Điện thoại lậu: Cầu nối lạ lùng giữa 2 miền Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Một chiếc điện thoại được mang lậu vào Triều Tiên có thể giúp cô Lee SeoYeon nói chuyện với người thân cũng như chuyển tiền

Lắng nghe tại Seoul, người phụ nữ 40 tuổi không hề nhận ra giọng nói ở đầu dây bên kia khi đó chính là giọng nói của người chị gái mà cô chưa từng nói chuyện kể từ năm 1998 khi cô Lee rời bỏ gia đình và vượt biên trái phép sang Trung Quốc. 
Chị gái của Lee không lớn hơn cô là mấy, nhưng giọng nói ở đầu dây bên kia lại “nghe như của một bà già”. 
Cô Lee nói: “Nhưng chị ấy vẫn nhớ vết sẹo của trên hông của tôi vì chị ấy đã thách tôi ngồi lên đầu đũa khi cả 2 còn nhỏ. Chị ấy vẫn nhớ tên người bạn hàng xóm của tôi. Chúng tôi nói với nhau về những chuyện như vậy, và cuối cùng thì tôi bật khóc”.
Khi cô Lee đã chắc chắn người ở đầu dây bên kia là chị gái mình, một tay trung gian sẽ lấy lại máy điện thoại ở phía Triều Tiên. Cô Lee sẽ chuyển 2 triệu won (1880 USD) đến một tài khoản ngân hàng ở Hàn Quốc mà chủ của nó là một người Trung Quốc gốc Hàn làm việc với tay trung gian, người sẽ xác nhận vụ chuyển tiền và trả lại chiếc điện thoại. Việc thu xếp này giúp cho chị gái của cô Lee có được 70% số tiền, 30% còn lại là của khâu trung gian.
 Một cụ ông Hàn Quốc khóc thương khi đến chào tạm biệt người anh Triều Tiên trong ngày cuối cùng đoàn tụ các gia đình vượt biên giữa hai miền Triều Tiên.
Điện thoại buôn lậu, cùng với mạng lưới ngầm những tay trung gian rộng lớn ở trong và ngoài Triều Tiên, đang giúp cho những người vượt biên trước kia không chỉ có thể liên lạc với người thân của họ ở Triều Tiên mà còn có thể gửi tiền cho họ. Quá trình của công việc này còn khá mạo hiểm với người ở Triều Tiên cũng như người gửi tiền vì lo sợ mình sẽ bị lừa.
Điện thoại của Trung Quốc là bất hợp pháp ở Triều Tiên, nhưng chúng rất rẻ và phổ biến. Từ cuối thập kỉ trước, những chiếc điện thoại này đã trở thành công cụ phổ biến cho gần 25.000 người vượt biên ở Hàn Quốc, Trung Quốc để nói chuyện và giúp đỡ những người thân ở Triều Tiên của họ.
Một bài điều tra gần đây ở Seoul với 400 người vượt biên cho biết có 50% số người vượt biên ở Hàn Quốc gửi tiền về cho gia đình họ, thường là nằm trong khoảng 470 USD đến 2280 USD một năm. 
Những người vượt biên vẫn làm vậy mặc dù phần lớn trong số họ phải vật lộn để kiếm sống tại đất nước Hàn Quốc có nhiều cạnh tranh. Lương hàng tháng trung bình của họ nằm vào khoảng 1320 USD, chỉ bằng một nửa so với mức lương của một công nhân Hàn Quốc bình thường. 
Anh Choi Jung-hoon, người vượt biên sống tại Seoul cho biết: “Cho dù chúng tôi có thu nhập rất thấp nhưng vẫn đủ ăn. Nếu chúng tôi không mua quần áo mới thì chúng tôi có thể để dành tiền để gửi cho người nhà ở Triều Tiên. Số tiền đó là rất lớn đối với họ”.
Liên lạc lại với gia đình – dù là để nói chuyện hay gửi tiền – không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cô Lee cho biết đã có một vài người môi giới không thể giúp cô nói chuyện được với chị gái sau khi cô trả cho họ 190 USD để có được một cơ hội nói chuyện với chị gái.
Dưới một hình thức chuyển tiền đơn giản, nhũng người vượt biên sử dụng ngân hàng điện tử để gửi tiền tới tài khoản ngân hàng của những tay trung gian tại một thành phố Trung Quốc sát biên giới Triều Tiên. Bên trung gian sẽ lấy 20-30% số tiền để làm lệ phí và nhờ một lái buôn có thể tự do qua lại biên giới vào Triều Tiên để chuyển số tiền còn lại cho người thân của những người đang sống ở nước ngoài.
