Phiên họp chung của Quốc hội Mỹ trong ngày phán xét 6/1 nhằm kiểm đếm lá phiếu đại cử tri vốn là một sự kiện mang tính thông lệ và hình thức. Tuy nhiên, những nỗ lực liên tiếp và các cáo buộc vô căn cứ của Tổng thống Donald Trump nhằm thách thức chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden khiến nhiều người quan tâm tới sự kiện này hơn thường lệ.
|
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng sắp đi đến hồi kết khi tới Ngày Phán xét. Ảnh: KT. |
Quá trình kiểm đếm phiếu tại Quốc hội là bước cuối cùng trong việc xác nhận chiến thắng của ông Biden sau khi Đại cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu bầu ông làm tổng thống ngày 14/12/2020. Cuộc họp này được tổ chức theo hiến pháp và bao gồm một số bước đặc trưng.
Các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ cáo buộc gian lận bầu cử của ông Trump cho biết họ sẽ chính thức phản đối kết quả, buộc lưỡng viện Quốc hội phải tổ chức bỏ phiếu riêng biệt về việc có công nhận các lá phiếu đại cử tri hay không.
Một nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tìm kiếm sự ủng hộ của ít nhất một thượng nghị sỹ tham gia vào nỗ lực của họ vì cần phải có ít nhất 1 thành viên của mỗi viện phản đối mới có thể buộc lưỡng viện đi đến các cuộc bỏ phiếu riêng biệt. Ngày 30/12 Thượng nghị sỹ bang Missouri Josh Hawley, một ứng viên tiềm năng trong cuộc đua sơ bộ vào Nhà Trắng năm 2024, cho biết ông sẽ tham gia vào các nỗ lực của nhóm nghị sỹ GOP tại Hạ viện.
Tuyên bố của ông Hawley đưa ra bất chấp lời kêu gọi của Lãnh đạo GOP tại Thượng viện Mith McConnell, yêu cầu các đồng nghiệp không tham gia vào nỗ lực “phù phiếm” của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Ông McConnell nói với các đồng nghiệp tại Thượng viện trong một cuộc họp tháng 12/2020 rằng đó sẽ là một “cuộc bỏ phiếu tồi tệ” mà các thành viên đảng Cộng hòa phải tham gia.
Điều gì xảy ra khi Quốc hội họp trong ngày 6/1?
Theo luật liên bang, Quốc hội phải họp vào ngày 6/1 để mở các văn bản chứng nhận đã được niêm phong từ mỗi bang trong đó bao gồm văn bản ghi chép về các lá phiếu đại cử tri. Các lá phiếu sẽ được đựng trong những chiếc hộp gỗ và đưa đến phòng họp của Quốc hội.
Đại diện các đảng từ cả 2 viện Quốc hội sẽ đọc kết quả và kiểm đếm chính thức. Phó Tổng thống Mỹ - Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ là người chủ trì cuộc họp và tuyên bố người chiến thắng.
Phiên họp sẽ được tổ chức như thế nào?
Hiến pháp quy định Quốc hội phải họp và kiểm đếm lá phiếu đại cử tri. Nếu xảy ra bế tắc, khi đó Hạ viện sẽ quyết định tổng thống, và mỗi bang sẽ chỉ có 1 hạ nghị sỹ đại diện bỏ phiếu. Điều đó chưa từng xảy ra kể từ những năm 1800 và chiến thắng ở đại cử tri đoàn của ông Biden trước ông Trump với tỷ lệ 306-232 là mang tính quyết định.
Hai viện Quốc hội họp vào khoảng buổi trưa ngày 6/1 để kiểm đếm phiếu. Nếu Phó Tổng thống – Chủ tịch Thượng viện không thể chủ trì cuộc họp, Chủ tịch tạm quyền của Thượng viện, hoặc Thượng nghị sỹ phục vụ lâu năm nhất của đảng chiếm đa số sẽ thực hiện trọng trách này. Chủ tịch tạm quyền Thượng viện là ông Chuck Grassley của bang Iwoa.
Người chủ trì cuộc họp sẽ mở phiếu và các bản chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang theo thứ tự alphabet. Những người đọc phiếu (được chỉ định từ mỗi viện và là thành viên của mỗi đảng) sau đó sẽ đọc từng bản xác nhận và đếm phiếu. Cuối cùng, người chủ trì sẽ tuyên bố người thắng đa số phiếu đại cử tri trở thành tân tổng thống và tân phó tổng thống.
