|
Tổng thống Mỹ đau đầu trước bàn cờ địa chính trị Trung Đông.
|
Thanh sát viên LHQ tới hiện trường vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria
Các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đã tới một vùng ngoại ô của Damascus để gặp gỡ các nạn nhân của các vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học, sau khi chính phủ Syria cho nhóm này tới điều tra trước áp lực từ cộng đồng quốc tế.
|
Thanh sát viên LHQ đã tới hiện trường được cho là sử dụng vũ khí hóa học.
|
Truyền hình nhà nước Syria ngày 26/8 đưa tin các binh sĩ đã tháp tùng các thanh sát viên đến vùng ngoại ô Moadamiyeh nằm ở phía Tây Nam thủ đô Damascus. Đây là một trong các quận do lực lượng nổi dậy kiểm soát và cũng là nơi xảy ra các vụ tấn công hôm 21/8.
Nhóm thanh sát của Liên Hợp Quốc đã đến thăm một bệnh viện dã chiến ở Moadamiyeh để nói chuyện với các nạn nhân thoát chết trong vụ tấn công và để lấy mẫu xét nghiệm.
Trong khi các thanh sát viên tới Moadamiyeh, các tay súng bắn tỉa đã nhả đạn vào một trong những chiếc xe của họ, làm hư hại chiếc xe này và buộc nhóm thanh sát phải trở lại một chốt kiểm soát của chính phủ trước khi quay trở vào bên trong quận do phe nổi dậy kiểm soát. Không ai bị thương.
Chính phủ Syria cáo buộc những kẻ khủng bố vũ trang đã nhắm mục tiêu vào các thanh sát viên. Quân nổi dậy và chính phủ Syria đã đổ lỗi cho nhau gây ra cái chết của hàng trăm thường dân trong các vụ “tấn công bằng vũ khí hóa học”.
Các cường quốc phương Tây nói họ tin rằng các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad chịu trách nhiệm gây ra các vụ tấn công này. Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh và Pháp hiện vẫn đang thảo luận về hành động đáp trả, có thể là một sự can thiệp quân sự vào cuộc xung đột kéo dài hai năm qua ở Syria.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói các cường quốc phương Tây “không thể có được bằng chứng” rằng chính phủ Syria đã gây ra cuộc tấn công hóa học như bị cáo buộc.
Những cái khó của Tổng thống Obama trong việc quyết định can thiệp quân sự
Giữa lúc Tổng thống Mỹ Barack Obama cân nhắc liệu có nên tấn công Syria do những cáo buộc cho rằng nước này sử dụng vũ khí hóa học, ông phải xét tới một số yếu tố pháp lý quan trọng.
|
Tổng thống Mỹ là tổng tư lệnh của quân đội, nhưng quyền tuyên bố chiến tranh và kiểm soát ngân quỹ tài trợ chiến tranh lại thuộc về quốc hội. |
Theo Hiến pháp Mỹ, tổng thống là tổng tư lệnh của quân đội, nhưng quyền tuyên bố chiến tranh và kiểm soát ngân quỹ tài trợ chiến tranh lại thuộc về quốc hội.
Ngoài ra, một đạo luật về quyền hạn trong chiến tranh áp dụng đã 4 thập niên nay đòi tổng thống phải báo cho quốc hội nội trong 48 giờ đồng hồ quyết định gửi binh sĩ đi tham chiến, đồng thời không cho phép các lực lượng quân sự Mỹ được triển khai quá 60 ngày, nếu không có sự chấp thuận của các nhà lập pháp.
Từ khi có hiệu lực, nghị quyết về các quyền hạn chiến tranh đã gây tranh cãi giữa các vị tổng thống và quốc hội Mỹ. Các vị tổng thống Mỹ đã nhiều lần ra lệnh can thiệp quân sự ở nước ngoài sau khi tham khảo ý kiến của giới lãnh đạo quốc hội, tuy nhiên không tìm kiếm sự chấp thuận thông qua một cuộc biểu quyết tại quốc hội.
Một giáo sư dạy Quan hệ Quốc tế tại Đại học Boston, Michael Corgan, nói với VOA rằng Tổng thống Obama sẽ được rộng tay hành động chống Syria, nếu ông quyết định làm việc ấy.
Hai năm trước, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho quân đội Mỹ tham gia chiến dịch không kích Libya theo một nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nhưng ông không tìm kiếm sự chấp thuận của quốc hội.
Trong khi chưa có nghị quyết nào về việc tham chiến tại Syria, Mỹ có thể phải dựa vào các đồng minh như Anh và Pháp, nếu Washington quyết định ra tay.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói Tổng thống Obama đang “nghiên cứu những sự kiện trước khi đưa ra một quyết định có cân nhắc về một đường lối có trách nhiệm để tiến tới phía trước.”
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài truyền hình CNN hồi tuần trước, Tổng thống Obama lưu ý rằng “có những quy định trong luật quốc tế” hướng dẫn cách hành xử trong chiến tranh. Ông nói: “Khi chúng ta bắt đầu chứng kiến vũ khí hóa học được sử dụng trên quy mô lớn... thì điều đó bắt đầu có liên hệ tới một số quyền lợi cốt lõi của Mỹ về việc phải bảo đảm vũ khí có hủy diệt hàng loạt không được phổ biến và trách nhiệm của Mỹ phải bảo vệ các đồng minh và các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực” .
Giáo sư Corgan của Đại học Boston nói Washington phải làm một điều gì đó, nếu không thì chính phủ Mỹ sẽ hoàn toàn mất uy tín tại Trung Đông.
Lê Chân (tổng hợp)