Theo CBRE, đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 300.000 phòng lưu trú, trong khi đó, hiện nay các thành phố du lịch lớn chỉ mới đáp ứng được khoảng 102.758 phòng khách sạn. Tính ra từ nay đến năm 2020, các thành phố du lịch lớn tại Việt Nam cần thêm khoảng gần 78.000 phòng khách sạn lưu trú. Đây là những con số hết sức ấn tượng và "màu mỡ" cho giới đầu tư địa ốc.
Căn hộ cao cấp và siêu cao cấp: Sẽ dẫn dắt thị trường?
Theo Báo cáo Thị trường BĐS năm 2017 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận nguồn cung phân khúc căn hộ cao cấp và siêu cao cấp với mức giá từ 35 – 45 triệu đồng/m2 chiếm khoảng 12,2% tổng nguồn cung căn hộ tại Hà Nội, tập trung ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và Tây Hồ. Về lượng giao dịch thành công, phân khúc căn hộ cao cấp chiếm khoảng 6%.
Còn tại TP HCM, phân khúc căn hộ cao cấp giá bán từ 35 – 45 triệu đồng/m2 được đánh giá là có sức tiêu thụ tốt, tuy nhiên nguồn cung chỉ chiếm gần 20% tổng cung sản phẩm mới.
Do quỹ đất tại khu vực trung tâm (quận 1, quận 2, quận 3, quận 4 và quận 7 – khu Phú Mỹ Hưng) ngày càng khan hiếm nên hầu hết các dự án tại đây đều được chủ đầu tư ưu tiên phát triển căn hộ phân khúc siêu cao cấp có giá bán trên 45 triệu/m2.
Thậm chí, gần đây còn có chủ đầu tư “mạnh tay” phát triển căn hộ có mức giá đến hơn 70 – 100 triệu đồng/m2, tỷ trọng sản phẩm phân khúc này chiếm 10,9% tổng nguồn cung căn hộ mới. Do sản phẩm không nhiều và biên độ lợi nhuận cao nên các chủ đầu tư phân khúc căn hộ cao cấp vẫn ưu tiên phát triển dòng sản phẩm này nếu họ có trong tay quỹ đất có vị trí phù hợp.
Thị trường TP HCM cũng ghi nhận một lượng không nhỏ số giao dịch sản phẩm chung cư ở phân khúc siêu cao cấp (có giá bán trên 45 triệu đồng/m2), chiếm 11,2% tổng lượng giao dịch căn hộ; phân khúc cao cấp chiếm 29,6%.
Theo Báo cáo thị trường BĐS năm 2017 của DKRA, giá bán của phân khúc căn hộ hạng A tại TP HCM cũng đã thiết lập mặt bằng mới khi vào năm 2012 dòng sản phẩm này có mức giá trung bình khoảng 33 triệu đồng/m2 thì nay rơi vào khoảng 55 triệu đồng/m2.
Phân khúc trung cấp và bình dân: Tăng trưởng nóng?
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhìn tổng thể, thị trường bất động sản năm 2017 đã tăng trưởng trở lại với mức tăng khoảng 4,07% so với năm 2016. Phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền (loại trung cấp và bình dân) đáp ứng nhu cầu thực của người tiêu dùng vẫn là chủ đạo, chiếm 74% thị phần, có tính thanh khoản cao và phát triển bền vững, nhưng vẫn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu.
HoREA còn nhận định năm 2018, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản.
Đất nền: Sẽ tiếp tục tăng giá?
Giới đầu tư cũng nhận định đất nền sẽ tiếp tục là loại hình bất động sản được ưa chuộng trong năm 2018, nhiều khả năng bùng nổ giao dịch vì khan hiếm nguồn cung.
Tại TPHCM, cơn sốt đất nền bùng phát từ cuối năm 2016, kéo dài đến giữa năm 2017 đã khiến mặt bằng giá đất tăng lên chóng mặt. Mặc dù đã hạ nhiệt do thành phố đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn kịp thời, giới đầu tư vẫn nhận định đất nền nhiều khả năng sẽ bùng nổ giao dịch vì khan hiếm nguồn cung.
Dự báo từ phía công ty tư vấn thị trường bất động sản DKRA Việt Nam cũng cho rằng giá đất nền sẽ ngày càng tăng mạnh do loại hình này được người Việt ưa chuộng bởi tính ổn định và bền vững.
DKRA Việt Nam kết luận: Trong năm 2018, đất nền sẽ tăng giá do quỹ đất của TP.HCM đang dần khan hiếm. Mặt khác, mức thu nhập trung bình của gia đình trẻ đang tăng lên, sự trẻ hóa đối tượng mua bất động sản cùng sự linh hoạt trong chính sách bán hàng của chủ đầu tư đã tác động rất lớn đến tâm lý và tính thanh khoản của thị trường, kích thích giá bán tăng.