Thêm một nghi án “bán” đất công giá bèo ở TP.HCM

Google News

Khu đất công gần 1ha tọa lạc cạnh Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7) được một doanh nghiệp nhà nước “chuyển nhượng dự án” cho tư nhân với giá chỉ hơn 102 tỷ đồng.

Điều đáng nói, việc “chuyển nhượng dự án” này chỉ mang lại cho doanh nghiệp trên khoản lãi hơn 16,8 tỷ đồng và trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp này vẫn tồn tại nhiều nghi vấn về việc “bán” đất công với mức giá... bèo.
Tranh cãi việc “chuyển nhượng dự án” không cần đấu giá?
Theo nội dung đơn tố cáo của ông Hứa Văn Hải (sinh 1958), hiện đang làm việc tại Công ty CP Kim khí TP.HCM - Vnsteel (mã chứng khoán HMC), lãnh đạo HMC đã bán đất công (khu đất 9.125m2, tại số 370 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM) với giá rất... bèo cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đang gây ra nhiều tranh cãi và nghi vấn.
Cụ thể, đơn ông Hải cho biết, khu đất công này trước khi cổ phần hóa vào năm 2005, tài sản này của nhà nước (NN) giao cho HMC thuê đất. Khi cổ phần hoá, khu đất được xem là tài sản của NN góp vốn vào DN để tham gia cổ phần hoá. Năm 2013, HMC đã đóng tiền sử dụng đất 87 tỷ đồng để thực hiện dự án bất động sản. Tuy nhiên, năm 2016, lãnh đạo HMC đã cho chuyển nhượng toàn bộ khu đất trên cho DN tư nhân là Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh với giá hơn 102 tỷ đồng mà không thông qua đấu giá.
“Việc chuyển nhượng tài sản có vốn NN như thế là trái quy định của luật pháp, gây thiệt hại cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng”, ông Hải nhận định.
 Đơn tố cáo lãnh đạo HMC của ông Hứa Văn Hải. Ảnh: Quốc Hải.
Trước tố cáo trên của ông Hải, Tổng Công ty Thép Việt Nam (đơn vị nắm giữ 55,6% vốn NN tại HMC) đã vào cuộc xác minh và trả lời ông Hải.
Cụ thể, tại Công văn số 322/VNS-TCNS (ký ngày 16.3.2018) gửi ông Hứa Văn Hải, ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Thép Việt Nam đã trả lời rằng: HMC chuyển nhượng dự án cho đối tác có năng lực để tiếp tục triển khai dự án theo hồ sơ pháp lý đã được các cơ quan thẩm quyền tại TP.HCM phê duyệt. Tại thời điểm đó, dự án chung cư đã được chính quyền phê duyệt, có quy hoạch 1/500, đã bồi thường, giải phóng mặt bằng, không tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất và đã có giấy chứng nhận QSDĐ, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển nhượng toàn bộ dự án.
Theo công cụ định giá đất bằng thuật toán tự động của trang gachvang.com thì giá đất khu vực đường Nguyễn Văn Quỳ phường Phú Thuận quận 7 TP.HCM là gần 72 triệu đồng/m2 trong tháng 5.2018. Một môi giới bất động sản khu vực quận 7 cho biết giá nhà đất khu vực này dao động từ 55 – 80 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí và diện tích.
Cũng theo công văn này, HMC “xin chuyển nhượng toàn bộ dự án”, mà “không trình việc bán khu đất”. Việc chuyển nhượng đã được UBND TP.HCM chấp thuận. HMC có đủ cơ sở pháp lý (Điều 49 - Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014) để chuyển nhượng toàn bộ dự án, chứ không phải bán đất.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề đấu giá, theo Tổng Công ty Thép Việt Nam thì HMC “tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành” do Luật Đấu giá được ban hành ngày 27.11.2016 và tới ngày 1.7.2017 mới có hiệu lực thi hành, trong khi việc chuyển nhượng dự án này của HMC thực hiện năm 2015-2016, ên theo hình thức “chào giá cạnh tranh” là phù hợp.
Nhiều “bất thường” xoay quanh vấn đề chuyển nhượng
Thực tế, theo tìm hiểu của Dân Việt, trong bản cáo bạch phát hành cổ phiếu năm 2005 (tại trang 49), có ghi rõ khu đất trên là kho chứa hàng (QĐ số 5641/QĐ-UBND ngày 4/11/2005 của UBND TP.HCM). Sau khi cổ phần hóa, khu đất trên được Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM ký hợp đồng cho thuê theo từng năm, đây là đất sạch không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất...
