Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: Hãy để Nga đánh bại IS

Google News

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng việc đánh bại IS cần được đặt lên trên mục tiêu thay đổi thể chế ở Syria.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vừa lên tiếng nói rằng đánh bại IS cần được đặt lên trên việc thay đổi thể chế ở Syria. Ông cũng nói rằng để Nga can thiệp có thể giúp tái thiết lập trật tự Trung Đông, từng nằm dưới sự thống trị hoàn toàn của Mỹ.
“Việc tiêu diệt phiến quân IS đã trở nên cấp thiết hơn so với việc lật đổ ông Bashar al Assad,” ông Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời các Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, viết trên tờ Wall Street Journal.
Cuu Ngoai truong My Henry Kissinger: Hay de Nga danh bai IS
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. (Nguồn: RT)
"Nỗ lực không đem lại kết quả như hiện nay của quân đội Mỹ sẽ chỉ càng khiến tổ chức khủng bố IS dễ dàng tuyển người hơn bởi đã kháng cự được sức mạnh Mỹ."
Trong bài bình luận mang tựa đề "Một lối thoát ra khỏi sự sụp đổ của Trung Đông," ông Kissinger nói rằng cả khu vực hiện đang trong tình trạng nhốn nháo, bởi các phong trào phi nhà nước đã xé nát nhiều quốc gia như Libya, Yemen, Syria và Iraq.
Ông nói rằng cái gọi là IS đã thiết lập tại Iraq và Syria một "kẻ thù không biết thương xót với trật tự thế giới", đã tìm cách thay thế hệ thống quốc tế với một đế chế Hồi giáo.
Kissinger cảnh báo rằng dù Mỹ có vị thế áp đảo tại Trung Đông theo sau cuộc chiến Arab - Israel 1973, Washington giờ lại đang đối đầu với gần như mọi bên trong khu vực và có nguy cơ mất đi các khả năng định hình sự kiện. Ông đánh giá vấn đề ở Trung Đông hiện là "quyết tâm của Mỹ trong việc thấu hiểu và lèo lái một thế giới mới".
Trong khi đó, Kissinger đánh giá Nga mới chỉ vừa bước vào khoảng trống hình thành từ các chính sách khó hiểu và gây xung đột của Mỹ. Cuộc can thiệp của Moskva tại Syria có động cơ địa chính trị thay vì quan ngại ý thức hệ.
Nơi ý thức hệ thực sự đóng vai trò động cơ là cuộc xung đột lớn hơn giữa “hai khối cứng nhắc, chịu ảnh hưởng mạnh từ tôn giáo": Người Hồi giáo Shiite được Iran ủng hộ và các quốc gia theo Hồi giáo Sunni như Ai Cập, Saudi Arabia và Jordan.
Theo ông Kissinger, Iran là một đế quốc đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua việc chống lưng cho chính quyền Assad, cũng như các cá nhân, tổ chức phi nhà nước như phong trào Hezbollah ở Liban và phong trào Houthi ở Yemen. Các quốc gia Sunni đang nỗ lực lật đổ ông Assad vì họ sợ mưu đồ của Iran hơn là của IS.
Ông Kissinger cũng cho rằng Mỹ đã gây thù hằn với các đồng minh thông qua việc đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Động thái của Mỹ bị các nước Sunni ở Trung Đông xem như sự ngấm ngầm chấp thuận vai trò lãnh đạo của Iran.
Ông cảnh báo thỏa thuận hạt nhân mới đạt được không thể so sánh với sự đột phá trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc hồi đầu những năm 1970. Trong khi Washington và Bắc Kinh đã đồng thuận trên nhiều vấn đề vào thời điểm đó, Mỹ và Iran hiện về cơ bản vẫn đang đối đầu.
Và trong khi cuộc can thiệp của Nga "phục vụ chính sách của Iran nhằm duy trì yếu tố Hồi giáo Shiite ở Syria," Moskva lại không cam kết ủng hộ vô thời hạn chính quyền Assad. "Điều này có nghĩa việc để người Nga giúp đánh bại IS mà không cần sự liên quan của Iran có thể mang tới một giải pháp giữ thể diện tới cho khối Sunni, nhất là nếu các vùng lãnh thổ mới được giải phóng được "đưa trở lại sự lãnh đạo của người Sunni".
Ông Kissinger gợi ý việc liên bang hóa Syria sau khi đánh bại IS, cho rằng đây là giải pháp "giảm bớt rủi ro hình thành từ các vụ diệt chủng và hỗn loạn có thể dẫn tới chiến thắng của khủng bố". Washington cũng phải sẵn sàng đối thoại với Tehran về việc Iran "trở lại vai trò của nước này như một quốc gia có chủ quyền".
Theo ông Kissinger, vai trò chủ chốt của Mỹ sẽ là "thiết lập sự đảm bảo về mặt quân sự với các quốc gia Sunni truyền thống mà chính quyền Mỹ đã hứa hẹn trong các cuộc thương thảo quanh việc đạt thỏa thuận hạt nhân với Iran".
Theo Vietnam Plus