Số phận Snowden nằm trong tay Tổng thống Putin?

Google News

(Kiến Thức) - Theo nhiều nguồn tin, "người hùng" Snowden đang giữ hàng nghìn bản sao tài liệu tối mật của Mỹ và số phận của anh ta hiện nằm trong tay Tổng thống Nga Putin.

 "Người hùng" Snowden hiện vẫn ở trong lãnh thổ Nga.

Xóa tan mọi đồn đoán xung quanh việc Edward Snowden mất tích, đích thân ông chủ Điện Kremlin hôm qua thừa nhận, cựu nhân viên CIA Mỹ vẫn đang ở khu vực quá cảnh của sân bay quốc tế Sheremetyevo tại Moscow. Đồng thời, Tổng thống Putin thẳng thừng tuyên bố sẽ không giao Snowden cho Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng mạnh mẽ phủ nhận các tin đồn Moscow đang lợi dụng và khai thác thông tin từ Snowden với tuyên bố, tình báo Nga vẫn giữ khoảng cách nhất định với Snowden: “Mật vụ Nga chưa từng gặp và trao đổi với Snowden đồng thời cũng không đang khai thác anh ta hôm nay (hôm 25/6). Anh ta vẫn đang ở khu vực quá cảnh (của sân bay Sheremetyevo)”.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng cựu nhân viên CIA hiện đang nằm trong tay mật vụ Nga. Snowden được cho là nắm trong tay hàng nghìn bản sao kỹ thuật số của các tài liệu tối mật của Mỹ, trong đó các chương trình do thám mà cựu nhân viên CIA trao cho tờ Guardian và Washington Post có vẻ chỉ là “màn chào hỏi”. Do đó, không có gì khó hiểu khi nhiều nhà quan sát quả quyết “Snowden là miếng mồi ngon” mà tình báo Nga không thể bỏ lỡ. Một cựu sĩ quan cấp cao của KGB cũng khẳng định, Nga sẽ không đời nào bỏ lỡ “miếng mồi béo bở” trong trường hợp Snowden sẵn lòng hợp tác.

Glenn Greenwald, bình luận viên của tờ Guardian, người đầu tiên được tiếp xúc với các tài liệu mật về chương trình do thám thông tin người dùng internet và di động do Snowden cung cấp cho biết, cựu nhân viên CIA “nắm trong tay hàng nghìn tài liệu mà nếu được công bố sẽ gây ra thiệt hại nặng nề làm tê liệt hệ thống và năng lực giám sát của chính phủ Mỹ trên toàn thế giới”.

Điều đó rõ ràng có hấp lực mạnh mẽ đối với mọi cơ quan tình báo trên thế giới, đặc biệt là Nga, đối thủ truyền thống của Mỹ. Hơn nữa, tình thế lại đang rất có lợi đối với Moscow khi “con mồi” Snowden hiện vẫn ở trên đất Nga. Bất chấp tuyên bố không dẫn độ cựu nhân viên CIA của Nga, nhiều nhà phân tích tin vào khả năng, nước này có thể sẽ giao Snowden cho chính phủ Mỹ để đổi lấy những “món hời” lớn mà họ muốn có.

Và số phận của cựu nhân viên tình báo Mỹ được cho là đang nằm trong tay Tổng thống Putin.

Chẳng hạn, Nga có thể mang Snowden để trao đổi lấy 2 công dân Nga là Viktor Bout, một lái buôn vũ khí và Konstantin Yaroshenko, một trùm buôn ma túy hiện đang bị Mỹ giam giữ. Trước đó, Mỹ đã từ chối yêu cầu của Nga để dẫn độ ông Viktor Bout và Konstantin Yaroshenko về nước.

Nay với “con bài” Snowden, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, “Nga đang có lợi thế đàm phán”. Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, Nga có thể yêu cầu Mỹ dẫn độ trùm gián điệp Alexander Poteyev, người đào thoát sang Mỹ năm 2010 và bị cho là nắm trong tay thông tin về toàn bộ mạng lưới mật vụ Nga. Theo Reuters, Phó Chủ tịch Quốc hội Nga Vladimir Zhirinovsky đã đề xuất các vụ trao đổi như trên.

Một cựu quan chức cấp cao Mỹ từng làm việc ở Nga nhấn mạnh: “Tôi đảm bảo, tình báo Trung Quốc đã moi được các thông tin bí mật từ Snowden. Có thể họ đã sao chép chúng và trả lại cho anh ta những chiếc đĩa cứng. Và bây giờ rõ ràng đến lượt người Nga”.

Tuy nhiên, tổ chức Wikileaks đang ủng hộ và ra sức giúp cựu nhân viên CIA tìm nơi trú ẩn nhiều lần tuyên bố, tình báo Nga lẫn Trung Quốc hoàn toàn không khai thác Snowden. Vậy tại sao họ lại bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời như thế?

