Năm 1954, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã trao quyền kiểm soát Crimea cho nước Cộng hòa Ukraine (khi đó thuộc Liên Xô). Theo Sergei, đó đơn thuần chỉ là những lý do hợp lô-gic và mang tính biểu trưng. Bây giờ, ông đoán chắc rằng, người Nga sẽ không bao giờ trả bán đảo này lại cho Ukraine.
Bắt đầu di cư ra nước ngồi từ hồi năm 1991, ông Sergei (giờ là một công dân mang quốc tịch Mỹ) chia sẻ nhiều quan điểm như thể ông vẫn còn trong hàng ngũ chính quyền Nga. Ông nhìn nhận vụ lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych là một hành động tiếm quyền bất hợp pháp bằng vũ lực của chính quyền Kiev. Đó là những tâm sự của hậu duệ nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev chia sẻ với tờ The Daily Beast trước bài phát biểu đêm thứ 3 (1/4) ở Đại học Bryant.
|
Dân Crimea đổ ra đường sau khi biết kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 16/3.
|
“Nga sẽ không bao giờ đầu hàng”, đó là quan điểm của ông về vấn đề Crimea.
Cha ông, cố lãnh đạo Nikita đã chèo lái con thuyền Liên Xô vượt qua giai đoạn bế tắc nghiêm trọng nhất trong chiến tranh Lạnh, đó là Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba 1961. Mỗi lúc nhắc tới quá khứ, ông Sergei dường như có chút chùng lại. Tuy nhiên, nhắc tới căng thẳng hiện nay xung quanh vấn đề Ukraine, ông cho biết, chỉ có Nga thực sự có nhiều lợi thế trong cuộc đối đầu này.
“Đối với Mỹ, họ chỉ coi hành động đó là một nỗ lực để chứng tỏ Nga là bậc thầy của nền chính trị thế giới. Đối với Tổng thống và người dân Nga, đó là niềm tự hào dân tộc”, ông nói.
Quay trở lại năm 1954, nhân kỉ niệm 300 năm hiệp ước Pereiaslav khẳng định sự gắn bó giữa Nga và Ukraine, lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Nikita Khrushchev đã trao quyền quản lý Crimea cho Ukraine. Vì trên thực tế, cả Nga và Ukraine đều “khoác áo” Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (USSR). “Dịp kỉ niệm 300 năm hiệp ước thực là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”, ông Sergei nói.
“Cha tôi là lãnh đạo Liên bang Liên Xô. Nga và Ukraine lúc đó đều là hai nước cộng hòa liên minh và bình đẳng thuộc Liên Xô. Đối với cha tôi, chẳng có sự khác biệt nào về việc trao quyền quản lý Crimea từ Nga sang Ukraine bởi cả hai đều thuộc một nước cả”, ông trình bày quan điểm.
|
Tổng thống Putin và lãnh đạo Crimea cùng thành phố Sevastopol trong buổi ký kết hiệp ước sáp nhập.
|
Sau đó, con trai của cố lãnh đạo Liên Xô đã đổ lỗi cho lãnh đạo Boris Yeltsin khi đã để Crimea “tuột” khỏi tay Nga. Vào thời điểm đó, ông Yeltsin đã bị phân tâm bởi những tham vọng cá nhân và vào năm 1991 đã ngỏ ý “giao đứt” Crimea cho phía Ukraine.
“Tôi nghĩ rằng, cha tôi sẽ rất không vui với những gì ông Yeltsin đã làm. Khó có thể nói rằng chính quyết định trao tặng Crimea của cha tôi lại là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng hiện thời ở Ukraine. Ông không thể tưởng tượng rằng, Liên Xô sẽ bị giải tán và biến mất khỏi bản đồ”, ông Khrushchev nói.
Nhận xét về đương kim Tổng thống Putin, ông Sergei nhìn nhận vị lãnh đạo tài ba này chính là một nhà cải cách theo đúng khuôn mẫu của cha mình và so sánh ông Putin với Tổng thống Theodore Roosevelt, người đã phá vỡ thế độc tôn của các công ty ở Mỹ hồi đầu thế kỉ 20.
“Kỷ nguyên Putin chính là một kỷ nguyên đưa nước Nga lấy lại vị thế trên trường quốc tế”, con trai cố lãnh đạo Nikita Khrushchev không ngần ngại chia sẻ quan điểm của mình.
Thanh Nga