Liên quan đến tình trạng mua bán đất bằng hợp đồng góp vốn, gây sốt đất ảo quanh dự án sân bay Long Thành, theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, mới đây, UBND huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã ra cảnh báo khuyến cáo người dân trong khu vực dự án không mua bán, chuyển nhượng các đất nền sai quy định, đặc biệt là các xã Long Phước, An Phước, Lộc An, Bình Sơn…
Trước khuyến cáo của UBND huyện Long Thành, dự luận băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao không nên mua bán đất quanh sân bay Long Thành?
Sốt ảo, bùng nổ chiêu trò thổi giá
Theo đó, để dự phòng cho quy hoạch sử dụng đất quanh khu vực sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai dự kiến quy hoạch 21 ngàn hécta đất một số xã trên địa bàn huyện Long Thành.
Mặc dù hoạch chưa được lập thế nhưng, dọc các tuyến quốc lộ 51, tỉnh lộ 769 chạy qua các xã Long An, Phước Thái, Bình Sơn… của huyện Long Thành đã xuất hiện dày đặc các bảng quảng cáo treo cột điện, nhân viên tiếp thị ra tận đường phát tờ rơi quảng cáo... và tùy theo diện tích, giá đất được rao bán từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
|
T.A.R (xã An Phước) - một DA “chui”, được giới thiệu là vị trí đẹp nhất tại khu vực dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: SGGP. |
Thậm chí, nhiều công ty dù chỉ là môi giới bất động sản nhưng đã tự xưng là chủ đầu tư, rao bán hàng loạt dự án đất nền tại huyện Long Thành. Các chiêu thức bán hàng rất giống nhau như rao bán dự án với nhiều tiện ích kiểu như: gần sân bay Long Thành, gần trung tâm thương mại, với mức sinh lời cao và kêu gọi khách mua bằng các loại hợp đồng như góp vốn, đặt cọc để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đã có không ít người vì mong muốn “làm giàu” đã đổ tiền mua để rồi phải “vỡ mộng” với nhiều hệ lụy.
Báo Giao thông dẫn giải, vào giữa năm 2015, khi thông tin về sân bay Long Thành còn chưa chính thức, giá đất tại đây khi đó chỉ khoảng 300-500 nghìn đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay giá đất sau nhiều lần sang tay, với nhiều viễn cảnh được vẽ nên bởi các tay cò, môi giới đến nay đã tăng lên tới 4 triệu, thậm chí là 8 triệu đồng/m2.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, giá đất ở khu vực giáp sân bay Long Thành đã tăng khoảng 500%, thậm chí có nơi tăng tới 800% và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Không chỉ quanh sân bay Long Thành, đất cách khu vực sân bay khoảng 15km về huyện Nhơn Trạch cũng được các cò đất đẩy giá lên từng ngày vì… gần sây bay và dự kiến sắp xây cầu Cát Lái.
Mặc dù tỉnh Đồng Nai đã có quyết định tạm dừng toàn bộ việc tách thửa, việc mua bán, sang nhượng thế nhưng, bất chấp pháp luật, nhiều đối tượng đầu cơ mua đất nông nghiệp quanh dự án sân bay vẫn cố tình vẽ ra các quy hoạch với cam kết lợi nhuận khủng lên đến cả tỷ bạc, sau đó, phân lô bán nền trục lợi dưới hình thức chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua việc lập vi bằng.
Theo nhiều chuyên gia địa ốc, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng hình thức trên sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch. Hơn nữa đây chỉ là chiêu trò của một số nhà đầu tư lớn khiến giá đất trên thị trường tăng cao, tạo ra sốt ảo....
Tiền mất tạt mang
Trao đổi trên báo Đầu tư, ông Nguyễn Đăng Quỳnh, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Hiển Vinh nhận định, thị trường địa ốc Long Thành sôi động, tăng giá là do những nhà đầu tư thổi giá. Đầu tiên, họ mua một khu đất với giá thấp, sau đó mua tiếp khu đất bên cạnh với giá gấp 5 -10 lần để nâng giá khu đất đã mua.
Ví dụ, mua khu đất 100 ha giá 5 triệu đồng/m2, sau đó mua khu bên cạnh với giá 50 triệu đồng/m2, khiến kể cả các tổ chức thẩm định giá đất, cũng không định giá khu đất trước đó của họ là 5 triệu đồng/m2 nữa.
"Ghi nhận của chúng tôi, trong 6 tháng đầu năm 2017, giá đất trên địa bàn huyện Long Thành đã tăng gấp đôi và các “cò” đất đều đảm bảo sẽ tách thửa, có sổ đỏ.", ông Quỳnh cho hay.
Theo ông Hoàng Văn Dung, Giám đốc Văn phòng Đăng ký nhà đất tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang tạm ngưng tách thửa để rà soát lại các quy định, phù hợp với thực tế, nên việc một số người hứa hẹn tách thửa được là không đúng. Chưa kể, quy hoạch chi tiết 21.000 ha vùng phụ cận quanh sân bay cũng chưa được phê duyệt.
"Việc xuất hiện đầu cơ gom đất, phân lô bán nền, quảng cáo không đúng sự thật đã gây tình trạng bát nháo ở khu vực này, người mua không tìm hiểu kỹ sẽ bị ảnh hưởng, tiền mất tật mang", ông Dung khuyến cáo.
Cũng theo ông Dung, việc mua bán đất tại đây đa phần là mua bán chui giữa người dân với nhau. Vì vậy, cần phải cẩn trọng và cân nhắc thật kỹ trước khi đầu tư đất tại đây, bởi năm 2016, đã có hàng ngàn nhà đầu tư đất tại đây phải vỡ mộng khi mua đất Long Thành đầu tư.
Trước đó, ngày 27/10, UBND Hóc Môn, TP HCM cũng phát thông báo kêu gọi người dân cảnh giác trước khi mua, bán các căn nhà "ba chung" (chung giấy phép xây dựng, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chung số nhà).
Lý do là thời gian quan, nhiều người dân bị lừa khi mua nhà bằng hình thức lập vi bằng chuyển nhượng. Tuy nhiên, quá trình này người mua không biết căn nhà đã bị thế chấp tài sản ở ngân hàng hoặc cầm cố, chuyển nhượng bằng giấy tay cho người khác. Sau khi giao tiền tới ngày dọn đến ở thì không được vào, dẫn đến phát sinh tranh chấp.
Theo UBND Hóc Môn thông tin "cò đất" sử dụng thuật ngữ "vi bằng công chứng thừa phát lại", "công chứng thừa phát lại" để tư vấn cho khách hàng là sai và tùy tiện.
Cụ thể, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng chỉ có giá trị khi đã thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định.
Như vậy, việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay, thông qua hình thức lập vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên trong giao dịch (đặc biệt là bên mua).
Do đó, UBND huyện Hóc Môn đề nghị người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản trên địa bàn huyện cần liên hệ UBND xã – thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch hoặc UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này.
Hồng Liên (Tổng hợp)