Quay trở lại với lời phủ nhận của Tổng thống về việc Moscow không đang khai thác Snowden, giới quan sát cũng đặt ra câu hỏi tương tự,  tại sao lúc này ông chủ Điện Kremlin, một cựu sĩ quan KBG lại không “nắm bắt cơ hội”? Tổng thống Putin đã ám chỉ câu trả lời trong tuyên bố rằng: “Snowden xem bản thân mình là nhà hoạt động vì chân lý, lẽ phải… Hãy tự hỏi bản thân các bạn: Liệu một người như vậy có đáng bị tống vào tù hay không. Bất luận thế nào, tôi cũng không muốn đáp ứng những yêu cầu như vậy”.

Từ lời đáp trả khẳng khái trên, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh, có vẻ ông chủ Điện Kremlin đang rất đắc chí vì có cơ hội “dạy dỗ” Washington một bài học đạo đức. Trong trường hợp của Snowden, có một sự đảo ngược về vị trí so với thông lệ – Mỹ đang cố giữ im lặng còn Nga đang mạnh mẽ mỉa mai kẻ hay chỉ trích, lên án người khác về nhân quyền rõ ràng luôn đeo mặt nạ giả trá, lừa bịp.

Giá trị tuyên truyền trong trường hợp này mang ý nghĩa lớn lao đối với Tổng thống Putin khi có cơ hội vạch trần Mỹ - kẻ không ngừng rao giảng ủng hộ, thúc đẩy nhân quyền đồng thời luôn miệng chỉ trích, lên án gay gắt các đối thủ như Nga, Trung Quốc vi phạm nhân quyền – chỉ là kẻ đạo đức giả.

Đồng thời, thông qua vụ Snowden, Tổng thống Putin dường như muốn khẳng định, Nga đang theo đuổi phương pháp không can thiệp khi tuyên bố sẽ không cấp qui chế tị nạn cho cựu nhân viên tình báo Mỹ Snowden hoặc mang “người hùng” ra làm vật trao đổi theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Quyết định không can thiệp vào công việc nội bộ của Washington, Tổng thống Putin chính xác có ý răn Mỹ đừng xen vào những chuyện nội bộ của Nga.

Với tuyên bố: “Anh ta (Snowden) càng nhanh chóng quyết định số phận cuối cùng cho mình, sẽ càng tốt hơn đối với cả chúng tôi lẫn anh ta”. Điều đó rõ ràng đồng nghĩa với việc, Tổng thống Putin muốn Snowden mau chóng ra khỏi lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, đặt diễn biến vụ Snowden cho tới thời điểm này với vụ Nga bắt được một điệp viên CIA của Mỹ cách đây khoảng một tháng sẽ thấy những lập luận trên không phải là không có cơ sở.

Còn nhớ chỉ mới tháng trước, Cục An ninh Liên bang Nga đã “tóm” được một điệp viên CIA đội lốt nhân viên ngoại giao của Đại sứ quan Mỹ ở Moscow tên là Ryan Fogle và Nga đã làm rùm beng vụ này trước dư luận quốc tế. Nhiều nhà quan sát thời điểm dó bình luận, Nga hiếm khi hành động như vậy. Tuy nhiên, lần này có vẻ Moscow muốn bóc trần Mỹ trước không chỉ công chúng Nga mà còn dư luận quốc tế rằng, Washington rõ ràng vẫn còn hành xử theo thủ đoạn thời Chiến tranh Lạnh. Do đó, Nga đương nhiên có quyền đáp trả.

Ông Alexei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban quan hệ đối ngoại của Quốc hội Nga hôm qua rõ ràng đã làm sáng tỏ lập luận trên với tuyên bố: “Một số người nói, nếu cấp tị nạn chính trị cho Snowden đồng nghĩa với việc chúng tôi đang hành xử theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Nhưng kể từ khi Mỹ cài gián điệp với những bộ tóc giả vào bên trong nước Nga thì việc cấp tị nạn chính trị cho Snowden hoàn toàn không phải là hành vi Chiến tranh Lạnh”. Nói cách khác, theo ông Pushkov, Snowden là một nhân tố trong trò chơi công bằng trong trường hợp Nga cấp tị nạn chính trị cho anh ta.

Cuối cùng, hiện nay Mỹ chỉ có thể bất lực ngồi chờ động thái tiếp theo của Snowden. Nhiều khả năng “người hùng” Snowden sẽ sớm bay tới Eduador nơi anh đã nộp đơn xin tị nạn chính trị. Trong khi đó, hôm nay đích thân Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cũng tuyên bố, sẵn sàng dành cho cựu nhân viên CIA một chỗ dung thân.  Và nỗi băn khoăn, liệu Snowden có tiết lộ các bí mật mà anh ta nắm giữ cho mật vụ Nga hoặc Trung Quốc hay không, sẽ tiếp tục là chuyện mà chỉ những người trong cuộc mới biết nhưng sẽ không ai lên tiếng xác nhận.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Bạch Dương (Theo Time)