Khâu chuyển tiền qua biên giới không phải lúc nào cũng cần thiết khi bên trung gian cũng tham gia vào việc buôn lậu đồ Trung Quốc để bán sang thị trường Triều Tiên. Ví dụ như một tay trung gian người Triều Tiên nợ tiền của người cung cấp bên Trung Quốc có thể trả nợ bằng cách đưa tiền cho người thân của những người vượt biên, nếu như người cung cấp có can thiệp vào việc chuyển tiền. Một lần chuyển tiền có thể cần đến vài khâu trung gian. Một người vượt biên không có mối liên lạc nào với Trung Quốc sẽ cần đến sự trợ giúp của một người vượt biên khác ở Hàn Quốc. Và nếu gia đình của một người vượt biên sống xa biên giới với Trung Quốc,việc chuyển tiền sẽ cần đến nhiều nỗ lực hơn bởi Triều Tiên giới hạn việc đi lại của công dân nước này và dịch vụ giao thông vận tải thì rất kém.
Ahn Kyung-su, một nhà vận động nhân quyền người Hàn Quốc đã từng nhiều lần phỏng vấn những người vượt biên từ Triều Tiên, cho biết những tay trung gian thường lừa dối những người vượt biên từ đầu, nhưng công việc sẽ dần đi vào trật tự và ngày càng hấp dẫn, khiến cho những tay trung gian quan tâm đến việc giữ được khách hàng nhiều hơn. Cùng thời điểm, những nhà hoạt động và người vượt biên nói rằng, Triều Tiên đang dần phát hiện ra chuyện này khi chính phủ đang dùng thiết bị dò sóng điện thoại Trung Quốc ở biên giới.
Vẫn chưa rõ có bao nhiêu người Triều Tiên đã bị bắt vì nhận tiền từ người thân ở Hàn Quốc hay thậm chí là nói chuyện với họ. Nhưng nhiều nhà hoạt động cũng cho biết nhiều người Triều Tiên đã thoát tội bằng cách hối lộ quan chức địa phương.
Số tiền chuyển qua biên giới có thể là chiếc phao cứu sinh cho nhiều người. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự tính tổng thu nhập quốc dân trên đầu người của Triều Tiên năm ngoái là 1320 USD. Mức thu nhập trung bình ở Hàn Quốc còn cao gấp 43 lần con số đó. Ở Triều Tiên, đồng tiền cũng rất mất giá khi các nhà phân tích cho biết ở khu vực nông thôn, một căn nhà cũng tiếu tốn ít nhất là 3000 USD.
Cô Lee muốn làm được nhiều điều hơn là chỉ chuyển tiền. Con đường đến với Seoul của cô rất dài, khi một lần bị bắt trở lại Triều Tiên, một lần trốn thoát khỏi trại lao động và 2 cuộc hôn nhân, một ở Trung Quốc, một ở Hàn Quốc. Nhưng cô vẫn không bao giờ quên được những người thân ở Triều Tiên. Cô nói: “Khi rảnh rỗi hay khi cô đơn tôi rất nhớ người thân của mình. Tôi nghĩ về họ, cố gắng quên họ đi nhưng rồi tôi lại nhớ đến họ”.
Trong cuộc điện thoại vào tháng 2, cô cũng biết được rằng cô không phải là người duy nhất làm chuyện này. Cô kể: “Chị tôi nói rằng chị nghĩ tôi đã chết hoặc ít khi liên lạc với chị vì tôi đang sống tốt ở đâu đó… Tôi cho chồng tôi nói chuyện với chị, và anh ấy nói rằng tôi nhớ và kể về chị gái tôi rất nhiều, và rồi chị tôi khóc rất lâu, nói rằng tôi vẫn không quên chị”.
Cô Lee cũng cho biết có được cuộc điện thoại đó là nhờ một người vượt biên khác cho cô số điện thoại của một người đàn ông ở Triều Tiên sở hữu trái phép một chiếc điện thoại Trung Quốc. Sau vài cuộc trao đổi qua điện thoại với cô Lee, người đàn ông này tìm đến địa chỉ của cô chị gái, đưa chị ta đến vùng núi biên giới để có thể bắt sóng di động từ phía Trung Quốc và gọi cho cô Lee. Anh dập máy để cô phải gọi lại, dĩ nhiên là để tiết kiệm tiền cước điện thoại. 
Tay trung gian sau đó sắp xếp một cuộc nói chuyện thứ 2 để chị gái Lee cho cô biết đã nhận được tiền, nhưng thực chất đó là lời nói của chị gái cô đã được ghi âm từ trước, tiếng nói ở đầu dây bên kia quá nhiễu khiến cô Lee không dám chắc chắn. Cô nói: “Tôi nói với anh ta rằng tôi không chắc đó có phải là chị gái tôi hay không, nhưng tôi vẫn cảm ơn anh rất nhiều vì đã giúp tôi được nói chuyện với chị ấy”.
Phong Đức