Chiến tranh Lạnh là ví dụ điển hình cho quan hệ lưỡng cực khi gần như tất cả quốc gia trên thế giới đều chọn đứng về một phía, hoặc Mỹ, hoặc Liên Xô.
Dù các nhà phân tích trong nhiều năm qua ngần ngại dùng từ “lưỡng cực” để mô tả tình trạng ở Đông Á nhưng gần đây, khái niệm này đang dần được chấp nhận khi cuộc đấu tranh lâu dài giữa Trung Quốc và Nhật (với sự hỗ trợ của Mỹ) ngày càng căng thẳng.
Vốn dĩ, châu Á được cho là khu vực mang tính chất “đa cực” – nghĩa là không quốc gia nào đủ lớn mạnh để chiếm ưu thế mà thay vào đó, nhiều nước với thế lực tương đương cạnh tranh với nhau để tranh giành ảnh hưởng.
Tuy nhiên, kể từ khi “người khổng lồ Trung Quốc bắt đầu thức giấc” với sự tăng trưởng thần tốc những năm gần đây, thế cân bằng đã bị phá vỡ.
Hiện Trung Quốc là nền kinh tế thứ 2 của thế giới. Dù tốc độ phát triển đang bắt đầu chậm lại song vẫn nhanh gấp 3 lần Mỹ và gấp 6 lần Nhật Bản. Nếu tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển như vậy, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, dân số của nước này là 1,35 tỷ người. Cứ 5 công dân trên hành tinh sẽ có một người tới từ Trung Quốc. Nếu bình quân thu nhập đầu người của Trung Quốc bằng của Mỹ hoặc Nhật, thì tổng sản phẩm nội địa (GDP) của con rồng châu Á sẽ bằng GDP hiện nay của cả hành tinh cộng lại.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc vốn theo đuổi chiến lược "trỗi dậy hòa bình” nhằm tránh bị bao vây, chống đối, để tập trung phát triển kinh tế. Hiện nay sự tăng trưởng nhanh chóng, vượt trội của Trung Quốc đang dần tạo ra khoảng cách đáng kể giữa nước này với các quốc gia láng giềng của họ, từ Nhật Bản, Ấn Độ, Nga cho tới Philippines, Indonesia và Australia…
Tất cả những điều này gợi lên hình ảnh về một Trung Quốc là trung tâm của vũ trụ, có văn hóa và sức mạnh vượt trội các dân tộc và quốc gia xung quanh (đây cũng chính là ý nghĩa của cái tên Trung Quốc). Và điều này rõ ràng sẽ giúp ích cho Bắc Kinh rất nhiều trong việc khẳng định và củng cố tuyên bố chủ quyền của họ tại các vùng biển tranh chấp như biển Đông và Hoa Đông.
|
Quân đội Trung Quốc. |
Từ năm 2009, Trung Quốc ngày càng tạo ra nhiều mối đe dọa đối với khu vực cũng như tăng cường các động thái bắt nạt, ép buộc gây ra nhiều bất mãn cho các láng giềng của họ.
Tại biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ khu vực. Gần đây, Bắc Kinh tỏ rõ sự quyết đoán, khiêu khích và ngang ngược khi quyết liệt chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough – một khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông với Philippines. Bắc Kinh rõ ràng cũng áp dụng đường lối cứng rắn tại Biển Hoa Đông khi mới đây nhất đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không Biển Hoa Đông bao gồm cả quần đảo tranh chấp với Nhật Bản, Điếu Ngư/Senkaku.
Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, Nhật Bản là láng giềng Đông Bắc Á mạnh và có tiềm lực hơn hẳn so với các láng giềng nhỏ bé Đông Nam Á. Hơn nữa, Nhật Bản còn được đồng minh ruột của họ, Mỹ - cường quốc số 1 thế giới hỗ trợ.
Căng thẳng ngày càng leo thang tại Biển Hoa Đông thúc đẩy cuộc tranh đấu lưỡng cực giữa Trung Quốc và Nhật Bản, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng nỗ lực tăng ảnh hưởng thống trị đối với khu vực.
