Phản ánh lên báo chí, người dân sống tại cụm chung cư N05 Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội) cho biết, dù dự án đã được bàn giao 3 năm nay, nhưng toàn bộ quỹ bảo trì khoảng 70 tỷ đồng vẫn bị Tổng công ty Vinaconex chiếm giữ. Do không có tiền để bảo dưỡng, duy tu dẫn đến 4 tổ hợp chung cư ngày càng xuống cấp.
|
Cư dân chung cư NO5 Trung Hoà tố Vinaconex 'quỵt nợ' 70 tỷ đồng. |
Người dân chung cư NO5 Trung Hoà đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị Tổng công ty CP Vinaconex phải bàn giao quỹ bảo trì và công khai tên ngân hàng, số tài khoản đang gửi tiền đồng thời công khai bản sao kê chi tiết việc sử dụng nguồn tiền này. Tuy nhiên, đến nay Vinaconex vẫn chưa thực hiện.
Tổ hợp chung cư N05 Trung Hòa - Nhân Chính bao gồm 4 tòa tháp chung cư cao 25 tầng với gần 1.000 căn hộ, được Tổng công ty CP Vinaconex đầu tư quy mô hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án đã chính thức hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân từ năm 2012.
Theo đúng quy định của pháp luật, sau khi bán nhà chủ đầu tư thu tiền phí bảo trì 2% giá trị căn hộ phải lập 1 tài khoản ngân hàng và gửi toàn bộ quỹ bảo trì để sau này bàn giao cho ban quản trị tòa nhà. Số tiền này sẽ được ban quản trị sử dụng để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa tòa nhà khi cần thiết.
Tuy nhiên, nhiều năm nay, theo phản ánh của Ban quản trị tòa N05 và nhiều người dân, Vinaconex vẫn chưa trả lại người dân số tiền bảo trì 70 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Hương – cư dân nhà 25T2 cho biết, “tại rất nhiều cuộc họp, ban quản trị tòa nhà đã đề nghị phía Vinaconex phải trả lại cho dân quỹ bảo trì nhưng chủ đầu tư toàn khất lần. Hiện nay, sau 3 năm sử dụng tòa nhà bị xuống cấp nhưng không có nguồn để duy tu, sửa chữa”- chị Hương nói.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Thanh – Ban quản trị khu N05 Trung Hòa – Nhân Chính cho biết, năm 2013, ngay từ khi họp ban quản trị lần thứ nhất, chúng tôi đã làm công văn gửi lên Vinaconex để yêu cầu Vinaconex phải báo cáo và chuyển giao tòa bộ quỹ bảo trì cho người dân. Tuy nhiên, cho đến nay Vinaconex vẫn không làm và đưa ra nhiều lý do viện dẫn không hợp lý để cố tình “chây ỳ” không bàn giao cho cư dân nhà N05.
Mới đây nhất, sau nhiều lần thúc giục bất thành, Ban quản trị N05 tiếp tục phát công văn yêu cầu Vinaconex trước ngày 15/10 phải có thông báo rõ ràng bằng văn bản tên ngân hàng, số tài khoản gửi tiền quỹ bảo trì cụm nhà chung cư N05. Đồng thời phải cung cấp sao kê chi tiết các giao dịch đối với tài khoản nay tính từ thời điểm lập quỹ đến ngày 30/9/2015.
Liên quan đến khoản phí bảo trì này, ông Lê Doanh Yên – phó tổng giám đốc Tổng công ty CP Vinaconex đã có văn bản giải thích việc chậm chễ bàn giao quỹ bảo trì là do văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất nên Vinaconex chưa thể bàn giao được. Người dân tiếp tục phải chờ đợi Vinaconex gửi văn bản “đi hỏi” cơ quan quản lý.
Cụ thể, ông Yên cho rằng, căn cứ quyết định 01/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội, đối với quỹ bảo trì, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Chủ đầu tư giữ tài khoản này cho đến khi ban quản trị thành lập. Và chủ đầu tư sẽ bàn giao tài khoản này cho doanh nghiệp được ban quản trị lựa chọn vận hành nhà chung cư.
Trong khi đó, tại quyết định 08/2008- Bộ Xây dựng thì yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị và Ban quản trị quản lý tài khoản này dưới hình thức đồng sở hữu (trưởng ban quản trị và một thành viên do ban quản trị cử ra).
Theo ông Yên, khoản tiền 70 tỷ là khoản tiền lớn trong khi chủ thể nhận bàn giao quỹ bảo trì này chưa được pháp luật quy định rõ ràng nên Vinaconex sẽ gửi văn bản đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn. Khi nào có hướng dẫn cụ thể, Vinaconex sẽ bàn giao cho người dân.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, dự án đã bàn giao cho người dân từ 3 năm nay mà Vinaconex vẫn chưa “đi hỏi” được cơ quan quản lý về việc giao quỹ bảo trì này cho ai.
Mới đây, chị T (cư dân 709 tòa 25T1 – chung cư NO5 Trung Hoà Trung Hòa – Nhân Chính, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đã gửi đơn lên báo chí cho biết, hơn 1 năm nay, gia đình chị đã phải sống trong căn hộ nóng 40 - 42 độ C. Nóng đến mức độ sàn nhà co rúm, cong vênh, cây cối trồng trong nhà héo chết.
Nguyên nhân gây nóng đã được đơn vị quản lý tòa nhà xác nhận là do trạm IBS hiện đang được đặt dưới tầng kỹ thuật (tầng 6) gặp trục trặc. Trong vòng 3 tháng, chủ đầu tư trạm IBS là công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Viễn thông TC (công ty TC) đã 3 lần khắc phục nhưng đâu lại vào đấy, tình trạng nóng vẫn tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực trong căn hộ của chị T.
Điều đáng nói, trong khi cuộc sống, sức khỏe của người dân đang bị đe dọa vì nóng thì vị Tổng giám đốc Công ty TC lại bình chân như vại, thậm chí còn cho đó là chuyện nhỏ.
Theo báo Pháp Luật