Vĩnh Phúc: Siêu công viên nghĩa trang khởi động khiến dân nơm nớp lo

Google News

Dự án nghĩa trang “nuốt” hơn 100ha rừng phòng hộ tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc nguy cơ tái khởi động.

Chủ trương phá rừng phòng hộ làm dự án nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc đã được các chuyên gia và dư luận đánh giá là không thể chấp nhận, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch, đi ngược với khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”; dù chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản xin dừng dự án, tuy nhiên, những động thái đang diễn ra cho thấy, đây có thể chỉ là sự “yên tĩnh trước cơn bão dữ” bởi người dân địa phương vẫn nơm nớp lo sợ, dự án siêu công viên nghĩa trang có thể tái khởi động bất cứ lúc nào.
Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo
 Người dân bức xúc với dự án “siêu nghĩa trang” tại núi Ngang. Ảnh: TL.
Dân kịch liệt phản đối…
Liên quan đến dự án nghĩa trang “nuốt” hơn 100ha rừng phòng hộ tại núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc suốt gần một năm qua, người dân nơi đây đã đồng loạt lên tiếng phản đối và gửi thỉnh nguyện thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, ngày 04/01/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 02/TTr-UBND đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho phép triển khai, quy hoạch, xây dựng Khu công viên nghĩa trang quy mô 150ha tại núi Ngang, xã Bồ Lý do Công ty Cổ phần Bình Minh Xanh làm chủ đầu tư.
Đến ngày 09/1/2017, Thường vụ Tỉnh ủy có Thông báo số 652-TB/TU đồng ý với chủ trương triển khai quy hoạch, xây dựng Khu công viên nghĩa trang nói trên.
Sau khi có chủ trương của chấp thuận của lãnh đạo các cấp tỉnh Vĩnh Phúc, người dân xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tha thiết xin giữ lại đất rừng, nếu dự án nghĩa trang được triển khai sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan cũng như cuộc sống của họ.
Đáng nói hơn, toàn bộ hàng trăm ha được tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho nhà đầu tư làm công viên nghĩa trang đều là diện tích rừng phòng hộ, có giá trị to lớn về sinh thái, môi trường và cảnh quan không chỉ đối với xã Bồ Lý mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ cảnh quan, sinh thái và môi trường của huyện Tam Đảo.
Trước khi quyết định chủ trương xây dựng công viên nghĩa trang tại núi Ngang, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc chưa tổ chức bất kỳ một cuộc họp, đối thoại nào với nhân dân xã Bồ Lý để xin ý kiến người dân trực tiếp bị mất đất sản xuất, mất đất ở và ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án này.
Tuy nhiên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục có những động thái thể hiện quyết tâm xây dựng dự án công viên nghĩa trang bất chấp ý nguyện của những người dân sinh sống tại địa bàn triển khai dự án.
Trong khi đó, chính quyền xã Bồ Lý lại làm ngơ trước việc tư nhân đi “gạ gẫm” người dân thu mua đất rừng phòng hộ thuộc khu vực núi Ngang với giá rẻ, tạo thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng sau này.
Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-2
 Những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ khiến quyết tâm thực hiện dự án siêu nghĩa trạng của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tạm thời “chùn bước”, nhưng không đồng nghĩa với việc chấm dứt hoàn toàn dự án.
Do việc đối thoại và bày tỏ nguyện vọng lên các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc không được lắng nghe.Vì vậy, người dân tại xã Bồ Lý đã gửi thư lên Thủ tướng để bày tỏ quan điểm phản đối việc phá rừng phòng hộ để làm dự án công viên nghĩa trang.
Hiện nay, huyện Tam Đảo chỉ còn hơn 470ha rừng phòng hộ, nếu vì làm một công viên nghĩa trang mà phải phá đi 150ha rừng phòng hộ thì cảnh quan và môi trường khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó, gây tác động xấu tới định hướng xây dựng Tam Đảo thành một khu du lịch dịch vụ sinh thái.
… nhưng tỉnh “vẫn cố đấm ăn xôi”
Theo quy định tại mục a, Khoản1, Điều 58 Luật Đất đai quy định, đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên. Trong khi đó, theo Điều 30 của Luật Đầu tư thì nếu muốn chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên để làm dự án thì phải có sự thông qua của Quốc hội. Thế nhưng, tại dự án rừng phòng hộ Núi Ngang, quy trình để triển khai dự án của tỉnh Vĩnh Phúc xuất hiện nhiều điều bất thường nên đã vấp phải nhiều luồng ý kiến phản đối dữ dội, gây bức xúc lớn trong dư luận địa phương.
Và tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2017, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vẫn bảo vệ ý kiến xây dựng công viên nghĩa trang tại tỉnh là cần thiết.
Quyết tâm xóa bỏ rừng phòng hộ Núi Ngang làm siêu công viên nghĩa trang của Vĩnh Phúc tiếp tục “trỗi dậy” khi ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì tuyên bố tại buổi làm việc rằng: Vĩnh Phúc sẽ chuyển đổi rừng phòng hộ Núi Ngang thành rừng sản xuất và việc xây dựng công viên nghĩa trang nhằm phục vụ mục tiêu… phát triển bền vững.
Trùng hợp với quyết tâm xóa bỏ rừng phòng hộ Núi Ngang của vị quan chức đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn từ tháng 4/2017 đến tháng 6/2017, hàng loạt vụ cháy rừng quy mô lớn, bất thường đã xảy ra tại rừng phòng hộ Núi Ngang khiến hơn 30 héc ta rừng phòng hộ Núi Ngang chưa kịp chuyển thành rừng sản xuất đã thành tro tàn!
Không chỉ dừng lại ở những vụ cháy lan bất thường, theo thông tin phóng viên nắm được, có một số “hợp đồng ủy quyền” lâu năm cho người ngoài địa phương, khiến không ít ý kiến nghi ngờ về việc “lách luật” mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ.
Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-3
 

Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-4
 Liên tiếp các bản hợp đồng được một người lăn lội từ Hà Nội lên Tam Đảo gom đất rừng người dân quản lý với thời hạn 50 năm.
Cụ thể, trong năm 2016, nhiều hộ dân tại thôn Tân Lập, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã ký hợp đồng ủy quyền sử dụng đất với một người phụ nữ tên là Vũ Thụy Vân (trú tại H10, ngõ 132, phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hàng chục ha ở sườn núi Ngang (xã Bồ Lý) với mục đích kinh doanh lâm nghiệp, thời hạn tới 50 năm…
Hộ khẩu thường trú của người tên Vân này lại có sự trùng khớp với địa chỉ đăng ký của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh.
Điều khá bất ngờ là địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của người tên Vân này lại có sự trùng khớp với địa chỉ đăng ký của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh - doanh nghiệp đề xuất thực hiện xây dựng siêu nghĩa trang với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng.
Liên quan đến khu vực rừng phòng hộ dự kiến xây dựng siêu nghĩa trang nói trên, hồi đầu tháng 6/2017 đã xảy ra vụ cháy rừng làm thiệt hại hơn 30 ha, trong đó có cả rừng phòng hộ.
Cũng về vụ việc trên, tháng 2/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ thông tin trong báo chí phản ánh, việc “Vĩnh Phúc: Chặt rừng phòng hộ làm nghĩa trang hay đào khoáng sản”?.Trước sức nóng của dư luận, cũng thời điểm trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy cho dừng chủ trương nghiên cứu triển khai lập quy hoạch dự án.
Cần phải nói thêm rằng, nếu rừng phòng hộ Núi Ngang được chuyển thành rừng sản xuất thì quyền chủ động quyết định số phận của cánh rừng phòng hộ Núi Ngang sẽ hoàn toàn nằm trong sự chủ động của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc không cần tới sự cho phép của Thủ tướng và Quốc hội. Thuận thay, việc chuyển đổi phân loại rừng từ rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.
Có hay không việc tái triển khai dự án?
Dẫn nguồn thông tin từ Báo Sức khỏe cộng đồng, sau những phản đối bằng dân nguyện của người dân được đưa ra, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc dường như “kín” hơn trong các quyết định của mình khiến người dân phản đối chủ trương xây dựng công viên nghĩa trang trên nền tảng rừng phòng hộ Núi Ngang lâm vào thế bất ngờ. Mới đây, trong buổi sáng ngày 2/10/2017, người dân xã Bồ Lý mới biết tới văn bản về cuộc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2017 huyện Tam Đảo.
Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-5
 

Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-6
 

Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-7
 

Vinh Phuc: Sieu cong vien nghia trang khoi dong khien dan nom nop lo-Hinh-8
 Các động thái gần đây của UBND huyện Tam Đảo, UBND xã Bồ Lý dấy liên nhiều đồn đoán dự án siêu nghĩa trang có thể tái khởi dưới vỏ bọc đúng quy trình vào bất bất cứ lúc nào.
“Cuộc họp diễn ra vào chiều ngày 3/10/2017 nhưng đến chiều 2/10/2017 văn bản này mới “lộ” ra ngoài. Thành phần tham dự cuộc họp cũng đã được “chốt”, những người dân phản đối mạnh mẽ dự án công viên nghĩa trang tại Núi Ngang rất ít cơ hội được tham gia. Khi tìm hiểu kĩ thêm thông tin, chúng tôi được biết bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017 của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi rõ Núi Ngang là nơi xây dựng công viên nghĩa trang quy mô hơn 100 héc ta. Chúng tôi như bị “đánh úp” khiến không kịp trở tay”, một người dân xã Bồ Lý cho hay.
Dù rất nhiều lần liên hệ công tác với cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc để cập nhật về tình trạng rừng phòng hộ Núi Ngang nhưng luôn bị từ chối hoặc nhận được câu trả lời: rừng phòng hộ Núi Ngang vẫn “nguyên trạng”. Cụ thể, theo nguồn tin của PV, tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa XVI lại ra Nghị quyết cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các công trình dự án trong năm 2017 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Về nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ Núi Ngang (Tam Đảo) ông Vũ Giang Hậu - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh cho biết: “Cho đến thời điểm này, Thường trực HĐND và HĐND không bàn đến việc sử dụng,chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ Núi Ngang. Kỳ họp cuối năm, HĐND ban hành Nghị quyết số 33; Nghị quyết này liên quan đến việc cho ý kiến về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng 5 năm của kỳ cuối 2016-2020. Trong Nghị quyết này bao hàm nội dung điều chỉnh chung đất trong toàn tỉnh, không cụ thể đất nào,dự án nào, công trình nào; HĐND tỉnh chỉ ban hành nghị quyết, chủ trương chung... Quá trình tổ chức triển khai thế nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác”.
Khi được đề nghị được tiếp cận Nghị quyết số 33 theo trao đổi của ông Vũ Giang Hậu, tuy nhiên đã gặp phải sự từ chối với nhiều lý do khác nhau… Khi được hỏi cơ quan nào sẽ có thẩm quyền ra quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ đầu nguồn Núi Ngang khi dự án công viên nghĩa trang được duyệt, ông Hậu cho biết mình cũng không rõ thẩm quyền ra quyết định chuyển đổi.
Để xác minh thực hư thông tin chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ Núi Ngang, phóng viên đã nhiều lần liên hệ công tác với Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc cập nhật thông tin chuyển đổi rừng phòng hộ đầu nguồn làm công viên nghĩa trang. Tuy nhiên, nhiều lần chúng tôi liên hệ công tác đều gặp phải sự bất hợp tác từ phía Sở này. Cụ thể, phóng viên đến liên hệ công tác và xin lịch làm việc với đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, thông qua ông Trần Quốc Vệ - Chánh Văn phòng Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc luôn cho biết lý do lãnh đạo đi vắng, sẽ liên lạc hẹn làm việc với phóng viên sau nhằm “thoái thác” việc trao đổi thông tin.
Theo Phan Anh Tuấn/Mặt Trận