Ngày 8/7, Iran tuyên bố cấp độ làm giàu uranium của nước này là trên 4,5%, vượt xa ngưỡng cho phép theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết hồi năm 2015. Các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng xác nhận Iran đang làm giàu uranium vượt quá giới hạn 3,67%.
Ngay sau đó, nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ,... đã lên tiếng chỉ trích động thái mới nhất của Tehran. Liên minh Châu Âu (EU) kêu gọi Iran ngừng các hành động có thể phá vỡ thỏa thuận, còn Mỹ cảnh báo Tehran sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt mới.
|
Tổng thống Iran Rouhani thăm một nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, theo chuyên gia về Trung Đông Paul Heroux, Châu Âu có thể sẽ không trừng phạt Iran.
"Tôi nghĩ EU nhận ra rằng Iran không phải là vấn đề hiện nay, mà bên thực sự có vấn đề là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chúng ta đã có một thỏa thuận và ông Trump cơ bản muốn xóa bỏ nó. Thay vì liên kết chặt chẽ hơn với Washington, Châu Âu tiếp tục giữ vai trò là bên thứ ba, không hoàn toàn đứng về phía Washington hay Tehran”, ông Heroux nhận định.
Trên tờ Foreign Policy, giới chuyên gia cho rằng việc Iran vượt giới hạn kho urani chỉ là một động thái mang tính biểu tượng hơn là một bước đi chắc chắn hướng tới việc sở hữu vũ khí hạt nhân.
“Đây không phải là gạch nối dẫn tới một quả bom hạt nhân. Đó là một động thái có tính toán, được đưa ra nhằm giành lại ưu thế trong thương lượng với Châu Âu, Nga và Trung Quốc về nới lỏng trừng phạt”, ông Kelsey Davenport, Giám đốc Chính sách cấm phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA), nói.
"Chính phủ Iran đang cố tạo ra khủng hoảng nhằm thúc đẩy một cuộc đàm phán đa phương mà không gây ra chiến tranh", Reuters dẫn bình luận của Jon Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Phó Đô đốc từng chỉ huy Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ John Miller cũng cho rằng hầu hết những động thái vi phạm (thỏa thuận JCPOA) gần đây của Iran là nhằm gây áp lực, yêu cầu các nước Châu Âu phải nới lỏng trừng phạt. Nhưng theo ông, nỗ lực đó nhiều khả năng sẽ không thành công.
Mời độc giả xem thêm video về Tổng thống Rouhani (Nguồn: VTC14)
Còn theo Udo Steinbach, cựu Giám đốc của Viện nghiên cứu Trung-Đông Đức, các nhà lãnh đạo Châu Âu nên gây thêm sức ép đối với Mỹ để đạt được một thỏa thuận. Nếu lệnh trừng phạt của Mỹ càng kéo dài và mối đe dọa từ Iran càng gia tăng thì cuối cùng EU sẽ bị đẩy về phía Mỹ.
Trước tình hình hiện nay, Daniel Byman, chuyên gia cao cấp về chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định Iran đang tạo ra thế cân bằng một cách khôn khéo.
"Bước đi này (nâng mức làm giàu uranium) nhằm để người dân trong nước thấy rằng Iran đang đứng trước áp lực của Mỹ, đồng thời nó cũng khiến Châu Âu cảm nhận thấy rủi ro về khả năng Iran có thể gây ra một cuộc khủng hoảng", chuyên gia Daniel nói.
Thiên An (T.H)