Anh dỡ bỏ hạn chế phòng COVID-19: Giới chuyên gia nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - Anh đã chính thức dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19 - một quyết định hứng nhiều chỉ trích của giới chuyên gia trong bối cảnh số ca mắc bệnh tại nước này vẫn gia tăng.

Anh chính thức bước vào "Ngày Tự do" từ 0h ngày 19/7 (giờ địa phương) với việc nước này dỡ bỏ toàn bộ lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, quyết định dỡ bỏ mọi biện pháp phong tỏa được đưa ra do hầu hết dân số trưởng thành của Vương quốc Anh đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19Mặc dù xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều có tỷ lệ người dân được tiêm phòng cao nhưng chỉ riêng vùng England thực hiện việc dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch.
Quyết định mạo hiểm của Anh khiến giới chuyên gia lo ngại trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục gia tăng và có thể dẫn tới nhiều rủi ro.
Anh do bo han che phong COVID-19: Gioi chuyen gia noi gi?
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters.  
Mô hình của Đại học Hoàng gia London dự đoán, quyết định dỡ bỏ hạn chế của Chính phủ Anh có thể dẫn đến làn sóng COVID-19 thứ 3 với sự tăng vọt về số ca nhập viện và tử vong, bởi nhiều người có thể vẫn mắc bệnh dù được tiêm phòng đầy đủ.
The Guardian dẫn nhận định của các nhà khoa học cho rằng, việc Anh dỡ bỏ hạn chế phòng COVID-19 là một mối đe dọa đối với thế giới và sẽ tạo ra "mảnh đất màu mỡ" cho sự xuất hiện của các biến thể kháng vắc xin.
Tại một hội nghị gần đây, giới khoa học và bác sĩ cảnh báo vị trí của Anh như một trung tâm giao thông toàn cầu, điều này có nghĩa là bất kỳ biến thể mới nào xuất hiện tại nước này sẽ nhanh chóng lan rộng ra khắp thế giới.
"Hơn 1.200 nhà khoa học đã ủng hộ thư kiến nghị gửi tới tạp chí Lancet, trong đó cảnh báo chiến lược (của Anh) có thể tạo điều kiện cho các biến thể kháng vắc xin phát triển", The Guardian đưa tin.
"Do vị thế của chúng ta là trung tâm giao thông toàn cầu, bất cứ biến thể nào 'thống trị' ở Vương quốc Anh sẽ có khả năng lan rộng ra phần còn lại của thế giới. Quyết định của Chính phủ Anh không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta mà còn ảnh hưởng đến tất cả mọi người", Giáo sư Christina Pagel đến từ Đại học London bình luận.
Giáo sư José Martin-Moreno của Đại học Valencia, đồng thời là cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chia sẻ: “Chúng tôi không thể hiểu tại sao điều này lại xảy ra mặc dù Anh là nước có kiến thức khoa học”.

Mời độc giả xem thêm video: Cần thêm nghiên cứu về vaccine với các biến chủng mới của SARS-CoV-2 (Nguồn video: VTV)

Michael Baker, Giáo sư y tế công cộng tại Đại học Otago, cho biết thêm: "Tại New Zealand, chúng tôi coi Anh là nước dẫn đầu về chuyên môn khoa học. Đó là lý do tại sao việc (nước này) không tuân theo các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe cộng đồng lại gây chú ý đến vậy".
Thiên An