Các quan chức thuộc Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia đã xác nhận thông tin trên và nhấn mạnh, nếu bị kết tội bỏ bê trách nhiệm, làm sai quy tắc liên quan đến một chương trình bình ổn giá gạo gây tranh cãi, bà Yingluck có thể bị phế truất khỏi vị trí thủ tướng.
Thông tin trên được đưa ra hôm qua. Trước đó 1 ngày bà Yingluck đã bị triệu tới Ủy ban Chống tham nhũng để đối chất về những cáo buộc. Ông Vicha Mahakhun, một thành viên Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia cho biết: "Dù bà Yingluck đã được cảnh cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong chính sách này, song vẫn tiếp tục cho triển khai. Điều đó cho thấy bà cố tình gây thiệt hại cho chính phủ, do đó, chúng tôi đã nhất trí khởi tố bà".
|
Nữ Thủ tướng Yingluck lao đao với việc bị khởi tố ngay sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và cảnh sát bạo động làm chết ít nhất 4 người tại Bangkok hôm qua. |
Quyết định khởi tố đối với Thủ tướng Yingluck được đưa ra vài giờ sau cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình tại trung tâm Thái Lan khi lực lượng an ninh triển khai chiến dịch tái chiếm lại các khu vực bị người biểu tình phong tỏa, kiểm soát.
Một cảnh sát thiệt mạng vì bị bắn vào đầu và 3 người khác thiệt mạng trong đó có một dân thường.
|
Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan chống trả quyết liệt cảnh sát chống bạo động. |
Bệnh viện Erawan tại Bangkok cho biết hơn 40 người đã bị thương, dù không nói rõ bao nhiêu trong số này là cảnh sát và người biểu tình. Trong khi đó, cảnh sát Thái Lan xác nhận 24 nhân viên cảnh sát đã bị thương trong suốt cuộc đụng độ với người biểu tình, chủ yếu là vì bị trúng phải các mảnh vỡ từ các vụ nổ bom.
Tiếng súng và những tiếng nổ lớn được nghe thấy khắp nơi tại thủ đô, dù không rõ là từ phe nào. Phát ngôn viên chính phủ Thái cho biết, cảnh sát chống bạo động tham gia chiến dịch tái chiếm các tòa nhà chính phủ bị người biểu tình phong tỏa chỉ được sử dụng đạn cao su và không gây chết người.
|
Người biểu tình quá khích Thái Lan lật xe ô tô, làm rào chắn ngăn chặn cảnh sát tái chiếm các địa điểm biểu tình. |
Trước đó, vào sáng hôm qua 18/2, cảnh sát chống bạo động Thái Lan cũng đã bắt giữ khoảng 150 người biểu tình đang trấn thủ bên ngoài trụ sở Bộ Năng Lượng.
Thái Lan rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kể từ khi hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ bắt đầu đổ xuống đường phố biểu tình hồi tháng 11 năm ngoái. Những người biểu tình phong tỏa các tuyến đường quan trọng cũng như các tòa nhà chính phủ nhiều tháng qua, gây áp lực đòi chính phủ phải giải thể. Văn phòng của Thủ tướng Thái Lan là một trong những nơi bị người biểu tình chiếm giữ.
Tuần trước, chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tái chiếm tất cả những tòa nhà chính phủ bị chiếm đóng. Để đối phó, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập trước văn phòng của Thủ tướng Thái Lan hôm 17/2, đổ xi măng bít kín lối vào để ngăn các quan chức chính phủ quay trở lại làm việc.
Sáng 18/2, cảnh sát bắt đầu đàm phán, thương lượng với người biểu tình đang tụ tập với số lượng ngày càng lớn để bảo vệ những khu vực họ chiếm giữ nhưng không thành công. Thay vào đó, người biểu tình chống chính phủ quyết liệt kháng cự lại cảnh sát.
Cho đến nay, cảnh sát Thái Lan vẫn tỏ ra do dự trong việc sử dụng bạo lực nhằm trấn áp biểu tình. Lực lượng này trước đó đã cho phép người biểu tình được tiến vào bên trong các tòa nhà chính phủ trong một động thái để không làm leo thang căng thẳng.
Bạch Dương (theo CNA)