“Phận người đàn bà như bèo gặp nước, nước trôi về đâu thì bèo trôi về đấy. Nhưng bèo còn có chỗ để bám khi không muốn chảy theo những dòng nước xiết. Chứ phận đời như tôi thì bám vào đâu, cay đắng nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, vì đứa con và cũng vì hạnh phúc của người chồng “bạc tình” mà chấp nhận”.
Hai hàng nước mắt chảy dài nghẹn ngào trên gương mặt xạm đen của chị Nhĩ khi nói chuyện về cảnh đời của mình khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Cha mẹ đặt đâu…con “xin” ngồi đấy
Về xóm Mãn Chiêm, Thôn Vân Thượng, Xã Hồng Tiến, Huyện Phổ Yên, Thái Nguyên, hỏi thăm gia đình ông Dương Văn Quảng và bà Hà Thị Thi, những người dân ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của gia đình ông bà đáng thương như thế nào. Vượt qua hàng chục cây số với những chặng đường lầy lội trong cơn mưa rào buổi sáng sớm, chúng tôi tìm đến gia đình nhà bố mẹ đẻ của chị Dương Thị Nhĩ, một người phụ nữ đang đứng trước những đau khổ cùng cực của số phận. Đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà ngói cấp 4 lụp xụp, ẩm thấp. Bên trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ và bộ bàn ghế để tiếp khách. Gian trong cùng chỉ đủ kê chiếc giường cho chị Nhĩ nằm để tránh mưa bão và nắng gió mỗi khi thời tiết khắc nghiệt, “Nó nằm ở căn nhà bên kia, nhưng cơn bão vừa rồi làm xập đổ hết, nên mới chuyển nó sang nằm ở buồng này, nó khổ lắm thương nó nhưng giờ cũng không biết làm thế nào” bà Thi nghẹn ngào trong nước mắt.
Sinh ra là một cô gái xinh đẹp, bình thường, lớn lên với những rung động đầu đời, chị Nhĩ đem lòng yêu thương một người con trai ở làng bên, mối tình đầu tiên đó có bao nhiêu sự thăng hoa của hạnh phúc, cùng với những hứa hẹn trăm năm, nhưng chị và người đó chỉ có duyên không có phận. Năm 1998, chị gạt những dòng nước mắt rời xa người mình yêu thương cùng những lời hứa hẹn trăm năm ấy, để lên xe hoa với một người mà chị không có tình cảm từ chính trái tim của mình. Được biết, đây là duyên được ghép do hai người mẹ, nghe mẹ chị đã đồng ý chấp nhận lời yêu cầu cho cuộc hôn nhân này. Ngày bước chân về nhà chồng, tuy gia đình khó khăn nhưng cũng lo chu toàn cho đám cưới “sắp đặt” của chị. Mọi người trong gia đình ai cũng nghĩ chị sẽ có được niềm hạnh phúc viên mãn trọn vẹn, sẽ được đơm hoa kết trái dưới mái ấm của riêng mình. Nhưng hạnh phúc đó chẳng được bao lâu, chị phải rời xa nó. Một sự thật nghiệt ngã hơn mà chị phải chấp nhận, người chồng của chị yêu cầu chị viết bản cam kết với lí do chị đồng ý cho lấy vợ hai trong khi chị bị liệt giường.
Đặt nhầm chỗ…con chịu đắng cay
Những ngày chị về làm dâu, đó cũng là những ngày tháng chị phải chịu nhiều tủi cực. Cưới nhau chưa được bao lâu, hai vợ chồng ra ở riêng theo ý của mẹ chồng, nhưng mọi công việc trong gia đình đều một tay chị cáng đáng và lo toan tất cả. Tuy phận làm dâu khổ cực, nhưng chị không một lời than vãn, mà vẫn cam chịu. Mọi người trong họ hàng nhà chồng luôn yêu quý và khen chị là nàng dâu thảo hiền, tảo tần mọi việc, không để điều tiếng cho ai. Duy nhất có mẹ chồng không ưa chị, trong mắt bà chị luôn là một người vô dụng. Chị Nhĩ kể, mẹ chồng và chị không hợp nhau, nhưng bà vẫn xin hỏi cưới chị về làm dâu, vì bà là người bạn thân với mẹ chị, muốn giữa hai người có tình cảm bạn bè thân hơn trước. Theo chị, trong cuộc sống gia đình và anh em nhà chồng, trước mặt bà nói những lời như giót mật vào tai, nhưng sau lưng bà nói một khác, khiến anh em họ hàng cũng phải ghê sợ bà. Biết mẹ chồng có tính cách khác thường, nhưng chị cũng cố gắng giữ gìn hạnh phúc của mình. Năm 1999 chị sinh con trai, đây cũng là sợi dây kết nối tình cảm của vợ chồng chị thêm chặt hơn.
