Động lực lớn nhất thúc đẩy Anh và EU hoàn tất đàm phán Brexit là gì?

Google News

Sau quá nhiều căng thẳng và mệt mỏi, EU và Anh giờ đã có một thỏa thuận lịch sử trên nhiều khía cạnh, một thỏa thuận được đánh giá là ít tồi tệ nhất mà hai bên có thể đạt được.

Sau gần 9 tháng đàm phán cam go, ngày 24/12 vừa qua, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận tái định hình quan hệ thương mại giữa hai bên trong tương lai sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc ngày 31/12/2020. Với thỏa thuận này, hai bên đã chính thức hoàn tất tiến trình Brexit đưa Anh rời khỏi EU sau gần 5 năm diễn ra cuộc trưng cầu ý dân năm 2016.
Dong luc lon nhat thuc day Anh va EU hoan tat dam phan Brexit la gi?
Thủ tướng Anh và quan chức EC. Ảnh: Tân Hoa xã. 
Tháng 3/2020, gần 4 tháng sau khi đạt được thỏa thuận thống nhất các điều khoản về việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU, các cuộc đàm phán để xây dựng một thỏa thuận mới hậu Brexit, định hình quan hệ chiến lược giữa EU và Anh trong nhiều thập kỷ tới, mới được tiến hành.
Sự khởi đầu chậm trễ đến từ 2 lí do, một phần vì khi đó đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng lên tại châu Âu, các nước bắt đầu hoảng loạn, nhưng phần quan trọng hơn, đó là khi đó chính phủ Anh tin rằng, chiến lược đẩy mối đe dọa “Brexit không thảo thuận” đến đỉnh điểm của mình sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả, như đã từng thành công trong cuối năm 2019. Vào thời điểm đó, uy tín của chính phủ đảng Bảo thủ và cá nhân Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang lên cao sau thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2019 và ông Boris Johnson tự tin khẳng định, việc đàm phán với EU sẽ chỉ cần 9 tháng để hoàn tất.
Thời gian là thách thức lớn đầu tiên bởi thông thường, một thỏa thuận tương tự phải mất 3-4 năm đàm phán. Và đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 tàn phá châu Âu, buộc các nước phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới, các đàm phán buộc phải tiến hành từ xa. Khi có cơ hội đàm phán trực tiếp, một số thành viên trong cả hai phía lại nhiễm bệnh, buộc các đoàn đàm phán phải cách ly.
Nhưng khó khăn, bế tắc lớn nhất khiến 10 tháng đàm phán vừa qua trở nên vô cùng mệt mỏi với các nhà đàm phán EU và Anh là quan điểm không khoan nhượng trong 3 chủ đề. Hai bên vạch ra quá nhiều ranh giới đỏ. Với EU, đó là điều kiện cạnh tranh thương mại công bằng, tức buộc nước Anh phải tuân theo các tiêu chuẩn tương tự EU về môi trường, lao động, trợ cấp nhà nước… nếu nước Anh muốn giữ nguyên quyền tiếp cận vào thị trường chung 450 triệu dân của EU. EU cũng muốn các ngư dân của mình tiếp tục giữ được quyền đánh bắt cá như trước kia trong vùng biển giàu hải sản của Anh, và chỉ chấp nhận nhượng lại nhiều nhất là 15% sản lượng. Đổi lại các yêu cầu từ phía EU, chính phủ Anh đưa ra lá bài duy nhất là chủ quyền. Mọi quan chức Anh đều tuyên bố, nước Anh đã rời khỏi EU để lấy lại toàn bộ chủ quyền và sẽ không có chuyện EU tiếp tục áp đặt các quy định của mình cho nước Anh.
Quan điểm không nhượng bộ này từ cả hai phía, đặc biệt là cách tiếp cận mang nặng biểu tượng chính trị từ Anh khiến các đàm phán bế tắc trong suốt 9 tháng. Minh họa rõ nhất cho điều này là chính phủ Anh đấu tranh đến cùng cho lĩnh vực nghề cá, vốn chỉ chiếm 0,1% GDP nước Anh với 12 ngàn lao động nhưng lại gần như bỏ mặc lĩnh vực tài chính, vốn chiếm 7% GDP và gần 1,1 triệu lao động Anh. Lí do, là vì việc kiểm soát lại vùng biển nước Anh được coi như biểu hiện hữu hình rõ nhất của Brexit, về việc nước Anh lấy lại chủ quyền để kiểm soát biên giới.
Các bế tắc kéo dài bất chấp mọi nỗ lực thúc đẩy cấp cao từ cả hai phía khiến hơn 10 hạn chót được hai phía đưa ra nhưng đều bị lỡ. Phải đến giữa tháng 11/2020, các tiến triển quan trọng mới xuất hiện, với sự nhượng bộ từ phía Anh trong việc hạ thấp yêu cầu về lấy lại sản lượng nghề cá, và từ phía EU khi yêu cầu Anh tuân thủ các tiêu chuẩn cạnh tranh công bằng nhưng không đi kèm một cơ chế ràng buộc pháp lý cứng rắn.
Bước vào những tuần cuối cùng của tháng 12/2020, động lực lớn nhất thúc đẩy đàm phán hoàn tất là sự mệt mỏi và kiệt quệ năng lượng từ cả hai phía, cùng hình ảnh thực tế của hàng nghìn xe tải mắc kẹt ở cảng Dover nước Anh khi không thể qua biên giới châu Âu, khiến hai bên ý thức rõ hơn bao giờ hết hậu quả của một “Brexit không thỏa thuận”. Sau quá nhiều căng thẳng và mệt mỏi, EU và Anh giờ đã có một thỏa thuận lịch sử trên nhiều khía cạnh, một thỏa thuận được đánh giá là ít tồi tệ nhất mà hai bên có thể đạt được vào lúc này.
Theo Quang Dũng/VOV.VN