, về quy hoạch tổng mặt bằng, PCCC… không khác gì làm dự án mới.
Đến tháng 4/2018, UBND thành phố Hà Nội mới có Quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội tại khu X2 với tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh là hơn 1.000 tỷ đồng. Tiến độ dự án điều chỉnh là hoàn thành khối nhà 16 và 27 tầng để đưa các sở ngành về làm việc trong quý III/2018; Hoàn thành khối nhà 7 tầng bổ sung và toàn bộ dự án trong tháng 6/2019. Tuy nhiên, lãnh đạo BQL DA xác nhận dự án không kịp tiến độ điều chỉnh, ít nhất tháng 12/2018 mới có thể đưa vào sử dụng 2 khối nhà 16 và 27 tầng.
Trả lời về hiện tượng nứt dầm sàn, vách kính không đảm bảo chất lượng mà Cục Giám định đã chỉ ra, ông Phong cho rằng thời điểm Cục Giám định chỉ ra sai sót vào tháng 6/2016 khi BQL DA chưa tiếp nhận dự án. Chủ đầu tư khi đó là Sở KH&CN Hà Nội đã biết và đưa ra một số giải pháp xử lý nhưng nhiều nội dung khắc phục chưa triệt để. Đến khi tiếp nhận dự án, BQL DA tiếp tục cho rà soát, đưa ra các biện pháp xử lý tồn tại, báo cáo Cục Giám định. Ví dụ như công trình 27 tầng, BQL DA đã đề nghị thêm cột thép C3 để tăng tính chịu lực cho công trình, việc này đã được Sở Xây dựng thẩm duyệt bản vẽ thi công. Sau khi lắp cột thép, đơn vị sẽ tiến hành chất tải, thử tải và mời cơ quan chức năng kiểm tra.
Ông Phong cho biết thêm, một số vấn đề như vách kính, dầm sàn không đảm bảo tiêu chuẩn cũng đang được chỉ đạo xử lý để giải quyết dứt điểm. Nhưng còn nhiều phức tạp vì khi chuyển đổi dự án thành khu liên cơ cho hơn 1.600 người vào làm việc thì cần kết nối hạ tầng tương ứng. Bên cạnh đó, theo yêu cầu của thành phố thì đây phải là văn phòng hạng A, tức là phải có hệ thống nước uống tại vòi, xử lý nước thải tiêu chuẩn…
Được biết, ngày 5/6/2018 Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ra Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng về việc giải quyết khó khăn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Trung tâm giao dịch khu công nghệ thường xuyên Hà Nội – Khu liên cơ Võ Chí Công. Theo đó, giao Sở Khoa học Công nghệ kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các nội dung thực hiện tại giai đoạn làm Chủ đầu tư liên quan đến quá trình thực hiện dự án. Xác định trách nhiệm của Sở, cá nhân liên quan, phối hợp xử lý đối với các nội dung thiết kế thi công hạng mục vách kích ngoài nhà, kết cấu công trình.
Dự án Khu liên cơ Võ Chí Công là công trình trọng điểm của UBND thành phố Hà Nội, quy mô dự án gồm 3 khối nhà, cao 27, 16, và 7 tầng, trên khu đất 7.270m2. Xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, tổng mức đầu tư là hơn 1.022 tỷ đồng. Dự án này ban đầu do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội làm chủ đầu tư, đến tháng 2/2017, chính thức bàn giao lại dự án cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội. Khi bàn giao cơ bản xong phần thô của tòa nhà 27 và 16 tầng.
Theo Trần Hoàng/Tiền Phong