|
Giàn khoan dầu trên biển.
|
Tờ
Daily News xuất bản tại Malaysia nhận định, rất có thể vì khan hiếm nguồn dầu mỏ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, Trung Quốc có thể lặp lại vết xe đổ của Mỹ phát động các cuộc chiến tranh giành giật tài nguyên.
Sau 30 năm cải cách kinh tế, lượng dầu mỏ mà Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều. Trong năm 2011 Trung Quốc tiêu thụ 470 triệu tấn dầu mỏ, trong khi chỉ tự cung cấp được khoảng 200 triệu tấn. Chỉ 5 năm nữa, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.
Chính nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc ngày càng tăng cao sẽ dẫn đến việc tranh chấp với các nước khác. Giới chuyên gia cho rằng trong tương lai nếu Trung Quốc có phát động chiến tranh thì đó là vì tài nguyên dầu mỏ.
Trước đó tờ Financial Times đưa tin, Công ty Dầu khí Trung Quốc đã mua cổ phần trị giá khoảng 5 tỷ USD của mỏ dầu Kashagan trên biển Caspian nhằm củng cố vị trí nhà nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu tại Kazakhstan, nơi Trung Quốc chiếm tới trên 1/4 sản lượng dầu và khí thiên nhiên của quốc gia này.
Để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động thăm dò khai thác trong nước, tăng cường nhập khẩu và đầu tư khai thác tại các giếng dầu ở nước ngoài.
Muốn có nguồn cung cấp dầu mỏ, Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư vào các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Oman, Iraq, Iran và giành được thiện cảm của các quốc gia này, nhưng các nước này đều lo ngại Mỹ đe dọa, chỉ cần một cuộc chiến như chiến tranh Iraq thì bao nhiêu vốn liếng đầu tư của Bắc Kinh bỗng chốc sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Nhằm tránh bị Mỹ can thiệp, Trung Quốc lại rót tiền vào các quốc gia nghèo để khai thác dầu khí, nhưng nguồn tài nguyên cũng như bối cảnh chính trị tại các nước này ra sao vẫn còn là một ẩn số với Bắc Kinh mà Myanma là một ví dụ điển hình.
Trung Quốc từng hậu thuẫn mạnh mẽ chính quyền độc tài tại Myanmar trước đây và đầu tư rất nhiều vào việc khai thác, xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu, không ngờ vài năm nay tình hình chính trị Myanmar thay đổi, nhà cầm quyền mở cửa và tăng cường hợp tác với Mỹ đẩy các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc tại thị trường này vào chỗ rủi ro.
Những vùng biển Trung Quốc cho là thuộc "chủ quyền của họ" và định nhăm nhe khai thác dầu khí hầu hết là các vùng biển tranh chấp. Tại Biển Hoa Đông tranh chấp với Nhật Bản Trung Quốc cũng đang duy trì mỏ Xuân Hiểu nhưng bị phía Nhật phản đối dữ dội, hoạt động khai thác cũng chỉ cầm chừng.
Tại Bắc Hải và Hoàng Hải, Trung Quốc đang có những tranh chấp với Hàn Quốc và ở Biển Đông có tranh chấp Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei. Do đó, trong tương lai, hoàn toàn có khả năng Trung Quốc lặp lại vết xe đổ của Mỹ, phát động chiến tranh để tranh giành nguồn tài nguyên.
Theo GDVN