|
Bảo tàng Hà Nội - không gian sáng tạo kết nối nhiều thế hệ của Thủ đô. |
Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế. Đây là cơ hội cũng là thách thức lớn để Thủ đô định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thúc đẩy sáng tạo và công nghiệp văn hóa.
Thời gian qua, Thành phố đã có những bước đi cụ thể nỗ lực thực hiện các giải pháp để củng cố vị thế, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo. Với sứ mệnh là một Trung tâm điều phối các không gian sáng tạo Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội đã và đang có nhiều hoạt động kết nối, điều phối các không gian sáng tạo đô thị Thủ đô.
Ngày 7/11, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra tọa đàm: “Truyền thống – Văn hiến – Mạch dẫn không gian sáng tạo đương đại”. Đông đảo các chuyên gia đã đi tìm lời giải cho vấn đề: Làm thế nào để thế hệ trẻ có thể kết nối với văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động sáng tạo? Làm thế nào để các hoạt động trong không gian sáng tạo của bảo tàng giúp lan tỏa giá trị văn hóa Thủ đô ra các vùng miền khác, và thậm chí là quốc tế? Trong bối cảnh Hà Nội ngày càng phát triển, làm sao để giữ được nét truyền thống trong không gian sáng tạo mà không bị “hòa tan” bởi các yếu tố hiện đại...
Các ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý cho thấy sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong các hoạt động sáng tạo tại Bảo tàng Hà Nội có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của văn hóa Hà Nội.
|
Khu nhà cổ được xây dựng theo phong cách những cửa hiệu của Hà Nội xưa. Ảnh: @quanh2206 |
TS. Nguyễn Quang (kiến trúc sư, nhà quy hoạch và quản lý đô thị) khẳng định, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành phố văn hiến, văn minh và hiện đại, không chỉ giàu mạnh về tiềm lực kinh tế, mà còn phải phát triển bền vững về văn hoá. Bảo tàng Hà Nội chính là “Điểm nối văn hóa lịch sử với tình yêu Hà Nội”. Hà Nội là nơi hội tụ rất nhiều tài nguyên văn hóa với bề dày lịch sử cả nghìn năm. Rất ít thủ đô trên thế giới có được những "lớp lang" lịch sử, thiên nhiên, con người phong phú và giàu có như vậy. Đây chính là những nguồn lực, tiềm năng mà Hà Nội cần khai thác để phát triển ngày càng vững mạnh.
Theo TS. Nguyễn Quang “văn hóa” chính là ngọn đuốc soi đường định hướng cho sự phát triển sáng tạo của Thủ đô. Năm 2018 đóng góp của công nghiệp sáng tạo vào Hà Nội đã khoảng 1,49 tỷ USD. Văn hóa là con đường, là mục tiêu, là động lực phát triển cho đất nước, đồng thời cũng đem lại những giá trị vật chất rất cụ thể.
Văn hóa dân tộc là chìa khóa
GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng, trong thế giới phẳng hiện nay, sự khác biệt của một quốc gia là văn hóa. Không có những bài học nghìn năm về tinh thần dân tộc, đất nước sẽ rất bất ổn. Những câu chuyện lịch sử, huyền thoại của bà, của mẹ, nằm trong tiềm thức mỗi con người chính là dòng chảy kết nối.
Sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại chính là tâm linh, hồn thức của dân tộc (thần phật, linh vật). Dân tộc chúng ta sống bằng huyền thoại nhiều. Nếu mất đi những câu chuyện, lời ru của mẹ, chúng ta không còn gì.
|
GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính chia sẻ cùng các diễn giả tại tọa đàm. |
Theo GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính, cá nhân một người không thể tạo được dòng chảy văn hóa mà phải cả một thế hệ chung tay. Muốn trở thành điểm kết nối văn hóa, Bảo tàng Hà Nội phải lưu giữ lại những câu chuyện, những giá trị văn hóa từ những chi tiết rất nhỏ như: sáng tạo trong đón tiếp khách tham quan; xã hội hóa các hoạt động sáng tạo; kết nối du lịch; thu tiền tham quan để đầu tư bảo tồn văn hóa...
Tiếp xúc với tầng lớp tri thức trẻ, Giảng viên trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) Ths. Phạm Minh Quân cho rằng, không gian Bảo tàng Hà Nội là giao hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ngôn ngữ của bảo tàng là sự trò chuyện đối thoại giữa mạch quá khứ và ngày nay, là không gian lý tưởng cho sáng tạo văn hóa trong đời sống đương đại.
Khi văn hóa ngoại lai quá nhiều thì để định vị được con người “anh là ai” người ta phải tìm tới tính tộc loại. Ngày nay có một xu hướng rất tích cực là, giới trẻ dù ở lĩnh vực nào cũng có tâm niệm bên cạnh kỹ thuật, kỹ nghệ phương Tây, lợi thế cạnh tranh, cái đặc sắc, đặc biệt chính là văn hóa Việt. Đặc biệt, Hà Nội có đa tầng văn hóa sâu sắc. Nhiều người trẻ đã liên kết truyền thống với những phương thức biểu đạt mới. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, văn hóa Việt Nam với thế hệ trẻ luôn luôn có sự phát triển. Sự phát triển đó được định vị bằng chính sợi dây neo đậu trở về với hồn cốt bản thể dân tộc.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức của thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống có thể mờ nhạt. Nhưng, người trẻ bây giờ là một thế hệ rất tài năng, giàu sức sáng tạo. Nếu chúng ta đánh thức thế hệ trẻ sẽ tạo ra những hơi thở đương đại mới cho những yếu tố về truyền thống và lịch sử. Đây sẽ là yếu tố để khẳng định sự tồn tại của văn hóa Việt cũng như văn hóa Thủ đô.
Đồng quan điểm, GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính cho rằng, kiến trúc đô thị phải gắn với con người, không gian văn hóa phải đến từ những giá trị thực cụ thể là thị giác. Đi dạo trong một công viên, ngồi ngắm một bức tượng, tưởng là hư vô nhưng lại kích thích con người liên tưởng tới những câu chuyện, những ước mơ. Không gian đô thị tưởng đơn giản nhưng lại thắp lên trí tưởng tượng, tạo nền tảng tương lai cho thế hệ sau. Do vậy, Thủ đô Hà Nội cần có những định hướng đổi mới sáng tạo trong quy hoạch xây dựng không gian đô thị mà câu chuyện bắt nguồn từ văn hóa dân tộc.
|
Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện Linh” của GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội. |
Nằm trong chuỗi kế hoạch hoạt động của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về việc hình thành mạng lưới các không gian sáng tạo và triển khai tổ chức hoạt động trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo, sáng ngày 10/11/2024 sẽ diễn ra Triển lãm gốm nghệ thuật “Hiện Linh” của GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính tại không gian sáng tạo ngoài sân vườn của Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm giới thiệu gần 200 tác phẩm gốm điêu khắc lần đầu được ra mắt của GS.VS Hoạ sĩ Ngô Xuân Bính với những cách thể hiện, công nghệ mới chưa xuất hiện tại bất kỳ một cuộc triển lãm nào tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những sự kiện tiêu biểu nhất trong chuỗi các hoạt động tại không gian sáng tạo của Bảo tàng Hà Nội.
Nhất Nam