Nhà báo Gleen Greenwald cho biết các bài báo đăng tải trên BBC và Sunday Times viết việc Trung Quốc và Nga giải mã hồ sơ tuyệt mật do Edward Snowden cung cấp dẫn tới việc tình báo Anh rút điệp viên về nước là dựa trên tin vịt bôi nhọ Edward Snowden.
Trước đó, tờ Sunday Times dẫn lời một nguồn tin chính phủ nói rằng tình báo Anh buộc phải rút nhiều điệp viên "khỏi các địa bàn hoạt động" sau khi Bắc Kinh và Moscow giải mã các tài liệu tuyệt mật của “kẻ thổi còi” Edward Snowden. “Chúng tôi biết rằng, Nga và Trung Quốc vừa mới giải mã các tài liệu của Snowden và họ sẽ tìm kiếm các chứng cứ để lật tẩy các điệp viên tiềm năng”, nguồn tin nói trên tiết lộ với tờ Sunday Times.
|
Cựu nhân viên NSA Edward Snowden.
|
Gleen Greenwald là một trong những nhà báo đầu tiên gặp
Edward Snowden năm 2013 tại một khách sạn ở Hong Kong trước khi một loạt các báo lớn trên thế giới như Guardian, Washington Post và New York Times công bố về chương trình do thám hàng loạt của chính phủ Mỹ.
Nhà báo này tiếp tục khẳng định rằng ngay khi cung cấp thông tin cho báo giới, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiêu hủy các bản copy.
“Edward nói rõ ràng rằng, khi rời Hong Kong, anh ta không mang theo bất cứ hồ sơ tài liệu nào bên mình. Anh ấy đã giao chúng cho các phóng viên và sau đó tiêu hủy các bản copy. Do vậy, làm sao lại có chuyện các cơ quan tình báo Nga lại có thể giải mã những tài liệu tuyệt mật đó, khi bản thân Snowden còn không giữ chúng?”, nhà báo Greenwald nói.
Chưa kể, tờ Sunday Times còn đăng tải tin David Miranda – đối tác người Brazil của phóng viên Glenn Greenwald – mang theo 58.000 hồ sơ tình báo vào thời điểm anh ta bị bắt giữ ở sân bay Heathrow sau khi gặp Snowden ở Moscow.
Thực tế, Miranda đã tới thăm chỗ làm việc nhà làm phim tài liệu người Mỹ Laura Poitras ở Berlin giống như những gì báo chí đưa tin cũng như khai nhận của Miranda với giới chức Anh. Trong khi đó, Poitras mới là người gặp Snowden ở Hong Kong và làm bộ phim đoạt giải Oscar về “kẻ thổi còi” mang tên Citizenfour.
Nhà báo Greenwald gọi các tin tức mà tờ Sunday Times đăng tải là “dối trá trắng trợn” và “tính cho tới thời điểm bị bắt giữ ở Heathrow, David chưa bao giờ tới Moscow và gặp Snowden”. Theo Greenwald, toàn bộ bài báo “chẳng có gì hơn ngoài các thông tin trích dẫn của các quan chức Anh giấu tên”.
Đồng thời, có một nghi ngờ nổi lên đó là liệu các quan chức Anh có thực sự cho rằng các điệp viên của họ đã bị lộ tẩy. Các quan chức ở Anh vẫn cáo buộc cả Trung Quốc và Nga ăn cắp các cơ sở dữ liệu nhạy cảm.
Trong khi đó, một phóng viên có tên là Jason Leopold cho biết anh ta có trong tay các tài liệu mật về một chiến dịch bôi nhọ Snowden ở Washington.
Cuối cùng, Sunday Times còn đăng tải chi tiết về số liệu những hồ sơ bí mật mà Snowden nắm giữ. “Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Nội địa (NSA) đã tải về 1,7 triệu tài liệu mật từ các cơ quan tình báo phương Tây năm 2013”, trích lại một đoạn nội dung trên báo Sunday Times. Tuy nhiên, theo nhà báo Greenwald, ngay thậm chí cả NSA còn nói rằng, họ không nắm rõ có bao nhiêu tài liệu mà Edward Snowden đã lấy cắp.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Review năm 2014, ông Keith Alexander, người sau này là Giám đốc NSA, cho biết: “Tôi không cho rằng, chúng ta thực sự biết Snowden lấy cắp đi bao nhiêu tài liệu bởi vì chúng tôi không có cách nào để kiểm tra chính xác”.
Các nhà báo khác cũng bày tỏ sự nghi ngờ thông tin mà hai báo Anh trên đưa ra, trong đó có cả việc “các điệp viên Anh buộc phải rút khỏi các địa bàn hoạt động” do những hồ sơ mật của Snowden đã được giải mã. Nhà báo Ryan Gallagher, người phân tích các tài liệu của Snowden trong hơn một năm qua nói rằng, anh chưa bao giờ thấy tên bất cứ các điệp viên (Anh) nào đang hoạt động được đề cập trong tài liệu của cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden.
“Sau khi xem xét lại các tài liệu của Snowden, tôi chưa từng thấy bất cứ tên tuổi nào của điệp viên MI6 cả. Tôi không biết con số đó từ đâu ra”, nhà báo Gallagher cho biết.
Thanh Nga (theo RT)