Đến năm 2013, HMC đã đóng tiền sử dụng đất 87 tỷ đồng để thực hiện dự án bất động sản. Như vậy, với việc NN nắm giữ 55,6% vốn, thì đương nhiên dự án chung cư tại khu đất 9.125m2 này có giá trị vốn NN rất lớn, bởi trong số 87 tỷ đồng tiền sử dụng đất mà HMC nộp để có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có 55,6% số tiền này là từ Ngân sách Nhà nước (khoảng 48,4 tỷ đồng).
Tuy nhiên, việc “sang nhượng” cho DN tư nhân với giá chỉ hơn 102 tỷ đồng, có thể thấy khu đất này được “định giá” quá bèo. Chỉ mang lại cho HMC khoảng lãi 15 tỷ đồng.
 Phối cảnh dự án Luxgarden - Dự án nằm trên khu đất 9.125m2, tại số 370 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, Quận 7. Ảnh: IT.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Xuân, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kim khí TP.HCM - Vnsteel (từ nhiệm từ 1.7.2015), cho biết, sau khi cổ phần, khu đất trên được Sở Tài nguyên Môi trường ký cho thuê hằng năm. Sau đó HMC đã lập thành kho hàng và là đất thuê nên không ghi nhận giá trị trong tài sản cố định của HMC.
“Thời điểm tôi làm, tôi cố gắng tìm cách xây dựng nó chứ không có nghĩ chuyện bán, có nhiều đơn vị đặt vấn đề mua lại nhưng tôi chỉ đồng ý góp vốn xây dựng 50%”, ông Xuân nói.
Liên quan đến việc liệu có hay không chuyện HMC đã bán đất công giá rẻ? Ông Xuân cho biết: “Nếu dự án đó đã xây dựng rồi thì nó sẽ là hàng hóa, khi đó thì DN có quyền bán. Còn nếu chưa xây dựng thì không thể gọi lô đất đó là hàng hóa được mà phải coi là tài sản. Đã là tài sản thì phải thông qua luật quy định. Tôi không biết lúc đó dự án này đã hình thành chưa nên tôi không trả lời được”.
Để tìm hiểu rõ hơn về khu đất này, chúng tôi đã liên lạc với ông Đặng Huy Hiệp để tìm hiểu những thông tin liên quan nhưng ông Hiệp cho biết đang có việc gia đình nên qua tuần sau hãy liên lạc lại.
Trong khi đó, theo BCTC năm 2016 đã kiểm toán của HMC, đơn vị này thông tin: Năm 2016 công ty đã chuyển nhượng dự án chung cư số 370 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh. Giá chuyển nhượng của dự án là 102.157.440.000 đồng, các chi phí liên quan đến chuyển nhượng dự án là 85.333.748.464 đồng; lãi chuyển nhượng dự án là 16.823.691.536 đồng...
Điều bất thường là, theo Nghị quyết số 05/NQ-KK (ký ngày 18.1.2016) về việc chuyển nhượng dự án chung cư số 370 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM do HMC công bố, đã chấp nhận chuyển dự án này cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh. Trong khi đó, theo công văn số 322/VNS-TCNS (ký ngày 16.3.2018) của Tổng Công ty Thép Việt Nam có giải thích: “Việc chuyển nhượng dự án của công ty cho bân nhận chuyển nhượng đã được UBND TP.HCM chấp thuận tại văn bản số 5450/QĐ-UBND ngày 17.10.2016.
Như vậy, việc chuyển nhượng này phải chăng đã diễn ra trước thời gian UBND TP.HCM chấp thuận?
Theo Luật sư Phạm Đình Bắc - Đoàn Luật sư TP.HCM, điều 38, Nghị định số 91 do Chính phủ ban hành ngày 13.10.2015 về đầu tư vốn NN vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN có quy định cụ thể việc chuyển nhượng vốn NN đầu tư tại công ty cổ phần. Theo đó, DN chuyển nhượng vốn NN phải “bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch”. Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu “việc xác định giá khởi điểm đối với phần vốn NN trước khi tổ chức bán đấu giá công khai hoặc thỏa thuận được thực hiện thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá đảm bảo xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn NN tại DN, bao gồm cả giá trị được tạo bởi giá trị quyền sử dụng đất…”.

Theo Quốc Hải - Nam Sơn/Dân Việt