Gần 5.000 m2 đất vàng 8 - 12 Lê Duẩn chỉ thu hơn 700 tỷ đồng
Trưường hợp mới đây nhất là khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn, TP HCM có diện tích 4.896 m2 thuộc sở hữu nhà nước ban đầu do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở làm việc. 4 đơn vị này gồm Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí Thành phố, Công ty Cổ phần Hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO).
Đến năm 2010, 4 công ty trên (sau này là cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue) đã đồng ý chuyển nhượng phần góp vốn tại Lavenue cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).
Sau khi chuyển nhượng Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue có vốn 2.100 tỷ đồng gồm 3 cổ đông là Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh Nhà Tp.HCM (tỷ lệ 20%), Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm( tỷ lệ 30%) và Công ty TNHH Đầu tư Kido, chiếm tỷ lệ 50%.
Đến tháng 6/2011, UBND TP HCM đã có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8 - 12 Lê Duẩn để đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm.
|
Khu đất vàng số 8 - 12 Lê Duẩn. Ảnh: Zing. |
Vụ đất vàng cho thuê rẻ mạt: ông Nguyễn Thành Tài có trách nhiệm. Nguồn: Tuổi trẻ.
Trong đó, duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình xây dựng trên đất tại số 8 - 12 Lê Duẩn (3.433m2), theo giá trị trường là hơn 621,7 tỷ đồng. Duyệt đơn giá thuê đất tại số 8 - 12 Lê Duẩn theo giá thị trường là hơn 3,5 triệu/m2/năm. Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và nộp tiền thuê đất đến 30/6/2016 vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất số 8 -12 Lê Duẩn.
Theo Thanh tra Chính phủ, khu đất có lợi thế đặc biệt về thương mại do có 3 mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 (đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Văn Chiêm) và gần kề Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà. Cần thiết phải áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao hơn đơn giá Sở Tài chính đề xuất và trình UBND TP HCM phê duyệt.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất vàng số 8 - 12 đường Lê Duẩn để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách.
Với giá hiện tại trên thị trường trên mặt đường Lê Đuẩn khoảng 400 triệu đồng/m2, nếu đấu giá khu nhà đất số 8 - 12 Lê Duẩn sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất có thuận lợi là hiện tại dự án chưa triển khai xây dựng mà đang làm bãi giữ xe.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc UBND thành phố không tham khảo ý kiến tham mưu cơ quan chuyên môn, chưa nhận được sự phản hồi từ các cơ quan chuyên môn đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án, dẫn đến giảm nguồn thu cho ngân sách; giảm tỷ lệ cổ phần góp vốn của nhà nước từ 50% xuống còn 20%. Việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Khu đất "khủng" 30 ha giá "bèo" Phước Kiển
Trước đó, dự án Khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TPHCM và đối diện với nhiều khu đô thị hiện đại có đến hơn 30ha được chuyển nhượng từ đất công giá rẻ cũng gây xôn xao dư luận.
Theo đó, hơn 30ha đất trong dự án Phước Kiển trước đây thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM). Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng cho QCG vào năm 2017 với giá 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2.
|
Dự án Khu dân cư Phước Kiển được công ty Tân Thuận bán cho QCG với giá hơn 419 tỷ đồng. Ảnh: Zing. |
Không đồng ý việc bán chỉ định đối với dự án này, ngày 18/4, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã họp khẩn và chỉ đạo yêu cầu Công ty Tân Thuận đàm phán với Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng.
Khu đất "vàng" ở Đà Nẵng: Gọi giá 83 tỉ, bán 45 tỉ
Tương tự, theo thông tin đăng tải vào tháng 9/2017 trên báo Tuổi trẻ, khu đất "vàng" ở số 16 Bạch Đằng trước đây là trụ sở của Sở Tư pháp Đà Nẵng. Khu đất này rộng gần 2.000m2, nằm ở vị trí hai mặt tiền đường Trần Phú và Bạch Đằng, quận Hải Châu.
|
Khu đất "vàng" 16 Bạch Đằng. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Ngày 12/6/2014, ông Võ Duy Khương - lúc đó là phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - đã ký quyết định đưa ra đấu giá khu đất và nhà số 16 Bạch Đằng với giá khởi điểm hơn 83 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó việc đấu giá khu đất này bị yêu cầu dừng lại.