|
Chị Nhĩ nằm liệt giường |
Nhưng hạnh phúc không mỉm cười với chị, năm 2004 chị bị ngã khi đi hái sấu. Gia đình đưa chị đi bệnh viện Tỉnh, và chuyển cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức, tại đây các bác sĩ chẩn đoán chị bị đứt tuỷ, và liệt mãi mãi. Sau những ngày điều trị tại bệnh viện, chị được chuyển về nhà để chăm sóc, cũng từ đây chị phải chịu những ánh mắt dò xét và những lời nói khó nghe từ mẹ chồng, cho dù thế nào chị vẫn cam chịu vì chị nghĩ cuộc đời chị giờ đây xem như là vô nghĩa, có gắng gượng cũng chỉ thương con trai còn quá ít tuổi. Những tưởng chị tàn phế, người chồng sẽ chăm sóc cho chị trong suốt cuộc đời còn lại, nhưng nghe mẹ mà anh đã đối xử với chị không chút lòng thương cảm. Trong khoảng thời gian nhà chồng chị xây nhà, chị phải chuyển về nhà bố mẹ đẻ (nhà ông Dương Văn Quảng bây giờ), chị đắng lòng khi biết tin chồng chị cưới vợ khác: “Mẹ chồng và chồng tôi lên tận đây hỏi tôi là cho anh ấy đi lấy vợ hai để về chăm sóc cho tôi và đứa con trai của tôi và anh ấy, bố mẹ tôi nghe vậy cũng đồng ý, nếu không bà mẹ chồng cũng vẫn quyết định. Không những vậy, bà và chồng tôi còn bắt tôi phải viết bản cam kết với lí do là đồng ý cho chồng tôi lấy vợ hai, và đích thân mẹ và anh trai tôi là Dương Văn Đài trực tiếp đi hỏi vợ hai cho chồng tôi”.
Cả gia đình đều hi vọng người vợ thứ hai đó sẽ chăm sóc cho con gái mình nhưng ngược lại sau khi lấy vợ hai, người chồng bỏ mặc cho bố mẹ chị chăm sóc và cũng không ngó ngàng gì tới chị. “Tôi có bảo anh ấy là đưa vợ sang nhà để hai chị em gặp nhau, và những giỗ tết nhà tôi cũng như gia đình nhà chồng đều phải lo chu đáo, thì mẹ chồng tôi sang tận nhà tôi nói và chửi tôi là mày nằm đấy liệt giường thì đừng lắm chuyện”. Chị cảm thấy đau khổ và nhiều lần tự tử nhưng không thành. Chị quyết định viết đơn li dị gửi toà giải quyết, đứa con trai thì hiện tại ở với bố, vì mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc. Nhưng tình mẫu tử không chia cắt được hai mẹ con chị, hàng ngày sau giờ đi học, Thái thường xuyên về bà ngoại chăm sóc cho mẹ nhiều hơn là ở với bố. Đang ngồi nói chuyện với tôi mà ánh mắt chị luôn hướng nhìn ra phía ngoài sân, nơi đứa con trai nhỏ bé của chị đang gồng mình đẩy xe gạch, phụ thợ xây lại căn buồng đã bị xập trong đêm mưa bão. “Nó năm nay học lớp 9, tuy trẻ con nhưng nó biết và thương mẹ lắm, ở với bố nhưng không hợp nên cứ mỗi giờ tan học, nó toàn về đây với mẹ. Cứ mỗi lần nhìn con, lại nghĩ thương cho con, sau này không biết cháu sẽ như thế nào”.
Xót xa mẹ già chăm con tàn tật
Giờ đây, mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều do bố mẹ già chăm sóc, cuộc sống bất hạnh lại càng bất hạnh hơn. Được biết, ông Dương Văn Quảng và bà Hà Thị Thi có tất cả là 6 người con, một người con của ông bà mất năm 1991 do bị bệnh tâm thần, 2 người con hiện đang sinh sống trong Nam, hoàn cảnh cũng khó khăn và có con gái có triệu chứng của thiểu năng trí tuệ, chỉ cười và khóc hiện đang ở với ông bà. Anh Dương Văn Đài, con thứ 2 của ông bà (đã có gia đình) mang bệnh Thận đã mấy năm nay, mổ 3 lần nhưng không khả quan. Gia cảnh khó khăn, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng không đủ ăn, bản thân ông bà lại mắc bệnh tiểu đường mãn tính và bệnh khớp xương khiến chân co lại, đang nuôi một cháu bị thiểu năng trí tuệ và người con gái tàn phế với những vết lở loét trên người đang ngày ngày chảy mủ. Những khó khăn cùng cực của gia đình bà giờ đây là những tháng ngày ảm đạm. Ông bà chỉ lo nhất là cô con gái tàn phế liệt giường sẽ không có ai chăm sóc khi ông bà mất đi. Những gánh nặng đang hằn lên trên đôi vai gày yếu của cả hai ông bà đang ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Gạt những dòng nước mắt đang lăn dài trên gò má, chị Nhĩ tâm sự: “Phận người đàn bà như bèo gặp nước, nước trôi về đâu thì bèo trôi về đấy. Nhưng bèo còn có chỗ để bám khi không muốn chảy theo những dòng nước xiết. Chứ phận đời như tôi thì bám vào đâu, cay đắng nhưng vẫn phải nhẫn nhịn, vì đứa con và cũng vì hạnh phúc của người chồng “bạc tình” mà chấp nhận”.
Chị chỉ có một nguyện vọng là muốn được hiến nội tạng cho bệnh viện sau khi chị mất, chị muốn cứu lấy những mảnh đời bất hạnh mắc bệnh hiểm nghèo mà phải cần tới nội tạng để thay thế, từ tấm lòng chân thành của mình. Dứt cơn mưa, cũng là lúc trời đã ngả về chiều, chúng tôi chia tay chị và gia đình trong tiếng cười, tiếng khóc vô hồn của đứa cháu, ánh mắt chị ngấn lệ khiến chúng tôi không khỏi xót xa cho hoàn cảnh bất hạnh của chị và gia đình.
Theo Gia Đình VN