Chuyên gia Rohan Gunaratna nhận định: "Các chính phủ trong khu vực (Đông Nam Á) phải phối hợp với nhau để ngăn chặn việc thành lập một khu vực vệ tinh của IS".
Trọng điểm để IS tuyển mộ chiến binh
Hàng trăm người từ các nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore, đã tham gia tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Thậm chí, phiến quân IS đã thành lập nhóm gọi là "tiểu đoàn chiến binh Đông Nam Á”. Tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long một lần nữa cho thấy rằng Đông Nam Á đã trở thành khu vực nguy hiểm thứ hai trên thế giới chỉ sau Trung Đông do các vụ tấn công khủng bố gây ra.
Chiếm 15% trong số 1,57 tỷ người theo đạo Hồi trên thế giới, Đông Nam Á đang trở thành khu vực trọng điểm để IS nuôi ý đồ thành lập một tỉnh do chúng lộng hành.
|
Malaysia và Indonesia đang là nơi để IS tuyển mộ các giảng viên có chuyên môn cao về các loại vũ khí, vật liệu nổ. |
Cơ chế miễn thị thực nhập cảnh của Malaysia - nước có rất nhiều tín đồ Hồi giáo đã khiến Kuala Lumpur trở thành “trạm trung chuyển” và nơi “hội tụ-phân tán” của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Giới chức chống khủng bố Indonesia cho rằng có ít nhất 1.000 người ủng hộ IS ở nước này. Còn Soufan Group, cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở ở New York ước tính có từ 500-700 công dân Indonesia đã gia nhập IS ở Syria, Iraq và rất nhiều trong số này đã trở về quê nhà. Malaysia và Indonesia đang là nơi để IS tuyển mộ các giảng viên có chuyên môn cao về các loại vũ khí, vật liệu nổ.
Ngay từ những ngày đầu năm 2016, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới là Indonesia đã xảy ra một vụ tấn công được xem là tương tự với vụ thảm sát tại Paris diễn ra cách đó chỉ hai tháng. Hiểm họa IS qua những phần tử cực đoan “chuyển lửa” từ Trung Đông về quê nhà Đông Nam Á đã trở thành hiện thực.
Hành động quân sự là chưa đủ
Kêu gọi duy trì một giải pháp mang tính “cương quyết và thận trọng” trong cuộc chiến chống khủng bố đã được Thủ tướng Malaysia Najib Razak đưa ra tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 13. Giới chức ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo để ngăn chặn IS.
Hợp tác chống khủng bố đã trở thành vấn đề quan trọng của các nước ASEAN trong các diễn đàn, hợp tác quốc tế thời gian gần đây. Đó là hợp tác chia sẻ thông tin giữa ASEAN và Nhật Bản trong thời điểm Nhật Bản thành lập đơn vị đặc biệt thu thập thông tin khủng bố. Thoả thuận hợp tác về quân sự chống khủng bố, sẵn sàng hỗ trợ đối phó với các vụ tấn công khủng bố cũng đã được các mối quan hệ song phương Singapore - Australia, Malaysia - Saudi Arabia và giữa Indonesia với Nga, Australia, Malaysia thúc đẩy.
Tuy nhiên, hành động quân sự cũng như những hợp tác về an ninh là chưa đủ để ngăn chặn IS. Giải pháp tối ưu cho cuộc chiến chống khủng bố không chỉ là vấn đề rất khó khăn đối với khu vực Đông Nam Á, mà là khó khăn của toàn cầu. Trong bài phát biểu hiếm hoi ở Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh về "giai đoạn mới" của chủ nghĩa khủng bố, đồng thời thừa nhận "cuộc chiến chống khủng bố nói chung và chống IS nói riêng sẽ tiếp tục vấp phải nhiều khó khăn".
Bản thân ASEAN, trong giải pháp đưa ra để chống IS, cũng tồn tại nhiều mâu thuẫn đan xen với giải pháp phát triển kinh tế, xã hội. Và đây cũng là mâu thuẫn khó tránh khỏi trong thời đại toàn cầu hoá. ASEAN đang tạo được nhiều lợi thế trong ngành du lịch, khi mà mỗi năm, khu vực này thu hút được khoảng 7 triệu công dân Châu Âu. Để đạt mục tiêu thu hút 20 triệu du khách vào năm 2019, Indonesia vừa quyết định miễn thị thực cho công dân của 75 quốc gia. Malaysia là một trong số ít các quốc gia Hồi giáo đang đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ người tị nạn Syria, đặc biệt với tuyên bố sẽ nhận 3.000 người tị nạn Syria trong vòng 3 năm tới. Đây sẽ là con đường vô cùng thuận lợi để IS xâm nhập vào khu vực, tuyển mộ chiến binh và mở rộng khủng bố. Người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar, vốn bị coi là bị phân biệt đối xử nặng nề sẽ không ngần ngại tham gia IS, nếu chính quyền Myanmar không có giải pháp phù hợp cho tiến trình hoà hợp dân tộc.
Cũng giống như vụ thảm sát tại Paris, vụ tấn công khủng bố tại Indonesia vừa qua đã có dấu hiệu cảnh báo từ trước. An ninh Indonesia đã được siết chặt, nhất là tại các nơi vốn dễ dàng trở thành mục tiêu của khủng bố. Tuy nhiên, IS lại không tấn công tại những nơi được coi là mục tiêu này. Việc đưa cuộc thánh chiến từ mô hình “chiến tranh du kích” trong các khu rừng của Indonesia vào thành phố mà tên khủng bố Naim đã viết trên trang blog sau vụ khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris xảy ra đã trở thành hiện thực.
Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo sẽ không từ một thủ đoạn dã man tàn bạo nào và người dân Đông Nam Á, trong sức mạnh của cả một cộng đồng chung, hơn bao giờ hết cần phải "đoàn kết và tự cường" để ứng phó với hiểm hoạ khủng bố đang ngày càng gia tăng.
Minh Hoa