Phương Tây có đủ tiềm lực để gửi quân sang Ukraine?

Google News

(Kiến Thức) - Ở thời điểm hiện tại, trong khi cắt giảm chi tiêu cho ngân sách quốc phòng, các nước phương Tây đang suy tính xem có nên gửi quân sang Ukraine.

Một quan chức cao cấp của Cục Tình báo Anh (MI6) cho hay, bất cứ hành động quân sự của Anh hay phương Tây ở Ukraine có thể dẫn tới cuộc đối đầu với Nga.
“Việc Anh hay phương Tây gửi quân đội tới Ukraine để hỗ trợ cho chính quyền nơi đây sẽ là không đáng để khuấy động một cuộc Chiến tranh Thế giới 3”, nguồn tin tiết lộ.
Theo đó, vị quan chức tình báo Anh của MI6 (được biết đến với bí danh là C) đã báo cáo với Thủ tướng Anh David Cameron rằng, Tổng thống Nga Putin sẽ không “ngồi yên” khi phương Tây gửi quân tới Ukraine.
  Các binh sĩ Mỹ và xe bọc thép chiến đấu M2A2 Bradley tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hồi năm 2011.
Trong khi đó, các quan chức của liên minh quân sự NATO cũng xem xét nhiều phương án khác nhau để trừng phạt Nga sau vụ sáp nhập Crimea và các cáo buộc liên quan tới nguy cơ tấn công lãnh thổ Ukraine một lần nữa. NATO đang phân vân các lựa chọn trong bối cảnh căng thẳng cũng như bất ổn ở miền đông Ukraine. Một mặt, họ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt về kinh tế lên Nga. Mặt khác, họ cũng tính tới việc gửi binh sĩ sang Ukraine để hỗ trợ cho chính phủ lâm thời ở Kiev (mà hiện tỏ ra bất lực trước làn sóng biểu tình ở miền đông Ukraine).
Tuy nhiên, các nhân viên tình báo của MI6 và Cơ quan tình báo Quân đội (DIS) Anh cảnh báo rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể biến thành một cuộc nội chiến bạo lực ở miền đông nước này, nơi có nhiều người biểu tình thân Nga chiếm giữ các tòa nhà công quyền.
Để có thể đưa ra lời cảnh báo trên, các nhóm trinh sát của Anh đã đi tới các nơi trên khắp đất nước Ukraine để “làm rõ ý định của Tổng thống Putin”. Nhóm lực lượng Anh này đã tới thị sát ở các thành phố và thị trấn của Ukraine, nơi ghi nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất từ Nga.
Qua những lần thị sát như vậy, các chuyên gia phân tích Anh đưa ra kết luận rằng, chính quyết định cắt giảm quân sự ở các quốc gia châu Âu đã khuyến khích ông Putin tiến hành các hành động táo bạo hơn.
“Ông Putin không coi các nước châu Âu là mối đe dọa đối với Nga cả. Mỹ có lẽ là quốc gia duy nhất có thể khiến ông Putin lo lắng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga (tức Putin) tính toán rằng, Tổng thống Obama sẽ ngần ngại trong việc đưa quân sang Ukraine sau khi can thiệp vào Iraq và Afghanistan”, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh tiết lộ.
 Những người biểu tình thân Nga ở Slavyansk, tỉnh Donetsk, Ukraine.
Dư luận quốc tế cũng chỉ ra một số yếu thế của quân đội Anh, Mỹ hay của các nước châu Âu ở thời điểm hiện tại một khi các nước này tính chuyện gửi quân sang hỗ trợ Ukraine. Cụ thể, lực lượng Anh đang có sức mạnh ở mức thấp nhất trong vòng hơn 100 năm nay.
Theo đó, quân đội thường trực của nước này sẽ giảm xuống còn 82.000 quân vào năm 2015. Tất cả các binh sĩ đóng ở Đức sẽ nhận lệnh trở về nước. Chưa kể, trong vòng ít nhất 5 năm tới, Hoàng gia Anh sẽ không có một tàu sân bay nào được đưa vào phục vụ. Về phía Mỹ, Quốc hội nước này cũng mới phê chuẩn bản ngân sách quốc phòng thấp nhất trong nhiều năm qua. Thêm vào đó, quân đội Mỹ cũng buộc phải thu nhỏ quy mô của mình.
Vào đêm hôm qua (20/4), một nguồn tin tình báo cấp cao Anh tiết lộ rằng: “Anh và phương Tây không tin tưởng Putin. Ông ta (Tổng thống Nga) đã không trung thực về vai trò của Nga trong cuộc bất ổn ở miền đông Ukraine. Vậy, bây giờ tại sao các lãnh đạo phương Tây lại nên tin tưởng ông ấy?”.
Trong khi đó, mối đe dọa về một cuộc nội chiến đã tiến thêm một bước gần hơn vào cuối tuần qua sau khi nổ ra cuộc đấu súng ở Slavyansk giữa nhóm biểu tình thân Nga và các tay súng lạ mặt (được cho là thành viên Right Sector).
Thanh Nga (theo Mirror)