Kế hoạch dành dụm của vợ chồng trẻ

Google News

Chuyện dành dụm, chi tiêu đối với vợ chồng trẻ sao thấy khó khăn quá. Tại hoàn cảnh hay tại vợ không giỏi quán xuyến? 

Vừa trở về sau kỳ “hơ nỳ mun”, vợ chồng son đang bồng bềnh niềm vui hạnh phúc trong căn phòng tân hôn, vợ mặc chiếc váy ngủ mới, nép bên chồng, nhưng không phải để nựng chồng mà tra hỏi cặn kẽ về thu nhập của chồng nhằm lên kế hoạch chi tiêu dành dụm. Tội nghiệp, chắc lúc đó chồng sốc dữ, nhưng cũng đành hợp tác chiều lòng vợ.
Trên tay cầm quyển sổ chi tiêu đã sắm có chủ đích trước ngày cưới theo lời căn dặn của các “tiền bối”, vợ ghi lại chi tiết các khoản lương mềm, lương cứng của hai đứa rồi tính tính, chia chia xem với nguồn thu chừng đó thì chi hàng tháng bao nhiêu để vừa có tiền dành dụm. Như những cặp vợ chồng khác, mục tiêu lâu dài của chồng và vợ là mua được căn nhà nhỏ để xây cái tổ riêng tư.
Theo như tính toán thì nếu cứ duy trì được mức chi tiêu thế này thì khoảng 10 năm nữa vợ chồng mình có nhà. Nghĩ tới đó thôi là đã sướng rơn. Nhưng! đúng như chồng vẫn nói, chẳng phải việc gì cũng theo ý muốn của mình. Chuyện dành dụm, chi tiêu đối với vợ chồng trẻ sao thấy khó khăn quá. Tại hoàn cảnh hay tại vợ không giỏi quán xuyến? Những cặp vợ chồng mới cưới khác có giống mình không?
 Ảnh minh họa.
Làm đám cưới vào cuối năm khi cái gì cũng đắt gấp đôi, số tiền mình dự trù sẽ có sau tiệc cưới vừa đủ chi trả mọi khoản cho đám cưới, chẳng dôi đồng nào để dành. Ngậm ngùi bảo nhau “Thôi, không phải bù thêm đã là may rồi”.
Sang tháng sau, lương bổng, thưởng Tết của hai vợ chồng cũng chẳng nhập vào tài khoản chung được mấy đồng vì phải sắm sửa, mua quà Tết biếu ba mẹ, cậu dì chú bác đôi bên và lì xì cho mấy đứa cháu, biếu riêng hai má chi tiêu ngày Tết…Vợ có mặt nặng mày nhẹ đôi chút nhưng nghĩ lại cũng phải thôi, Tết là phải chi nhiều. Vợ chồng quyết tâm sang tháng sau phải để dành được như đã thống nhất.
Thế mà vợ quên mất là qua Tết, cả hai đứa đều phải đóng học phí cho học kỳ mới. Cũng vì phấn đấu cho sự nghiệp tương lai mà cả vợ và chồng hàng tối vẫn phải đến lớp sau cả ngày đi làm vất vả. Ai cũng nói sao không để học xong rồi cưới, hai đứa đưa ra đủ lí do: nào là quen nhau quá lâu rồi, “ngâm” hoài coi chừng lại không cưới được, thiệt thòi con gái; nào cưới để ổn định cuộc sống, nào cưới xong đi học tiếp cũng được...
Hai tháng sau đó thật vui vì tài khoản chung cuối cùng cũng được mở và tiền vào đều đều. Nhưng tháng sau, chồng chẳng may bị va nhẹ trên đường đi làm. Chiếc xe vốn cũ kỹ giờ càng trở nên cà tàng không thể chấp nhận được. Vợ đã cười ngả nghiêng khi nghe chồng kể đang chạy được một đoạn thì phát hiện chùm chìa khóa đã rơi ra từ lúc nào, đành quay lại tìm. Khổ! xe cũ đến nỗi ổ khóa mòn, rớt chìa ra ngoài mà chạy vẫn được. Thầm nhủ cứ để chồng chạy xe cũ vừa nguy hiểm, lâu lâu phải sửa cái thắng đĩa, sửa cái bô…cũng bộn tiền, thà mua chiếc xe mới cho an tâm. Thế là số tiền chắt chiu hai tháng trời ra đi. Hơi buồn chút nhưng bù lại, vợ chồng sắm được tài sản quí giá đầu tiên.
Rồi những tháng sau, không chuyện phải học thêm khóa ngắn hạn phát sinh, chuyện điện thoại bị mất thì cũng là chuyện sắm sửa những thứ cần thiết trong nhà như tủ quần áo, nồi cơm điện, máy giặt…Chỉ tiêu tiền để dành hàng tháng rớt xuống còn một nửa, có khi chỉ còn 1/3. Quyển sổ của vợ tháng vẫn đầy danh mục các thứ phải chi tiêu sắm sửa trong khi cột thu nhập thì lúc nào cũng chỉ có hai gạch đầu hàng: lương chồng và lương vợ. May mà vợ chồng mình cái gì cũng rõ ràng, nên hai đứa ít khi nào cãi nhau chuyện tiền nong. Chỉ có vợ, vì không được như dự định nên mỗi khi về thăm mẹ lại thủ thỉ kể khó đủ đường, than thở biết đến chừng nào mới mua được nhà. Mẹ cười khuyên con gái chẳng có gì phải nôn, chịu khó làm lụng từ từ cũng có dư, mới cưới chưa được một năm mà đòi hỏi gì.
Ngẫm lại, vợ chồng mình còn chung sống với nhau cả đời, còn dài gấp mấy lần “kế hoạch 10 năm”. Vả lại cuộc sống của gia đình nhỏ chúng mình vẫn được vun vén để tiện nghi hơn, giàu có hơn, đủ đầy hơn mỗi ngày bằng tình cảm vợ chồng đấy thôi.
Theo Phụ Nữ Online