Mặc dù, tên tuổi của ông Tập Cận Bình vẫn chưa thể sánh ngang với hai người tiền nhiệm là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, song dư luận quốc tế vẫn hết sức quan tâm tới từng “đường đi nước bước” của ông.
Một trong những sự kiện gần đây ở Trung Quốc thu hút dư luận trong và ngoài nước chính là Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, nơi ghi đậm dấu ấn của ông Tập thông qua các cải cách đáng chú ý.
Thứ nhất, các đại biểu tham dự Hội nghị đều đã nhất trí nới lỏng luật chỉ cho phép sinh một con hà khắc, vốn bắt đầu đưa vào áp dụng từ năm 1979. Chính sách mới này cho phép các gia đình có một con, có quyền sinh thêm con thứ hai, áp dụng cho cả người dân tộc thiểu số.
Tiếp theo đó, việc bãi bỏ hệ thống “trại lao cải” cũng nhận được nhiều đồng thuận của người dân.
Điểm đáng lưu ý trong kế hoạch cải cách của Trung Quốc là khoảng gần 1 triệu lao động nhập cư ở các thành phố lớn sẽ được hưởng các chính sách xã hội.
Đáng chú ý nhất ở phiên họp toàn thể này là việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia, một trong các kế hoạch mà ông Tập chuẩn bị trong một thời gian dài.
Ngoài các quyết sách quan trọng nêu trên, vị thế của ông Tập Cập Bình dường như rộng mở hơn, nhất là sau khi cơ quan điều tra phanh phui các sai phạm nghiêm trọng của chính trị gia Bạc Hy Lai, người đang thụ án tù chung thân.
Thêm vào đó, ông Tập cũng thực hiện chiến dịch chống tham nhũng trên toàn quốc. Một cơ quan giám sát chuyên trách gồm các cán bộ cảnh sát điều tra cao cấp cũng đã được thành lập và thường xuyên báo cáo trực tiếp tình hình lên ông Tập.
|
Hội nghị Toàn thể lần thứ 3 BCH TW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, nơi ghi đậm dấu ấn của ông Tập Cận Bình.
|
Trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị - xã hội phức tạp như ở Trung Quốc, nhờ đâu ông Tập Cập Bình lại tạo ra được tiếng vang mạnh mẽ đến vậy?
Thân thế “con ông cháu cha” của ông Tập giúp ông có được lợi thế không nhỏ trong sự nghiệp chính trị. Cha ông, cựu Ủy viên Quốc vụ viện Tập Trọng Huân, là một trong số những người sống sót sau cuộc Vạn lý Trường Chinh cùng cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Quan trọng hơn, con đường khổ luyện gian khổ là câu trả lời thỏa đáng cho các thành quả mà Tập Cập Bình đạt được ngày nay. Vượt qua khó khăn trong thời kì Cách mạng văn hóa, ông Tập đã có bước thăng tiến vững chắc trong sự nghiệp chính trị.
Những thành tựu nêu trên là minh chứng rõ ràng về các đóng góp to lớn của ông Tập trong gần 1 năm lên nắm quyền.
Dù vậy, cũng trong thời gian đó, nền chính trị của Trung Quốc đã nảy sinh một số vấn đề. Đơn cử như một loạt các cuộc công khai chống đối Nhà nước...
Song, cộng đồng quốc tế vẫn hoài nghi, trong tương lai, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ dung hòa giữa việc củng cố quyền lực chính trị với việc cải cách kinh tế - xã hội như thế nào?
Thanh Nga (Theo Tele)