Trung Quốc phá giá NDT, châm ngòi chiến tranh tiền tệ mới?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ “chạy đua xuống đáy” trong khu vực và trên thế giới.

Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD giảm thêm 1% ngày 13/8. Mức giảm này thấp hơn hai mức 1,9% và 1,6% trong hai ngày 11 và 12/8.
Trung Quoc pha gia NDT, cham ngoi chien tranh tien te moi?
Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ trong ba ngày liên tiếp.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 13/8 được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC- Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) ấn định là 6.4010 nhân dân tệ đổi lấy một USD, tăng 1,1% so với mức 6.3306 ngày trước đó.
Thị trường chứng khoán, vàng, USD chao đảo
Theo Kitconews, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đã tạo một cú sốc tiền tệ và khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Giá vàng tăng vọt lên mức đỉnh ba tuần khi giới đầu tư đổ xô mua vàng trong bối cảnh chứng khoán và đồng USD đang biến động mạnh sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Theo Kitconews, đêm 12/8, giá vàng Comex giao tháng 12 tăng vọt thêm 15,4 USD (tương đương 1,4%) lên mức 1.123,10/ounce sau chuỗi ngày dài giảm giá liên tiếp.
Trái với đà tăng của giá vàng và đồng USD, thị trường chứng khoán trên thế giới đang chao đảo. Tại các thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản, giá chứng khoán bắt đầu đà giảm tốc.
Chỉ số Topix của Nhật chứng kiến ngày giảm thứ ba liên tiếp, “bốc hơi” gần 4% về mức 1.659,53  trên sàn giao dịch Tokyo. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Dow Jones đã mất 1,2% - mức giảm mạnh nhất trong một tháng, xuống hơn 17.402 điểm. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 1% và 1,3%.
Tại sao Trung Quốc phá giá tiền tệ vào lúc này?
Câu hỏi được đặt ra không phải là vì sao Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, mà là vì sao phá giá vào lúc này?
Xét về mặt lý thuyết, Trung Quốc nói họ đang làm những gì Mỹ và cộng đồng quốc tế mong muốn, khi cho phép đồng nhân dân tệ được định giá linh hoạt hơn.
Thế nhưng, một số nhà kinh tế nói rằng việc Trung Quốc phá giá đồng tiền vào lúc này có vẻ như quá bất ngờ và do không lường trước được kết quả yếu kém hơn dự đoán trong lĩnh vực xuất khẩu. Số liệu công bố hồi cuối tuần rồi cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm hơn 8% so với năm ngoái.
Các nhà máy Trung Quốc hiện thuê hàng triệu nhân công và việc đồng NDT giảm giá mạnh có thể ảnh hưởng tới đời sống của người lao động, dẫn tới tình trạng mất việc hàng loạt, khiến cho chính phủ mất lòng dân, thậm chí có thể dẫn tới tình trạng bạo loạn xã hội.
Bước đi của Trung Quốc còn gây ảnh hưởng mạnh tới cả khu vực. Các đồng tiền tệ ở Châu Á đều xuống giá so với trước. Do vậy bước đi này có thể coi như “cuộc đua xuống đáy” - một cuộc đua mà không ai giành được phần thắng.
Châm ngòi cuộc chiến tranh tiền tệ mới?
Nhiều hãng tin tài chính lớn như Financial Times, Bloomberg, cho rằng hành động của Bắc Kinh đang châm ngòi một “cuộc chiến tiền tệ” trong khu vực, khi hàng loạt các quốc gia Châu Á bất ngờ phải đối mặt với áp lực phá giá tiền tệ để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu.
Nhà phân tích tiền tệ Philippe Gelis nói với BBC News: "Việc Trung Quốc nhanh chóng quay ngoắt trở lại trong chính sách tiền tệ cho thấy tình hình kinh tế của nước này đang tới điểm cấp bách. Trung Quốc đã lựa chọn một cuộc chiến tiền tệ rõ ràng."
Theo Financial Times, việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) có thể dẫn tới hành động tương tự của một loạt quốc gia khác, đặc biệt là các đối tác thương mại của Trung Quốc ở Châu Á. Financial Times nhận định đây là đợt giảm giá Nhân dân tệ lớn nhất của Trung Quốc trong vòng hai thập kỷ qua và đánh dấu sự leo thang của cuộc chiến tiền tệ trên thế giới và trong khu vực.
Tờ Wall Street Journal nhận định rằng chiến tranh tiền tệ có khả năng xảy ra khi các quốc gia cùng tìm cách giành ưu thế cho hàng hóa xuất khẩu của mình trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc giảm giá Nhân dân tệ có thể buộc các quốc gia khác phải hạ thêm lãi suất và giảm tỷ giá đồng nội tệ. Áp lực giảm giá đồng tiền sẽ đặc biệt căng thẳng ở các nước Châu Á xuất khẩu một lượng hàng hóa lớn sang Trung Quốc hoặc cạnh tranh với Trung Quốc ở các thị trường xuất khẩu khác. Nhân dân tệ mất giá mạnh cũng có thể gây thiệt hại cho các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên vật liệu thô và hàng chế tạo sang Trung Quốc.
Minh Châu (TH)