Trong quá khứ, Trung Quốc và Nhật Bản đều từng là những cường quốc thống trị châu Á. Tuy nhiên, những quốc gia muốn theo đuổi chủ nghĩa bá quyền lại không thể tránh khỏi việc đụng độ với các chính phủ chống chủ nghĩa bá quyền, không chấp nhận việc bị xâm lược, kiểm soát, giật dây. Đó là lẽ đương nhiên.
Đôi khi chủ nghĩa bá quyền có thể chiến thắng – chẳng hạn châu Âu dưới thời Rome duy trì thế đơn cực. Và châu Á thời phong kiến trong một vài giai đoạn cũng nằm dưới sự thống trị của các triều đại Trung Quốc. Nhưng mọi sự thống trị đều không chắc chắn, bền vững mãi mãi.
Những quốc gia chống bá quyền không ít và không thể bị khuất phục. Đặc biệt, nếu họ liên kết với nhau, tập hợp sức mạnh của họ là vô biên. Chủ nghĩa bá quyền của Napoleon hay Đế quốc Nhật Bản cuối cùng đã thất bại bởi tập hợp sức mạnh này.
Hiện vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ Trung Quốc đang thực sự theo đuổi quyền bá chủ khu vực. Nhưng gần đây, các nhà phân tích Mỹ và Nhật Bản ngày càng tin vào khả năng này.
Dù vậy, không ai tin rằng, Trung Quốc thực sự có ý định xâm lược hoặc sáp nhập, thậm chí các láng giềng yếu nhất như Campuchia hoặc Triều Tiên. Thay vào đó, giới quan sát cho rằng, Trung Quốc sẽ tìm cách thiết lập ảnh hưởng lên các láng giềng tương tự như những gì Mỹ làm được ở Mỹ La tinh.
Năm 1823, Tổng thống Mỹ James Monroe công bố Học thuyết Monroe, trong đó, cảnh báo mọi quốc gia khác đừng hòng để mắt đến Tây Bán Cầu nếu không sẽ phải hứng chịu đòn trừng phạt từ Mỹ. Học thuyết này chứng tỏ tính hiệu quả gần 200 năm qua. Mỹ đã sử dụng mọi biện pháp và phương tiện từ các lực lượng vũ trang, tình báo cho đến các nguồn viện trợ, hỗ trợ, các hợp đồng thương mại để giữ ảnh hưởng tại Mỹ La tinh và đẩy lùi các cường quốc nước ngoài ra khỏi “sân sau” của họ.
Theo đó, nếu Trung Quốc đạt được mục đích, có khả năng khu vực sẽ xảy ra những hiện tượng sau:
- Quân đội Mỹ buộc phải rút lui khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc.
- Hải quân Mỹ cũng mất ảnh hưởng tại Đông Nam Á, phải lùi về Hawaii. Khu vực Thái Bình Dương rộng lớn sẽ bị chia sẻ, trong đó, một phần phía đông sẽ do Mỹ chi phối còn phía tây sẽ thuộc về Trung Quốc. Theo đó, Hải quân Trung Quốc sẽ hoạt động vượt ra khỏi ranh giới của cái gọi là chuỗi đảo thứ 2 chạy từ Nhật Bản theo hướng đông nam tới New Guinea.
- Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành loại tiền tệ mạnh ở Đông Nam Á và có thể ở cả bán đảo Triều Tiên.
- Chính sách đối ngoại của các láng giềng của Trung Quốc sẽ phải phù hợp với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
- Đài Loan bị cô lập hoặc thậm chí, bị sáp nhập.
Tuy nhiên, những viễn cảnh như trên vẫn còn xa vời. Đây sẽ là kế hoạch dài hạn trong nhiều thập kỷ tiếp theo nếu có của Trung Quốc, tương tự như Mỹ phải mất nhiều thập kỷ để giành được vị thế bá chủ tại Mỹ La tinh. Nhưng sự bành trướng sức mạnh và quyền hạn của Trung Quốc gần đây cũng có nghĩa, kỷ nguyên vượt trội của Mỹ ở châu Á đang dần đến hồi kết thúc.
Bạch Dương (theo Diplomat)