Các phương tiện truyền thông phương Tây ngay lập tức phản ứng trước việc đảng SYRIZA thắng cử gây sốc trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp ngày 20/9.
|
Ông Tsipras nhận được "cơ hội thứ hai" trên cương vị Thủ tướng Hy Lạp và người đứng đầu đảng Syriza. |
Báo Wall Street Journal gọi chiến thắng của cựu Thủ tướng Alexis Tsipras và đảng Syriza là “bàng hoàng” song cũng không quên nhắc rằng ông trở lại với quyền lực lần này “là để thực thi những cải cách cứng rắn mà trước đây các công dân đã chống đối”.
Các phương tiện truyền thông Đức cho rằng cử tri Hy Lạp đã chọn "thứ đỡ tệ hại hơn”. Theo báo Handelsblatt, sự thất vọng của cử tri trước những lời hứa chưa được thực hiện của ông Tsipras và không hài lòng vì áp dụng biện pháp mới về tiết kiệm thắt lưng buộc bụng là không hề nhỏ. Nhưng cử tri Hy Lạp lại ghét đảng bảo thủ Dân chủ mới hơn và không muốn một lần nữa thấy đảng này nắm quyền. Theo quan điểm của tác giả bài báo, tâm trạng này phần nhiều phân định kết quả bầu cử Hy Lạp ngày 20/9.
Ông Tsipras nhận được "cơ hội thứ hai" trên cương vị Thủ tướng Hy Lạp và người đứng đầu đảng Syriza. Thậm chí sự chia rẽ trong đảng cũng thành lợi thế của tân Thủ tướng Tsipras. Ông có thể biến Syriza từ cực tả thành một đảng dân tộc ôn hòa. Báo Handelsblatt đánh giá tích cực về việc đảng Syriza không giành được đa số tuyệt đối vì không một đảng nào có thể đơn độc đương đầu với những vấn đề hiện nay ở Hy Lạp. Báo này cho rằng sự lựa chọn tốt nhất đối với ông Tsipras có lẽ là liên minh với các đảng trung dung có xu hướng thân Châu Âu.
Báo Đức Sueddeutsche Zeitung viết qua sự lựa chọn của mình, cử tri Hy Lạp đã chấp nhận tiến hành cải cách kinh tế. Cử tri Hy Lạp đã quay lưng với đảng Dân tộc thống nhất gồm các thành viên cấp tiến ly khai từ Syriza, bởi không ưa ý tưởng phiêu lưu của họ. Đảng Dân chủ mới cũng không phải là phương án lựa chọn khả thi so với Syriza. Vì vậy báo này đi đến kết luận rằng người Hy Lạp đã chọn “thứ đỡ tệ hại hơn”, còn ông Alexis Tsipras làm dân thất vọng ít hơn so với các chính trị gia khác. Bây giờ, Thủ tướng Tsipras không những phải vực dậy nền kinh tế Hy Lạp, mà còn cần khôi phục sự tin cậy của công dân vào đường lối chính trị của mình.
Khi bình luận về chiến thắng của Syriza, báo chí Pháp đều ghi nhận thái độ nhẹ nhàng của cử tri đối với đảng này cũng như tỷ lệ đi bỏ phiếu khá thấp. Báo Le Monde viết rằng "có vẻ như các cử tri không giận cựu Thủ tướng Tsipas về lời hứa hồi tháng 1/2015 chấm dứt biện pháp ‘thắt lưng buộc bụng’ cũng như về sự quay ngoắt của ông khi đồng ý ký thỏa thuận với các chủ nợ chỉ một tuần sau chiến thắng vang dội trong cuộc trưng cầu ngày 5/7/2015”. Tuy nhiên, báo Le Monde cho rằng tỷ lệ hơn 40% cử tri không tham gia bỏ phiếu chính là "lời cảnh báo nghiêm khắc không thể bỏ qua đối với chính phủ Hy Lạp sắp tới".
Báo Le Figaro giải thích rằng tỷ lệ “phiếu trắng” (không đi bỏ phiếu) khá cao một phần cũng do cách tiến hành các cuộc bầu cử ở Hy Lạp. Báo này lưu ý rằng đây là cuộc bầu cử cấp quốc gia thứ ba trong vòng có 8 tháng và là cuộc bầu cử thứ 5 kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp năm 2010. Về dự báo tương lai, Le Figaro viết: "Có thể chờ đợi bất cứ điều gì từ ông Tsipras. Trong quá trình 5 lần lãnh đạo vận động tranh cử của đảng Syriza, ông Tsipras không còn bảo vệ các biện pháp chính trị có hướng chống lại nền kinh tế, nhưng ông chống lại các biện pháp mà Brussels áp đặt".
Minh Châu (Theo Sputnik)