Nếu có sự phản đối?
Sau khi những “người đọc phiếu” đọc các bản xác nhận của mỗi bang, bất cứ thành viên nào cũng có thể đứng lên và phản đối lá phiếu của bang đó vì bất cứ lý do gì. Tuy nhiên, để phản đối được đưa ra xem xét, cần phải có văn bản có chữ ký của ít nhất 1 thành viên Hạ viện và 1 thành viên Thượng viện.
Nếu sự phản đối đáp ứng điều kiện này, phiên họp chung sẽ dừng lại, Hạ viện và Thượng viện sẽ tiến hành họp riêng để xem xét. Để sự phản đối có hiệu lực, cả 2 viện phải đồng ý với đa số phiếu quá bán. Nếu cả 2 viện không đồng ý, số phiếu đại cử tri ban đầu sẽ vẫn được kiểm đếm.
Lần cuối cùng một sự phản đối được đưa ra xem xét là năm 2005, khi Hạ nghị sỹ Stephanie Tubbs Jones của bang Ohio và Thượng nghị sỹ Barbara Boxer của bang California, cả 2 đều là thành viên đảng Dân chủ, phản đối lá phiếu đại cử tri của bang Ohio với tuyên bố có các bất thường trong quá trình kiểm phiếu. Cả 2 viện đã tiến hành tranh luận về sự phản đối này và đã bác bỏ.
Những thách thức có thể thành công không?
Điều đó là rất rất khó, vì Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số và một số Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, trong đó có lãnh đạo McConnell, đã thừa nhận chiến thắng của ông Biden.
Một số thành viên cấp cao khác của đảng Cộng hòa cũng đồng ý với ông McConnell. Nhân vật số 2 của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ bang Nam Dakota John Thune, từng nói rằng nếu Thượng viện buộc phải bỏ phiếu về một thách thức nào đó nhằm đảo ngược kết quả bầu cử, điều đó cuối cùng cũng sẽ thất bại.
Theo ông Thune, thật phi lý khi đặt các thượng nghị sỹ vào một cuộc bỏ phiếu mà ai cũng “biết chắc kết quả cuối cùng sẽ như thế nào”.
Thượng nghị sỹ bang Texas John Cornyn, cũng nhận định, bất cứ nỗ lực nào từ các nghị sỹ GOP [nhằm đảo ngược kết quả bầu cử] cũng đều “phù phiếm” và sai lầm. Không có gian lận trên diện rộng nào trong cuộc bầu cử và điều này đã được các quan chức bầu cử cũng như Bộ trưởng Tư pháp từ chức mới đây William Barr xác nhận.
Vai trò của Phó Tổng thống Mike Pence
Phó Tổng thống đương nhiệm sẽ là người chủ trì cuộc họp chung của quốc hội. Đây là vị trí không thoải mái gì, vì chính ông Pence sẽ phải tuyên bố chiến thắng của đối thủ - cũng là thất bại của chính ông – một khi các lá phiếu đại cử tri được kiểm đếm. Ngày 6/1 sẽ đặc biệt căng thẳng đối với ông Pence vì Tổng thống Trump tới nay vẫn chưa nhận thua.
Tuy nhiên, ông Pence không phải là phó tổng thống đầu tiên ở vào tình huống như thế này. Năm 2001, Phó Tổng thống Al Gore chủ trì phiên họp đếm phiếu đại cử tri của cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, cuộc bầu cử mà chính ông đã thua đối thủ đảng Cộng hòa George W. Bush với cách biệt sít sao. Ông Gore đã phải gõ chiếc búa gạt qua một bên sự phản đối của một số thành viên đảng Dân chủ.
Năm 2016, Tổng thống đắc cử Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ cũng từng chủ trì phiên họp đếm phiếu đại cử tri tuyên bố ông Trump là người chiến thắng. Ông Biden cũng phải gạt bỏ sự phản đối từ các thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện vì sự phản đối này không nhận được ủng hộ ở Thượng viện.
Thất bại của ông Trump đã được định đoạt?
Phiên họp chung của Quốc hội là cơ hội chính thức cuối cùng cho bất cứ nỗ lực nào nhằm “lật kèo” bầu cử, sau hàng loạt vụ kiện ở tòa án đã được chứng minh là vô ích đối với ông Trump và đội ngũ của ông.
“Tôi nghĩ sẽ đến lúc bạn phải thừa nhận rằng, dù có nỗ lực hết sức, thì bạn cũng sẽ không thành công”, ông Cornyn nói.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN