Đất hương hỏa

Google News

Mảnh đất hương hỏa bỗng trở nên có giá. Ấy vậy mà chẳng ai vui, bởi lẽ mảnh đất này khiến tình cảm anh em trở nên sứt mẻ.

Gia đình bác cả Trạc đang sống yên ổn ở quê nhà thì bỗng dưng có chuyện… Số là, mảnh đất mà vợ chồng, con cái bác cả đang ở vốn là đất hương hỏa, có nghĩa là đất của các cụ lâu đời trong dòng họ Vũ nhà bác để lại, trên đất đó có khu thờ tự của dòng họ, do vợ chồng bác trông coi, hương khói. Khu đất rộng trên một ngàn mét vuông này tọa ở phía đầu làng của một vùng quê ngoại ô yên tĩnh.
Hai năm trước, do có chủ trương qui hoạch thành phố mở rộng, cái xã ngoại thành nhiều sỏi đá và cát bụi nhà bác được sát nhập vào thành phố. Rồi xã nghiễm nhiên trở thành một phường, nghe cứ thấy oách thật lực. Tiếp theo là một loạt dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá được thành phố rót vốn xuống cái phường mới này, ào ạt cứ như một đại công trường.
Người thành phố nhiều tiền lắm của, chẳng biết để đâu sinh lời cao, nay thấy đất ở phường mới này còn rẻ, dễ có khả năng lãi lớn nên nhiều kẻ săn đón, tìm kiếm. Đội ngũ cò đất cùng các cơ sở kinh doanh nhà đất mọc lên nhan nhản trong thời gian ngắn như thể nấm rơm gặp mưa rào.
Khu đất nhà bác cả Trạc ở đầu làng Hạ quả là có vị trí đắc địa nhất nhì. Này nhé, nhà bác đất thì rộng rãi, vuông vắn, lại đủ cả mấy tiêu chí “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” nghĩa là gần cả chợ, cả sông lại sát bên đường cái dẫn vào trụ sở phường mới, sắp được mở to mấy làn xe thênh thang.
Ảnh minh họa. 
Hàng ngày xe cộ ra vào nhà bác để hỏi về lô đất cứ đông nườm nượp như mắc cửi. Có lái đất đã “thổi” giá lên đến mười mấy triệu một mét vuông. Nhẩm tính qua, đã thấy bác cả nằm trên núi tiền nhưng bác một mực từ chối tất cả: Đây là đất hương hỏa, tôi chỉ được ở chứ không được bán.
Về gia đình lớn của bác cả Trạc, anh em họ hàng bấy lâu sống với nhau cũng gần gũi, đoàn kết. Vợ chồng cụ đồ Tảo, sinh được bốn người con, gồm hai trai là bác cả Trạc và chú út Cường cùng hai gái ở giữa là cô Hoa và cô Nụ.
Sinh thời, vợ chồng cụ đồ tần tảo làm lụng, dành dụm nên con cái khi ra ở riêng ai cũng được các cụ bù phụ cho ít nhiều lấy vốn làm ăn. Họ lại được thừa kế tính tình chịu thương, chịu khó và ăn tiêu dè sẻn của cha mẹ, nên tuy chẳng giàu có hơn người nhưng ai cũng có bát ăn bát để.
Cả ba người em của bác cả Trạc đều có nhà riêng ở thành phố. Hàng năm tới ngày Tết hay ngày giỗ các cụ, họ chỉ tập trung về nhà bác cả thắp nén hương cho tổ tiên, ăn với nhau bữa cỗ rồi đi, chẳng ai muốn về ở hay mảy may có ý định chia bôi mảnh đất quê nhà với bác.
Trong số các người em của bác cả, thì nhà chú út Cường mấy năm gần đây phất lên nhanh nhất nhờ chú kinh doanh sắt thép và buôn bất động sản. Dạo trước, nghe nói chú có cả mấy biệt thự và nhà chung cư cao cấp cho Tây thuê ở ngoài thành phố, riêng tiền thu được hàng tháng đã vài chục triệu. Có tiền, chú cũng không bo bo một mình, mà về làng giúp đỡ họ hàng khó khăn, rồi bỏ chi phí trùng tu nhà thờ họ.
Nhưng rồi như ai đó nói, cái câu “lên voi, xuống chó” nó vận vào chú út Cường rất nhanh. Cùng với cái bong bóng bất động sản nổ cái “bụp”, số tiền đầu tư của chú vào các dự án mới cũng tiêu tan.
Mà “sông to thì sóng lớn”, chú Cường giàu có đấy nhưng để đầu tư làm ăn lớn, chú cũng phải vay nhiều. Thế là giờ đây, khi chú sa cơ lỡ vận, ngân hàng và chủ nợ đến xiết hàng ngày. Tài sản chìm, nổi của chú phải “đội nón ra đi” hết mà chưa đủ trả nợ.
Đường cùng, chú út phải dẫn vợ con về quê, xin bác cả xắn cho một miếng đất, dựng cái nhà cấp bốn làm nơi tá túc. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, huống hồ là anh em ruột lúc hoạn nạn, đương nhiên là vợ chồng bác cả Trạc đồng ý ngay.
Nhưng cái điều tưởng như rất hợp lý ấy lại dẫn đến những hệ lụy mà anh em bác cả Trạc không lường hết được. Đó là gia đình bà Hoa và bà Nụ đang yên, đang lành, nay nghe giá đất quê lên chóng mặt lại thấy chú út Cường về ở được, nên họ cũng muốn được chia phần.
Trong cuộc họp gia đình nhân ngày giỗ cụ đồ lần trước, họ đưa ra “phương án”: Từ tổng diện tích 1.200m2, để lại nhà thờ và khuôn viên 300m2, nhà bác cả được phần hơn là 300m2 còn lại chia ba người em, mỗi người 200m2.
Dĩ nhiên là phương án này bị gia đình bác cả Trạc phủ nhận, vì trong tổng diện tích khu đất, có một phần đáng kể do gia đình bác tự “phát triển” mở rộng trong quá trình ở. Cụ thể là phía bắc có cái ngõ chung, năm nọ xã xây trường học nên bịt lại, thành ra ngõ cụt, bác đã “hợp thức hóa” nó vào khu đất nhà bác. Phía tây thì hàng ngày bác và các con đổ đất, đổ rác để lấn ra sông…
Nhưng điều quan trọng hơn, đây là đất hương hỏa, các cụ xưa truyền lại cho ông bà, rồi bố mẹ, và nay là vợ chồng bác cả, cứ ai là con trai trưởng của dòng họ Vũ thì ở trông nom, hương khói tổ tiên. Các cô nay về đây đòi chia đất, rồi sau đó bán đi lấy tiền, để người ngoài vào ở trên đất tổ tiên là không được.
Anh em nhà bác cả Trạc sau lần ấy không còn ngồi lại được với nhau nữa. Nghe đâu, mấy thằng con trai nhà bà Hoa còn tính đưa sự việc ra chính quyền và thuê luật sư làm việc với bác cả để “bảo vệ quyền lợi chính đáng” của mẹ chúng.
Ngày giỗ cụ đồ Tảo năm nay, bác cả Trạc nhắn tin gọi các em về, nhưng gia đình các cô ấy không về nữa mà tự cúng bố tại nhà riêng. Ở quê chỉ có nhà bác cả và nhà chú út Cường làm giỗ bố, trong không khí nặng nề, u ám…
Theo Nông Nghiệp VN