Bất ngờ, chỉ một thời gian sau, khu đất và nhà được giao cho Công ty cổ phần Bắc Nam 79 với giá 45 tỉ đồng. Đến cuối năm 2016, tại khu đất này chủ đầu tư rầm rộ khởi công làm dự án nhà cao tầng.
Đầu năm 2017, khi Thanh tra Chính phủ tiến hành khảo sát để thanh tra một số dự án, chủ đầu tư dừng lại mọi hoạt động.
Hàng trăm lô "đất vàng" đấu giá bèo tại Thanh Hóa
Năm 2017, vụ việc gần 400 lô đất thuộc mặt bằng “đắc địa” ở TP Thanh Hóa, được đưa ra đấu giá khi chưa thực hiện đúng các quy trình, thủ tục về niêm yết, công khai; đơn vị trúng đấu giá cũng chỉ ở mức giá “bèo” đã khiến dư luận bức xúc.
Ngày 19/9/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Thị Thìn ký quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1) Dự án Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc Khu đô thị Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Vị trí khu đất nằm trên địa bàn phường Đông Hải, diện tích đưa ra đấu giá đợt 1 này là 57.908,24m2 (gồm 375 lô đất, thuộc mặt bằng quy hoạch của TP Thanh Hóa).
Hiện trạng khu đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và hoàn thành cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt. UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã phê duyệt giá khởi điểm cho khu đất đấu giá là 534.311.800.000 đồng, giá cụ thể theo 1m2 là 7.500.000 đồng.
Trung tâm Phát triển quỹ đất, đơn vị được UBND TP Thanh Hóa giao là đầu mối chính trong việc đấu giá khu đất, ký hợp đồng với Công ty bán đấu giá tài sản Năm Châu thực hiện việc đấu giá 375 lô đất này.
Ngày 22/1/2018, đơn vị này đã tổ chức bán đấu giá khu đất nói trên. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Nakama Việt Nam.
Điều ngạc nhiên là trong thương vụ đấu giá này chỉ vẻn vẹn có 2 đơn vị tham gia đấu giá và kết quả trúng đấu giá quá bất ngờ là 437.786.300.000 đồng, chỉ cao hơn giá sàn hơn 3 tỷ đồng/375 lô đất vàng.
Đáng nói hơn, giá đất ở các khu vực xung quanh mặt bằng này cao hơn rất nhiều: mặt đường chính Lê Lợi có nơi lên đến 50 triệu/m2, mặt đường bên trong các khu dân cư dao động từ 15-23 triệu đồng/m2. Điều này chứng tỏ Nhà nước cũng mất hàng trăm tỷ ở khu “đất vàng” đấu giá “bèo” này.
Nghệ An: Hơn 6.500m2 "đất vàng" áp mức giá bèo
Ngày 19/1/2017, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh, bổ sung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng Trường tiểu học Hưng Phúc theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) tại phường Hưng Phúc, TP Vinh với tổng vốn đầu tư hơn 51 tỉ đồng.
Tổng diện tích đất để thực hiện GPMB, phục vụ cho việc xây dựng dự án là 11.291,6m2.
|
Khu đất đang làm “dạy sóng” dư luận ở Nghệ An những ngày qua. Ảnh: TN&MT. |
Ngày 15/12/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại đã ký Quyết định phê duyệt mức giá cho nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Viễn Đông INVEST chỉ có 5,661 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản thì với vị trí đắc địa nằm ở trung tâm Tp Vinh thì giá đất đó là quá rẻ (giá trên thị trường không dưới 10 triệu đồng/m2.
Còn đại diện các tổ chức đấu giá đất cho biết, nếu đưa 6.545,4m2 ở khối Yên Bình, phường Hưng Phúc ra đấu giá công khai thì Nhà nước sẽ thu về hàng trăm tỷ đồng.
Hồng Liên (Tổng hợp)