Năm 2016, hàng triệu cử tri tại 3 bang Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đã chuyển sang ủng hộ Tổng thống Trump và làm nên chiến thắng bất ngờ cho ứng viên đảng Cộng hòa. Theo nhà bình luận chính trị Jason Riley của Wall Street Journal, cũng chính nhóm cử tri này từng bầu cho ông Barack Obama trong liên tiếp 2 kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2008 và 2012.
Tại vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, cựu Phó tổng thống Joe Biden đã dùng vấn đề trên để kêu gọi sự tín nhiệm từ cử tri đảng. Ông lập luận mình có khả năng giành lại số phiếu bị đánh mất vào tay Tổng thống Trump vào 4 năm trước. Ông tin rằng những ứng viên nặng ký khác như Bernie Sanders và Elizabeth Warren không sáng cửa bằng mình.
Thực tế diễn ra không đúng hoàn toàn với niềm tin của Joe Biden.
|
Tổng thống Donald Trump vận động cử tri gốc Mỹ Latin tại Phoenix, bang Arizona, vào tháng 9. Ảnh: AP. |
Chiến thắng không như kỳ vọng
Kết quả tại Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đã đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi chung cuộc của vị tổng thống tân cử. Tuy nhiên, đảng Dân chủ "nhuộm xanh" những bang này không phải nhờ ông Biden giành lại được niềm tin từ nhóm cử tri từng đổi phe và bầu cho ông Trump.
Khảo sát sau bỏ phiếu cho thấy thực chất cử tri đảng Dân chủ năm nay đi bầu nhiều hơn, thay vì từ chối tham gia như 4 năm trước. Đây mới là yếu tố tạo nên thành công cho cựu Phó tổng thống Joe Biden.
"Chiến tích của ông Biden được xây dựng trên thắng lợi ở đa số cử tri nữ giới, các vùng ngoại ô và người da đen, theo thăm dò toàn quốc của AP VoteCast từ ngày 28/10 đến đêm bầu cử toàn quốc", Wall Street Journal tuần qua cho biết.
"Ông Biden cũng thể hiện tốt ở khu vực thành thị như Detroit và Milwaukee, nơi cử tri Dân chủ vào 4 năm trước đã đi bầu ít hơn", tờ báo lý giải.
Ở Pennsylvania, những khu vực đông dân như vùng ngoại ô Philadelphia đã tạo nên khác biệt cho cuộc đua. Không chỉ có vùng Đông Pennsylvania trở thành bệ phóng cho chiến thắng. Ông Biden còn gia tăng cách biệt với đối thủ ở những hạt có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ, tốt hơn chiến dịch của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton vào năm 2016, theo CNBC.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Joe Biden - điều đã nằm trong dự doán sau nhiều thăm dò cử tri - không hẳn là điều đáng chú ý nhất trong cuộc đua năm nay.
Diễn biến khiến Jason Riley và nhiều người quan tâm chính là liên minh ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã không hề rạn nứt. Trái lại, liên minh này vẫn trụ vững và thậm chí đã tăng thêm gần 7 triệu cử tri sau 4 năm.
Kỳ bầu cử năm 2020 đã chứng tỏ "thương hiệu" dân túy của phe Cộng hòa và Tổng thống Trump vẫn hiển hiện. Điều này mang nhiều ý nghĩa quan trọng cho cuộc đua đường dài giữa 2 đảng chính trị Mỹ.
|
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump biểu tình tại Florida ngày 4/11. Ảnh: Reuters. |
Hướng đi mới cho phe Cộng hòa
Liên minh ủng hộ ông Trump còn tăng tính đa dạng về sắc tộc và chủng tộc. Bất chấp những chỉ trích từ truyền thông về Tổng thống Trump, lượng cử tri da đen và Mỹ Latin ủng hộ ông trong năm nay vẫn tăng nhẹ so với năm 2016.
Mức ủng hộ ông Trump ở nhóm cử tri da đen đã tăng từ 8% vào năm 2016 lên 12% trong năm nay, trở lại với mức kỳ vọng thông thường của ứng viên đảng Cộng hòa trước khi "hiện tượng" Barack Obama xuất hiện. Con số này ở nhóm cử tri Mỹ Latin cũng tăng từ 28% lên 32%.
Tổng thống Trump cũng thể hiện đúng mong đợi với cộng đồng người Mỹ gốc Cuba tại Florida, giành đến 55% phiếu bầu. Mức ủng hộ của cử tri Mỹ Latin nói chung tại Florida dành cho tổng thống Trump cũng tăng đến 12 điểm, lên 47% phiếu bầu. Còn với cử tri gốc Puerto Rico, vốn có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ rõ rệt, ứng viên Cộng hòa vẫn giành đến 30% phiếu.
Tổng thống Trump còn gia tăng khả năng cạnh tranh cho đảng Cộng hòa trong nhóm cử tri gốc Mexico và Trung Mỹ ở Arizona, Nevada và khu vực Nam Texas.
Điển hình là hạt Starr của Texas, giáp biên giới Mexico. Năm 2016, bà Clinton chiến thắng dễ dàng ở hạt này với cách biệt đến 60 điểm. Với cuộc đua năm nay, ông Biden chỉ hơn đối thủ 5 điểm.
Từ bệ phóng là sức ảnh hưởng của Tổng thống Trump, nếu đảng Cộng hòa tiếp tục tiến sâu vào nhóm cử tri gốc Mỹ Latin, họ sẽ khiến đảng Dân chủ chật vật hơn nhiều trong những cuộc bầu cử sau này.
Cử tri da đen và Mỹ Latin thường được truyền thông Mỹ đặt vào cùng một nhóm, với giả định đây là nhóm thiên tả.
Tuy nhiên, theo Jason Rilley, xu hướng bỏ phiếu của hai nhóm rất khác với giả định trên. Cử tri da đen thường bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ hoặc chọn không đi bầu nếu không xuất hiện ứng viên phù hợp với họ. Điều này đã xảy ra vào năm 2016 với bà Hillary Clinton.
Trong khi đó, cử tri gốc Mỹ Latin không "một màu" như ấn tượng của truyền thông Mỹ trong những kỳ bầu cử tổng thống. Trái lại, họ có khả năng đổi phe khá cao. Điển hình là cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2004, Tổng thống George W. Bush khi đó giành được hơn 40% phiếu từ cử tri gốc Mỹ Latin và có được nhiệm kỳ thứ hai.
Điểm chung lớn nhất giữa 2 nhóm chính là tác động của đại dịch Covid-19 ở phương diện kinh tế. Trước khi virus corona bùng phát tại Mỹ, mức nghèo và thất nghiệp ở cả 2 nhóm đều thấp kỷ lục. Mức lương của người lao động thuộc những cộng đồng này cũng được cải thiện.
Chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump tập trung ủng hộ mở cửa lại nền kinh tế và "trả lại" việc làm cho người lao động. Theo Jason Riley, thông điệp kinh tế từ ứng viên đảng Cộng hòa đã chạm đến được nguyện vọng của cử tri da đen và Mỹ Latin.
Theo Thanh Danh/Zingnews.vn