Thằng cháu lúc nào thấy tôi ôm ấp chị nó là nó lại dỗi: “Bác yêu chị nhất nhà!”, mặc dù không chỉ tôi mà tất cả mọi người trong nhà, kể cả chính cu cậu nữa, đều yêu quý chị nó.
Mà không yêu sao được bởi đó là cô bé xinh xắn, dễ thương và rất ngoan ngoãn, đã thế bé lại còn thông minh, học giỏi. Âu cũng là lẽ thường tình.
Còn cu cậu thì đương nhiên cũng được cả nhà yêu thương, nhưng công bằng mà nói thì rõ ràng là không được ưu ái bằng cô chị, cũng bởi vì cu cậu rất nghịch ngợm, nhiều phen khiến ông bà, bố mẹ cáu điên lên. Chả bù cho cô chị chưa bao giờ phải nghe một câu nặng lời nào từ bất kỳ ai. Do vậy, cu cậu dù còn bé xíu cũng đã biết nhận thức và so sánh ai được yêu hơn ai, ai không được yêu bằng ai?
Từ con ruột...
Trong một gia đình, được sinh ra cùng một bố, một mẹ (chứ không nói đến trường hợp “con anh, con tôi, con chúng ta”), nhưng không phải đứa con nào cũng nhận được tình cảm tương đương nhau từ những ông bố, bà mẹ. Nghe thì thấy vô lý, con nào cũng là con, sao lại có chuyện con yêu, con “ghét”! Thế nhưng thực tế lại là như vậy. Thông thường các ông bố - thiên về lý trí - yêu những người con ưu tú, giỏi giang - những “bản sao” mang lại niềm tự hào, hãnh diện cho bản thân mình và cho cả gia đình. Còn những bà mẹ, “nhi nữ thường tình” - nặng về tình cảm - lại hay thương những đứa con yếu kém, thiệt thòi - mà người đời hay gọi là “cái rốn” trong gia đình. Và một điều thường thấy nữa là bố thường quý con gái, còn mẹ lại hay bênh con trai.
|
Ảnh minh họa. DAD |
Tôi biết một gia đình sinh được một gái, một trai, cô chị thì học hành giỏi giang, được học bổng bán toàn phần tại Anh, ngược lại cậu em lại ham chơi, học hành chểnh mảng. Năm đó, cô chị đi du học, gia đình phải gom góp một khoản tiền kha khá để chuẩn bị hành trang cho con gái một thân một mình nơi đất khách. Nhưng cũng thời điểm đó, cậu em bị bạn bè rủ rê chơi bời, mang nợ một khoản tiền cũng không nhỏ, chủ nợ đến đòi ráo riết, dọa không trả sẽ kiện ra pháp luật. Trong tình cảnh trớ trêu đó, người cha gầm lên: “Nó hư đốn thế để nó phải tự gánh hậu quả, số tiền này để lo cho tương lai của chị nó, cho danh dự của cả dòng họ nhà này”. Bà mẹ vật vã, khóc lóc: “Ông thương con nó, bây giờ mà không trả nợ, nó bị đuổi học, lý lịch lại có vết nhơ. Rồi chủ nợ người ta không tha thì con nó còn gì là người nữa”. Chưa có con, chưa hiểu lòng cha mẹ, người chị dù thương mẹ, thương em nhưng trong lòng vẫn hờn tủi “Mẹ không thương mình bằng thương em”. Còn cậu em vốn út ít, quen được mẹ chiều chuộng, sinh ra ích kỷ nên ít nhiều trách móc cha “ghét” mình, chỉ có mẹ thương mình thôi!
... đến con dâu
Con đẻ còn vậy, huống hồ là ở vị trí con dâu. Cô bạn tôi cứ dăm bữa nửa tháng lại tìm đến tôi để kể lể, tâm sự. Chồng cô là anh cả, chủ một công ty kinh doanh thời trang, mấy năm trước đây cũng có đồng ra đồng vào. Còn em trai của chồng được bố mẹ chồng cô đầu tư, cung cấp vốn cho hai vợ chồng mở hàng cơm bình dân. Cô bạn tôi tị với em trai và em dâu chồng được bố mẹ quan tâm, lo lắng, còn vợ chồng cô thì bị “gán trách nhiệm” là con cả, lại có công việc đàng hoàng, nhàn nhã, thu nhập tốt nên phải giúp đỡ, hỗ trợ cho các em.
Cô ấm ức: “Mang tiếng là thu nhập cao, nhưng dạo này công ty của ông xã cũng đang lao đao bởi kinh tế khó khăn, còn đang bạc mặt ra mà chèo chống, rồi còn phải lo ăn, lo học cho hai đứa con cùng năm cuối cấp với bao nhiêu thứ phải chi tiêu. Trong khi vợ chồng nó năm vừa rồi bán đắt hàng, tiền lãi dễ đến ngót trăm triệu.
Ấy vậy mà mẹ chồng vẫn kêu chúng nó khổ, chúng nó vất vả, thức khuya dậy sớm. Cái nhà đã nhường cho chúng nó ở với ông bà, vậy mà bà muốn sửa lại cái bếp cũng lại réo gọi ông chồng mình cung cấp tiền. Bà cũng khéo làm cho con trai mủi lòng. Bà than, từ thời trẻ chỉ mơ ước được nấu nướng trong một gian bếp tiện nghi, sạch sẽ, vậy mà sống đến ngoài 70 rồi vẫn chưa thỏa ước nguyện. Mà chúng tớ có ở cái nhà đấy đâu mà phải bỏ tiền ra sửa? Chồng tớ phải bỏ tiền trang bị cho cái bếp mà hằng ngày vợ của em chồng được đứng nấu nướng? Thế chồng nó đâu? Sao lại oái oăm như thế chứ?!”.
Cô còn kể, có lần ăn cơm, bà gắp mấy con tôm cho con dâu út, giục giã nó ăn, còn mình thì bà chỉ đĩa đậu rán: “Con ăn đậu đi, ngon lắm”. Mỗi lần cả nhà có giỗ, bà chỉ chăm chăm, con dâu trưởng rửa bát sạch sẽ, rửa đỡ cho em dâu út còn có thì giờ ru con nó ngủ.
Ngẫm nghĩ về những tình cảnh “yêu - ghét” trớ trêu này, tôi tự đặt câu hỏi: “Đây là lỗi của cha mẹ chưa công tâm hay lỗi của những đứa con còn xem nhẹ chữ hiếu?”.
Trở lại chuyện cháu trai tôi, một hôm nó hỏi: “Nếu từ giờ cháu ngoan ngoãn, không nghịch ngợm, bướng bỉnh nữa thì cả nhà cũng yêu cháu bằng chị bác nhỉ?”.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Thanh Niên